Giáo dục

Học sinh “từ chối” vào đại học: Có là tín hiệu đáng mừng?

30%, thậm chí nhiều nơi là 70% - tỉ lệ thí sinh (TS) năm nay không chọn thi vào đại học, chỉ thi để xét tốt nghiệp. Không vào đại học, các em sẽ làm gì? Liệu đây có phải là tín hiệu đáng mừng cho thấy rằng, việc lựa chọn ngành nghề của các em đã khôn ngoan và thực tế hơn rất nhiều khi hàng năm số sinh viên đại học ra trường thất nghiệp không ngừng tăng lên? Giữa việc chọn một nghề phù hợp với năng lực và chọn nghề theo sở thích cá nhân, đang là bài toán cân đo dần có định hướng hơn trong một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay.

Học sinh “từ chối” vào ĐH tăng mạnh!

Kỳ thi THPT Quốc gia vừa kết thúc, học sinh cả nước đang bắt đầu bước vào đợt xét tuyển mang tính “sinh tử” vào đầu tháng 8 này. Đối với những em không lựa chọn xét tuyển vào đại học, đây cũng là thời điểm để các em tìm kiếm, lựa chọn ngành nghề phù hợp. Nhìn vào số liệu đăng ký được nhiều địa phương cập nhật về tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi năm nay có thể thấy một bức tranh đang thành hình: Tỉ lệ TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT tăng cao so với năm ngoái. Tại Hà Nội, lượng TS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng 11.000 em so với năm 2015. Tỉ lệ học sinh không thi vào ĐH tại Vĩnh Phúc tăng từ 55% lên đến gần 70%. Tại Hòa Bình, tỉ lệ này còn tăng lên đến 70% (5.600 em thi để xét tốt nghiệp trong tổng số 8.100 em dự thi) - tăng 10% so với năm ngoái. Theo ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Hà Nội, xu hướng giảm thi vào đại học xuất phát từ việc học sinh đã xác định về khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai.

Theo nhiều chuyên gia, giảm vào ĐH, tăng học nghề là xu hướng tất yếu. Ảnh: HẢI NGUYỄN


Tại Hà Giang, thống kê của Sở GDĐT cho thấy trong tổng số hơn 6.700 em đăng ký dự thi, có đến 4.900 em thi để xét tốt nghiệp THPT. Tương tự tại Lào Cai, có 3.199/6.038 học sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT. Hay tại Nghệ An, 40% TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm 12.000 trên tổng số 31.000 em dự thi. Số liệu tổng hợp của Bộ GDĐT cho thấy năm nay, cả nước có hơn 286.000 TS đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT - chiếm 32% trong tổng số TS dự thi và tăng thêm 4% so với kỳ thi năm 2015. Ông Thái Huy Vinh, PGĐ Sở GDĐT Nghệ An cho biết, hiện tượng nhiều học sinh ra trường không kiếm được việc làm là nỗi lo của nhiều gia đình và trăn trở của những người làm quản lý giáo dục địa phương.

“Sợ thất nghiệp!”

Những con số trên dường như “biết nói” khi phần nào đó đang mang thông điệp: Không phải cứ vào đại học bằng mọi giá là ổn, và không phải cứ học đại học ra là sẽ có công việc vừa lương cao, vừa an nhàn, lại “sang”! Con số 22.500 sinh viên ra trường thất nghiệp hàng năm cũng là một “lời cảnh báo” đanh thép với các em rằng, cơ hội có được việc làm sau khi ra trường ngày càng bó hẹp khi biên chế càng giảm, nguồn nhân lực ngày càng dôi dư. Đây là một tín hiệu mà theo nhiều học sinh và cả cha mẹ các em, việc lựa chọn ngành nghề cần một sự tỉnh táo và một cái nhìn thực tế. Trong quá trình diễn ra kỳ thi, LĐ đã gặp gỡ nhiều học sinh không thi vào ĐH mà lựa chọn học nghề để tiến thân. Tại điểm thi THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Ngọc Lân (THPT Việt Nam - Ba Lan) bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng vui vẻ: “Vậy là em đã hoàn thành kỳ thi. Bây giờ chỉ còn chờ kết quả và “nhắm” địa điểm để theo học ngành nấu ăn”. Với Lân, học ĐH ra trường dễ... thất nghiệp, khả năng đỗ lại thấp, do đó ngay từ đầu em đã muốn theo đuổi ngành nấu ăn chuyên nghiệp, vừa đúng sở thích, vừa có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Đưa con đi thi tại điểm thi THPT Đoàn Thị Điểm (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chị Trần Thị Hoa cho biết, gia đình hoàn toàn tôn trọng nguyện vọng của con nên để con tự quyết ngành nghề. Cũng tại điểm trường này, một phụ huynh cho biết, nhiều sinh viên trong xóm tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn không tìm được việc, nếu có việc cũng phải "chạy" mất vài trăm triệu. Điều này khiến gia đình anh hoang mang. “Làm cha mẹ, ai cũng có cảm giác rất sợ con mình thất nghiệp sau khi ra trường, nhất là với những ai không đủ khả năng “chạy” việc cho con! Chúng tôi xác định rõ với con rằng, bố mẹ không có tiền xin việc cho con. Vì thế, lựa chọn nghề nào, dù là thợ hay là thầy, là do con tự quyết định!” - chị Hoa nói.


