Kinh tế

Kiếm bộn tiền nhờ cho thuê không gian trống

Sau khi chia tay với bạn gái, Anthony Paine cần nơi nào đó để gửi tạm đồ đạc của mình thật nhanh, nhưng lại chẳng tìm ra được địa điểm.

Khi đóng sập cánh cửa căn hộ chung của hai người, anh chợt nghĩ ra hẳn là có rất nhiều người gần đây thừa không gian trống để gửi đồ. Và anh ước gì mình kết nối được với họ.

Vì thế, Paine cùng một người bạn - David Mantle lập ra Stashbee. Mục đích của họ là kết nối những người có garage hoặc gác mái còn trống với những người cần tìm nhà kho giá rẻ. Đây là một trong những cái tên mới nhất gia nhập nền kinh tế chia sẻ gắn liền với công nghệ ngày nay.

Dougal Shaw đang sửa nhà và cần nơi để cất ba thùng đồ, một cái túi và một bộ đồ đánh golf. Vì vậy, anh quyết định thử dùng Stashbee. Trang web này giới thiệu anh với Rowena. Cô sống gần đó, có tầng áp mái khá rộng rãi. Đồ của Shaw được gửi ở đây trong 2 tháng với giá 56 bảng.

2gui do 1 2370 1482311576
Không gian trống trong nhà có thể được tận dụng để kiếm thêm tiền. Ảnh: BBC

"Tôi rất tin vào nền kinh tế chia sẻ", cô nói, "Thật tuyệt khi tôi có thể tận dụng số tài nguyên không sử dụng thường xuyên". Rowena cũng cho biết cô có quyền từ chối khách hàng nếu cảm thấy không ổn.

Ngành công nghiệp lưu kho truyền thống có doanh thu 440 triệu bảng một năm ở Anh và hơn 20 tỷ USD ở Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu dịch vụ cho thuê kho kiểu mới này có chiếm được lòng tin của khách hàng hay không.

Carlos Sousa - Quản lý bán hàng của Access Self Storagge, một công ty cung cấp dịch vụ lưu kho của Anh, tỏ ra nghi ngờ về tính chuyên nghiệp của dịch vụ kiểu mới. "Ở đây bạn có thể lấy đồ 24/7. Nhưng nếu bạn dùng chung kho với người lạ, khó mà đảm bảo là họ sẽ ở nhà khi bạn cần lấy đồ", ông nói.

David Mantle thì cho rằng vấn đề nằm ở chỗ, từ nhỏ, mọi người đã được giáo dục là không tin người lạ. Nền kinh tế chia sẻ buộc họ vượt qua suy nghĩ đó và tin rằng hầu hết người lạ không muốn hại chúng ta.



Đây là lý do trang web của anh ưu tiên đăng ảnh của chủ nhà, thay vì ảnh của nhà kho. Mantle tin rằng, cũng như các trang web hẹn hò trực tuyến, ấn tượng đầu tiên chính là về con người.

Anh cũng xác nhận chủ nhà có thể từ chối nếu không thích người gửi đồ. Và để khách hàng yên tâm, Stashbee sẽ kiểm tra thông tin của chủ nhà nữa.

Gần đây, họ còn đưa ra chính sách bảo hiểm tài sản tự nguyện. Phí bảo hiểm thấp nhất là 3,77 bảng một tháng, với món đồ trị giá đến 1.500 bảng.

Một số công ty, như CityStasher, còn kinh doanh dựa trên nhu cầu trông giữ tài sản ngắn hạn. Ví dụ như vài tiếng trước khi lên tàu. Đây là ý tưởng của một nhóm sinh viên kinh tế thuộc Đại học Oxford. Họ hợp tác với các cửa hàng nhỏ để trông đồ cho mọi người trong thời gian ngắn, chủ yếu gần bến xe bus và ga tàu. Khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm các địa điểm gửi đồ bằng ứng dụng của CityStasher.

1gui do 2183 1482311576
CityStasher tận dụng các cửa hàng nhỏ, như sạp báo, để trông đồ cho khách. Ảnh: BBC

Tuy vậy, để đảm bảo an toàn, Anthony Collias - đồng sáng lập CityStasher cũng cho biết: "Chúng tôi không khuyến khích khách hàng gửi đồ quan trọng. Tùy vào việc đó là lỗi của bên nào, chúng tôi sẽ có chính sách đền bù thích hợp".

Nếu đồ bị hư hỏng, bạn có thể được đền bù tới 100 bảng. Nhưng dĩ nhiên, con số này quá ít ỏi nếu phải bù cho một chiếc máy ảnh tốt hoặc smartphone đắt tiền. Dù sao, ý tưởng kinh doanh này cũng được đánh giá khá hấp dẫn. Và với một số cửa hàng nhỏ đang kinh doanh khó khăn, đây đúng là phao cứu sinh.

Tác giả bài viết: Ngọc Anh (theo BBC)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP