Kinh tế

Hương trầm xứ Quỳnh vào Xuân

Hiện nay, bà con sản xuất hương trầm Quỳnh Lưu đang bận rộn với những đơn hàng cuối năm để kịp cung ứng phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu 2017.

Với lợi thế và tiềm năng về đất đai, những năm qua, huyện Quỳnh Lưu đã khuyến khích bà con các xã miền núi trồng cây nhang bài để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hương trầm. Toàn huyện hiện có gần 500 ha cây nhang bài, tập trung ở các xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu, Tân Thắng Quỳnh Tân. Trong đó, xã Quỳnh Thắng có diện tích lớn nhất với 265ha. Mỗi ha trồng nhang bài, bà con sẽ thu hoạch được 4 tấn bột nguyên liệu khô. Với giá bán 35 triệu đồng/tấn, mỗi ha bà con thu nhập 140 triệu đồng. Do đó ngoài việc động viên bà con ổn định diện tích, hiện nay, xã Quỳnh Thắng còn tích cực xây dựng làng nghề sản xuất hương trầm tại xóm 1.
Các hộ làm hương trầm đóng gói sản phẩm để xuất bán thị trường Tết
Có sẵn nguồn nguyên liệu bột nhang bài khô với giá thành hợp lý nên người dân ở Quỳnh Lưu đã phát triển nghề sản xuất hương trầm. Tại xã Quỳnh Thạch hiện có 3 cơ sở sản xuất hương trầm, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 12 vạn búp hương, chủ yếu vào dịp Tết âm lịch.

Hiện nay, bà con làm hương địa phương đang tích cực đóng gói bao bì, dán tem nhãn sản phẩm để kịp cho khách hàng đến lấy. Anh Đậu Văn Châu - Chủ cơ sở hương Hiền Châu, xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Mỗi năm, cơ sở cấp cho thị trường khoảng 5 vạn cây hương, trừ chi phí, làm vụ Tết trong vòng 2 tháng, gia đình cũng được hơn 20 triệu.

Cơ sở hương Hiền Châu mỗi năm cung ứng khoảng 5 vạn cây hương trầm dịp Tết
Không chỉ Quỳnh Thạch mà hiện nay, phong trào sản xuất hương trầm phát triển mạnh ở các xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hồng, Quỳnh Châu, Quỳnh Tân… Làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi được UBND tỉnh chính thức công nhận từ năm 2011, đến nay, làng nghề đã có gần 20 hộ tham gia làm nghề thường xuyên với 60 lao động. Bình quân mỗi năm, bà con làng nghề sản xuất được khoảng 205.000 búp hương trầm với tổng doanh thu gần 1,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hồ Sỹ Hưng - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Từ đầu tháng 12 đến giờ, công việc của làng nghề rất bận rộn, từ khi được công nhận làng nghề thì các bà con đã mạnh dạn đầu tư thêm máy chẻ chu hương, qua đó tăng thêm uy tín của làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi.

Cơ sở Hương Quỳnh bận rộn cho những đơn hàng cuối năm
Để phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp tết Đinh Dậu 2017, bà con làng nghề đang tích cực sản xuất và đóng gói sản phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa nâng cao thu nhập. Theo ông Hồ Quốc Việt – trưởng làng nghề sản xuất hương trầm Quỳnh Đôi, đến thời điểm này, bà con đã sản xuất được khoảng 90% sản lượng, các hộ đã xuất bán đi các thị trường xa như các tỉnh phía Nam, khu vực Tây Nguyên. Riêng tại cơ sở sản xuất Hương Quỳnh của ông, đến nay cũng đã xuất bán được 40 ngàn búp, số lượng 30 ngàn búp còn lại đã có khách hàng đặt từ trước và cũng đã hoàn thành công đoạn đóng gói, dán tem nhãn. Thời điểm xuất hàng rầm rộ nhất là dịp này, thậm chí đến chiều 30 tết vẫn còn xuất hàng và thương hiệu giờ đã khẳng định được trên thị trường.
Hương trầm Quỳnh Lưu được khách hàng đến tận nơi mua về
Trải lòng về nghề của tiên tổ để lại, các hộ làm hương trầm ở Quỳnh Lưu cho biết làm hương quan trọng nhất phải có cái tâm. Bởi có tâm với nghề thì mới làm được những nén hương thơm tự nhiên, trong sạch và thoát tục. Từ bao đời các cụ đã dạy lại cho con cháu rằng chỉ có tâm trong, đức sáng thì thương hiệu gia truyền mới được tiếp nối bền vững cho thế hệ mai sau và cũng là để tích phúc đức cho con cháu. Muốn có được mùi hương đi vào lòng người thì quan trọng nhất là trước khi nguyên liệu được trộn phải cân đong thật chính xác, đúng tỷ lệ theo công thức. Do vậy, hương trầm Quỳnh Lưu có mùi thơm rất đặc trưng và được khách hàng ưa chuộng.
Thương hiệu hương trầm xứ Quỳnh đang dần được khẳng định trên thị trường
Tết đến xuân về, bên cạnh mâm ngũ quả, nồi bánh chưng xanh thì mỗi gia đình Việt Nam đều có thêm những búp hương trầm để vị tết thêm đậm đà hơn. Theo chân người, hương trầm xứ Quỳnh đã góp phần làm nên hương vị tết Việt đậm bản sắc ở nhiều vùng quê.

Tác giả bài viết: Lê Nhung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP