Giới trẻ

Lời thú thật của người từng đi “giải cứu dưa hấu” giúp dân

Câu chuyện người dân “giải cứu sầu riêng” nhưng không thể ăn được gây xôn xao dư luận những ngày qua. Từ câu chuyện này, một số người chuyên giải cứu dưa hấu giúp dân cũng đã trải lòng mình.

Những ngày gần đây câu chuyện người dân mua sầu riêng giúp tài xế xe container tại Hà Nội đã nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận trái chiều của cộng đồng mạng.

Trong đó, việc người dân mua quả sầu riêng về không ăn được đã khiến cho dư luận tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi “phải chăng lòng tốt đang bị lợi dụng?”, “làm sao để giúp đúng người?”…

Câu chuyện "giải cứu sầu riêng" gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Từ câu chuyện này, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với anh Nguyễn Hải Thịnh - người yêu thiện nguyện, Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Tương Lai Xanh Quảng Nam.

Câu lạc bộ của anh Nguyễn Hải Thịnh từng được biết đến với nhiều hoạt động thiện nguyện có ích, trong đó có chiến dịch giải cứu dưa hấu giúp bà con nông dân tại Quảng Ngãi năm 2017.

Theo đó, khi theo dõi câu chuyện của tài xế lên mạng cầu cứu bán sầu riêng và nhìn toàn cảnh về việc “giải cứu nông sản” thời gian qua, anh Hải Thịnh cho rằng có một bộ phận người dân đang lợi dụng tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” để trục lợi dưới hình thức đánh vào lòng thương của người dân, nhất là kêu gọi trên mạng xã hội.

Anh Nguyễn Hải Thịnh chia sẻ tình huống mình từng gặp phải.

Trong quá trình làm công tác thiện nguyện, đặc biệt là giải cứu dưa hấu giúp dân, anh Hải Thịnh thú thật: “Bản thân tôi cũng từng bị người mua hàng mắng rất nhiều, vì đôi lúc chất lượng nông sản "giải cứu" không được như hàng bán ngoài chợ thông thường. Những lúc bị mắng như vậy, tôi chỉ biết mỉm cười và giải thích cho bà con hiểu rằng việc chúng tôi làm không có tư lợi cá nhân, chỉ có tinh thần thiện nguyện cao cả".

Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Tương Lai Xanh Quảng Nam cho rằng, việc mọi người lan truyền thông tin, giúp người dân gặp khó khăn giải cứu nông sản là một phẩm chất đạo đức đáng quý. Điều đó, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa người với người.

Cũng theo anh Hải Thịnh, anh bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình về vấn đề “giải cứu nông sản”: “Dù bị khách hàng phàn nàn về nông sản mua về không dùng được, bản thân tôi vẫn sẽ giải cứu giúp dân nếu như năm đó, người dân bị thương lái ép giá hoặc phía đối tác không thu mua cho dân”.

Từ câu chuyện “giải cứu sầu riêng” gây ồn ào vừa qua, cùng với tình huống thực tế bản thân gặp phải, anh Nguyễn Hải Thịnh cho rằng việc tốt được lan tỏa đó là điều đáng trân trọng.

Không thể chiều lòng hết mọi người

Trước câu chuyện “giải cứu nông sản”, chia sẻ thêm với PV báo Người Đưa Tin, anh Huy Hoàng, một thành viên từng tham gia giải cứu dưa hấu ở Hà Nội vài tháng qua nói thêm: “Bản thân tôi từng giúp người dân giải cứu dưa hấu, khi mang về Hà Nội trên đường vận chuyển không thể tránh khỏi quả dập hoặc không ngọt. Vì thế, tôi cũng nhận về những lời phàn nàn không đáng có từ người mua, nhất là hiện nay việc giải cứu nông sản được đăng tải rất nhiều trên mạng xã hội.

Vẫn biết việc mình làm sẽ có người khen kẻ chê, không thể chiều lòng hết được, những lúc đó tôi cảm thấy rất buồn. Tuy nhiên, tôi tâm niệm làm việc bằng một cái tâm và bằng tinh thần "tương thân tương ái" thì chẳng sợ lời ra tiếng vào. Bản thân tôi cùng những người mê công tác thiện nguyện vẫn sẽ giúp dân "giải cứu nông sản" khi họ quá khó khăn.

Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với những người phát tâm giúp người dân đang gặp khó khăn, khi mua hàng cũng cần kiểm tra và cần tìm hiểu lý do mà họ cần "giải cứu". Để khi mang sản phẩm về dùng được, cả người bán và người mua đều thoải mái nhất".

Tác giả: Thanh Lam

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP