Thể thao

Hoàng Thịnh và nỗi ám ảnh chấn thương cơ khép háng

Găp chấn thương háng, Hoàng Thịnh đã phải nói lời chia tay AFF Cup 2016 sớm hơn các đồng đội khi không thể góp mặt ở 2 trận bán kết. Tiền vệ này cũng cần khoảng 2 tuần nghỉ ngơi để có thể bình phục hoàn toàn.


Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trọng Hiển, trưởng phòng y học, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn (Hà Nội) thì Hoàng Thịnh bị chấn thương cơ khép háng. "Trong cuộc họp giao ban mới đây, các bác sĩ đội tuyển cho biết Hoàng Thịnh bị căng cơ khép háng. Sau đó tôi không nhận được báo cáo hoặc thông tin gì thêm.


Hoàng Thịnh bỏ lỡ 2 trận bán kết AFF Cup vì chấn thương cơ khép. Ảnh: Quang Thịnh

Có thể với trình độ hiện tại thì các bác sĩ của đội tuyển đủ sức chữa trị cho Hoàng Thịnh. Về cơ bản, với dạng chấn thương này cần phải nghỉ khoảng 2 tuần để bình phục hoàn toàn.

Tất nhiên, còn phụ thuộc vào việc chính xác chấn thương ở khu vực nào mới có cách điều trị tốt nhất. Nếu bó cơ nằm gần gân thì có các điều trị riêng còn cơ gần xương lại điều trị kiểu khác. Vì thế rất khó để nói hiện giờ Hoàng Thịnh cần phải làm gì".

Như vậy với dạng chấn thương này, người chơi thể thao cần phải xác định rõ xem bó cơ nào bị tổn thương để đưa ra được liệu pháp điều trị tốt nhất.

Cơ khép háng bao gồm 3 loại: Cơ khép ngắn, cơ khép dài và cơ khép to. Nhóm cơ khép tham gia giữ tư thế xương chậu khi đi. Nghiên cứu cho thấy giảm 70% chức năng cơ khép đùi chỉ ảnh hưởng nhẹ hoặc vừa lên chức năng khớp háng. Tuy vậy, nhóm cơ này có vai trò quan trọng trong một số hoạt động chuyên biệt.


Vị trí của cơ khép dài (4), cơ khép ngắn (6) và cơ khép lớn (7) trong nhóm cơ vùng đùi.

Cũng giống như các chấn thương cơ thông thường, chấn thương cơ khép gặp phải khi chịu tải hoạt động quá tải hoặc chịu lực tác động lớn từ bên ngoài.

Do đặc thù của môn bóng đá, rất nhiều cầu thủ đã gặp phải loại chấn thương này. Trong đó có thể kể đến những trường hợp nổi bật như Benzema, Di Maria (Real Madrid), Carles Puyol (Barca). Ở Việt Nam, tiền đạo Gonzalo của CLB Hà Nội T&T cũng bị chấn thương cơ khép. Vũ Minh Tuấn cũng từng gặp chấn thương cơ khép đùi trái tại AFF Cup 2014.

Hay như mới đây là trường hợp Xuân Trường chấn thương điểm bám gân cơ khép và cơ khép đùi bên phải cùng đa chấn thương khác khá phức tạp.

Một số người chơi thể thao quá mức cũng gặp phải chấn thương tương tự, thậm chí còn xuất hiện những dấu hiệu như cả đùi bị bầm tím do sợi cơ bị đứt làm đứt các mạch máu trong cơ, máu chảy ra theo ống đùi làm tím toàn bộ đùi. Với những trường hợp này, cần mất khoảng 2 tháng kiêng cữ, kèm chườm đá và tiêm một số loại thuốc theo đơn để phục hồi hoàn toàn.

Một trong những cách kiểm tra đơn giản và dễ phát hiện loại chấn thương này nhất là lên gân khép đùi, ấn tay vào khe háng thấy rõ gân các cơ khép đùi gồm: cơ lược, cơ thon và 3 cơ khép. Ngược lại, nếu thiếu một đường căng hoặc việc khép háng gặp khó khăn, tốt nhất hãy đến bệnh viện để được khám chữa tốt nhất.