Với Thanh Nhã, cô sinh viên đến từ Huế, câu chuyện học nghề của em lại không có bước khởi đầu thuận lợi bởi chính bố mẹ em lại là rào cản. Không phải ai cũng có được suy nghĩ “thoáng” như vị phụ huynh nói trên, bởi với Nhã, ba mẹ lại muốn em học một ngành nghề “đàng hoàng, có thu nhập cao”, thay vì ủng hộ ý thích học nghề nấu ăn của con. Để chiều lòng ba mẹ, Nhã mất hai năm loay hoay ở Vũng Tàu theo học ngành dầu mỏ. Thế nhưng, càng học, càng thấy không phù hợp, niềm đam mê học nấu ăn lại càng lớn dần, Nhã quyết tâm từ bỏ ngành đang học, quay trở ra Huế để học 3 năm tại trường CĐ Du lịch Huế, ngành bếp. Và tháng 6 vừa rồi, cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp, Nhã một mình “đầu quân” ra Thủ đô để tìm kiếm công việc. Thật tuyệt vời là với ngành bếp, Nhã dễ dàng xin được việc ngay, thậm chí nhiều cơ hội đến mức em thử làm việc tận 3 - 4 nơi mới tạm hài lòng với một vị trí công việc hiện nay tại một nhà hàng Nhật Bản. “Lương khởi điểm 4 triệu, chưa kể tăng ca, được nuôi ăn 2 bữa, lại làm đúng công việc mình mê, với em đó là sự khởi đầu quá ổn! Ba mẹ em ở Huế cũng đã dần dần được em thuyết phục!” - Nhã cho biết.

Học nghề, sinh viên cần gì?

Một con số đáng chú ý theo thống kê của Tổng cục dạy nghề là trên toàn quốc, lượng SV học nghề ra trường có tới 70% có ngay việc làm, trong đó có những nghề, những trường đảm bảo 100% có việc làm. Có những ngành “hot”, doanh nghiệp vào tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Về điều này, ông Cao Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, học nghề ngày càng có nhiều lợi thế bởi thị phần việc làm cho những người học nghề ngày càng cao. Các doanh nghiệp đang tăng cường sử dụng công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại, vì thế lực lượng lao động gián tiếp chỉ chiếm tỉ lệ từ 5 - 6%, còn lại là lao động đã qua đào tạo nghề. Chưa kể, hội nhập ASEAN, những người được đào tạo nghề có cơ hội làm việc cho nhiều quốc gia khác với mức lương hấp dẫn cả nghìn USD: “Khi đã có tay nghề, học sinh có nhiều con đường để lập nghiệp hơn. Ví dụ, nếu không làm thuê cho các doanh nghiệp, một thợ hàn, thợ cắt tóc, thợ làm móng tay… có thể ra mở tiệm làm riêng. Khi đã có chút vốn khá, muốn học nâng cao tay nghề, có thể dễ dàng tiếp tục học lên CĐ, ĐH nghề”.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tư vấn dạy nghề, học sinh khi tiếp cận với nghề học vẫn thiếu thông tin dự báo thị trường nhân lực, dự báo nguồn cung - cầu hàng năm. Trao đổi với Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, GĐ TT Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, cho biết: “Đây gần như là kênh duy nhất để các em “bám víu” nhưng mọi hệ thống dự báo trong nước chưa hề có sự đồng bộ, có tính định hướng cụ thể, mỗi cơ quan làm một phách và thậm chí còn vênh nhau. Đây là điều mà học viên thiếu nhất hiện nay trong lựa chọn ngành nghề”. Ngay tại trung tâm nơi bà quản lý, cán bộ học viên phải lấy thông tin dự báo thị trường lao động ở… TPHCM. Và để thêm kênh tham khảo cho học viên, trung tâm này phải chủ động có các cuộc khảo sát để nắm bắt nhu cầu, thế nhưng theo lời bà Trinh là “chỉ là một góc thôi chứ không thể nói lên được cả bức tranh thị trường lao động toàn Hà Nội hay miền Bắc”.

Tác giả bài viết: Dương Hà

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP