Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - Ảnh: GIA HÂN |
Xác định giá gói thầu còn nhiều bất cập
Sáng 24-5, nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà (giám đốc Sở Y tế Hà Nội) bày tỏ lo ngại khi các quy định về giá gói thầu chưa rõ.
Bà cho rằng trong thời gian qua, những vi phạm chủ yếu trong mua sắm đấu thầu cũng chính từ giá gói thầu.
Theo bà Hà, hiện nay việc xác định “giá gói thầu” được thực hiện theo thông tư của Bộ Tài chính và đang tồn tại nhiều bất cập.
Một trong các phương thức xác định giá gói thầu là phương thức sử dụng 3 báo giá và phương thức này đang mâu thuẫn quy định tại dự thảo Luật Giá vừa trình Quốc hội hôm 23-5 và các tiêu chuẩn thẩm định giá.
Theo bà Hà, phương pháp lấy 3 báo giá mà hiện nay rất nhiều đơn vị sử dụng không bảo đảm giá hàng hóa là giá thị trường.
Bởi đây không phải giá giao dịch thành công, hợp pháp, công khai và cạnh tranh nên không thể sử dụng làm căn cứ xác định giá gói thầu. Trong dự thảo không có hướng dẫn về việc xác định giá gói thầu.
Từ đó bà đề nghị cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu ngay trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này.
Liên quan nội dung về chỉ định thầu, bà Hà nói cũng chưa an tâm với quy định về chỉ định các gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Bà dẫn chứng có một số thuật ngữ, nội dung quy định chưa rõ về nội hàm khái niệm như “gói thầu cần triển khai ngay”, có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu.
Bên cạnh đó cụm từ “cần triển khai ngay” được quy định từ Luật Đấu thầu năm 2013 đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.
Một số đơn vị áp dụng hình thức chỉ định thầu với lý do “cần triển khai ngay tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân” đã bị xác định là vi phạm trong việc lựa chọn hình thức đấu thầu. Vì vậy, khái niệm khi nào “cần triển khai ngay” phải được cụ thể hóa.
Cùng với đó, quy định chỉ định thầu được áp dụng cho gói thầu chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, cũng tại dự thảo luật này, đàm phán giá được áp dụng với các gói thầu “mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế chỉ có 1 hoặc 2 hãng sản xuất”.
Như vậy, với gói thầu chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường sẽ áp dụng đàm phán giá hay chỉ định thầu.
Bà Hà đề nghị cần quy định rõ trường hợp nào áp dụng đàm phán giá, trường hợp nào áp dụng chỉ định thầu để các đơn vị khi tổ chức mua sắm áp dụng đúng quy định pháp luật. Bởi hai hình thức này có phương thức xác định giá gói thầu rất khác nhau.
Đề nghị quy định rõ hơn trường hợp cấp bách trong y tế
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho hay tại dự luật quy định được chỉ định thầu với gói mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này.
Do vậy bà đề nghị thay thế cụm từ "cấp cứu người bệnh" thành "trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách". Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đồng ý với quy định về các trường hợp được chỉ định thầu.
Trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế.
Ông nói gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ.
Do đó áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách. Tuy nhiên để tránh bị lạm dụng, ông cho rằng cần cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu.
Tác giả: THÀNH CHUNG - TIẾN LONG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