Nhìn chung, cơ khép nói riêng và khoảng 300 nhóm cơ khác trên cơ thể nói riêng đều có những mối liên hệ, tác động lẫn nhau. Ở một số nền bóng đá tiên tiến trên thế giới, người ta còn quan tâm tới cả cơ vùng thắt lưng và vùng khung chậu bởi 2 nhóm cơ này là xuất phát điểm, dẫn đến chấn thương cơ khép háng và gân khoeo.


Bài kiểm tra sức mạnh cơ vùng thắt lưng và cơ vùng xương chậu. Ảnh: 4231,

Bài kiểm tra nhược điểm ở 2 nhóm cơ nói trên khá đơn giản: Cầu thủ ngồi xổm một chân, chân còn lại duỗi thẳng ra phía trước . nhảy lò cò và đi gập gối để xác định đâu là yếu điểm cần khắc phục, loại bỏ nguy cơ chấn thương.

Như đã nói, đại đa số những ca chấn thương cơ khép nói riêng và chấn thương cơ nói chung đều đến từ việc các nhóm cơ chịu tải quá sức hoặc chịu tác động mạnh, bất ngờ. Chấn thương vùng háng thường tốn khá nhiều thời gian điều trị để nó bình phục hoàn toàn. Bởi vậy, lời khuyên đưa ra hãy cố gắng phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ chấn thương.

Để phòng tránh chấn thương dạng này, nguyên tắc chung là các hoạt động thể chất không được phép vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Trước khi tập luyện hoặc chơi thể thao, việc cần thiết là làm nóng thật kỹ để giúp các nhóm cơ làm quen dần với điều kiện hoạt động, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết rét lạnh.


Khởi động thật kỹ luôn là lời khuyên của các bác sĩ dành cho người chơi thể thao. Ảnh: Sendo

Dù người chơi thể thao có tiền sử chấn thương hay không, lời khuyên đưa ra để phòng tránh luôn là hãy thực hiện các động tác căng cơ một cách kỹ lưỡng. Bởi chúng có tác dụng tăng sự dẻo dai. Một chấn thương trước đó có thể giới hạn mức độ hoạt động trong một khớp và do đó gây ra sự thiếu mềm dẻo ở cơ và hậu quả là chấn thương.

Các bài tập kéo giãn dải chậu chày hay kéo giãn cơ háng cũng có tác dụng trong việc phòng ngừa chấn thương cơ khép.

Với bài tập kéo giãn dải chậu chày, người tập ngồi với chân bị đau gập lại và bắt chéo qua chân kia đang duỗi thẳng. Xoay eo về phía xa chân bị chấn thương và từ từ kéo chân đau lên ngực nhằm kéo giãn bên hông. Giữ tình trạng này trong khoảng 10 đến 15 giây. Lập lại động tác 6 đến 8 lần.


Bài tập kéo giãn cơ háng (trái) và kéo giãn dải chậu chày (phải). Ảnh: Sermef-Ejercicios

Bài tập kéo giãn cơ háng như sau: Ngồi với hai bàn chân chạm vào nhau, lưng thẳng, đầu nhìn về phía trước, đặt khuỷu tay trên đầu gối, sau đó từ từ ấn bàn tay xuống từ bên trong đầu gối cho đến khi cảm thấy sự căng cơ bên trong bắp đùi một cách rõ rệt. Giữ tư thế này trong 10 đến 14 giây, lập lại từ 6 đến 8 lần.

Về điều trị, những nguyên tắc cơ bản trong việc điều trị căng, rách cơ luôn cần được áp dụng: Ngưng tập luyện, vận động vùng bị tổn thương ngay lập tức. Chườm đá 3-4 lần/ngày trong 3-4 ngày đầu tiên. Sau đó mới chuyển sang chườm nóng. Nếu bạn chườm nóng sớm, sức nóng sẽ khiến máu lưu thông nhiều hơn đến khu vực bị tổn thương, dẫn đến chấn thương nặng hơn.

Hãy lưu ý trong lúc ngủ, vùng tổn thương cần được nâng cao hơn cơ thể để hạn chế việc lưu thông máu. Băng chun nhằm bó chặt các bó cơ bị tổn thương, đẩy nhanh quá trình hồi phục cũng là một cách tốt.

Với những trường hợp đau quá sức chịu đựng, xuất hiện vết bầm tím do tụ máu hoặc tình trạng kéo dài trên 1 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Lời khuyên tốt nhất lúc này là hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa.

Tác giả bài viết: Đỗ Hải

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP