Thế giới

Hóa thạch chim 90 triệu năm giúp dự báo tương lai Trái Đất

Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch 90 triệu tuổi của loài chim mới có sải cánh dài hơn một mét và hàm răng sắc nhọn ở vùng Bắc Cực thuộc Canada.

Hóa thạch chim 90 triệu năm tuổi được tìm thấy ở vùng Bắc Cực thuộc Canada. Ảnh: Michael Osadciw.
Nhóm các nhà địa chất thuộc Đại học Rochester, Mỹ phát hiện hóa thạch 90 triệu năm tuổi của một loài chim mới ở khu vực Bắc Cực thuộc Canada, Business Insider hôm 24/12 đưa tin. Con chim mang tên Tingmiatornis arctica là một trong số các loài chim lâu đời nhất từng được phát hiện ở bán cầu bắc.

Xương của Tingmiatornis arctica cho thấy nó trông giống con lai giữa mòng biển và chim cốc với sải cánh dài hơn một mét. Ngoài ra, con chim có hàm răng sắc nhọn và các đặc điểm giúp nó có thể lặn dưới nước.

Hóa thạch Tingmiatornis arctica được phát hiện trên dải dung nham hình thành sau nhiều vụ phun trào núi lửa. Núi lửa phun cacbon dioxide vào khí quyển Trái Đất, gây ra hiệu ứng nhà kính làm khí hậu ấm lên, tạo điều kiện giúp loài chim phát triển mạnh.

"Các yếu tố sinh thái như nguồn thức ăn, môi trường nước ngọt và khí hậu ấm áp đã biến khu vực này thành nơi sinh sống tuyệt vời cho loài Tingmiatornis arctica", John Tarduno, trưởng khoa Khoa học Môi trường và Trái Đất, trường Đại học Rochester, giải thích.

Loài chim mới giúp dựng lên hình ảnh rõ ràng hơn về hệ sinh thái tồn tại 93,9-89,8 triệu năm trước ở khu vực Bắc Cực thuộc Canada. Nó rất khác với nhiệt độ Bắc Cực ngày nay.

"Hóa thạch cho chúng tôi thấy cảnh tượng thế giới khi không có băng ở Bắc Cực", Richard Bono, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại khoa Khoa học Môi trường và Trái Đất, trường Đại học Rochester, cho biết.

Phát hiện này sẽ cung cấp thêm thông tin về hiện tượng nóng lên toàn cầu xảy ra khi đó, cũng như dự báo về tương lai biến đổi khí hậu trên Trái Đất.

Tác giả bài viết: Hiền Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP