U19 Việt Nam thua rõ về tinh thần và chiến thuật
Nhận xét về cuộc chiến này, HLV Lê Thủy Hải cho hay:
"Đội 1 hay 2 của Nhật Bản thì mình không đặt vấn đề. Nhưng về cục diện trận đấu thì mình kém hơn ở mọi thứ. Đêm qua U19 Việt Nam đã đánh mất bản sắc. Các cầu thủ của mình ra sân với thái độ rất yếm thế, rất rụt rè, sợ sệt.
Kể cả khi mình phạm lỗi, thì thẻ thôi vì có luật, nhưng các em rất mạnh mẽ. Phạm lỗi là bình thường. Nhưng hôm qua mỗi khi phạm lỗi, các em có vẻ sợ sệt, không bình thường, khi cầm được bóng thì rất hốt hoảng.
Bàn thứ 3, 2 lần đá vào sân đối phương rồi vào lưới. Bàn đó chưa cần trung vệ phá lên mà phải tiền vệ phá. Các em tập trung hơi quá mức, căng thẳng. Tất nhiên, chúng ta thiệt thòi vì thua sớm quá, rồi lại bị bàn nữa nên hốt hoảng.
Nhưng các em chơi không phải ở tâm thế không còn gì để mất mà cần cố gắng, nên không thể hiện được. Mình chỉ buồn thế thôi chứ vào đến đây là quá tuyệt vời rồi. Nhưng cách chơi chưa tốt, tất nhiên với Nhật Bản, các em đã nghĩ mình thua rồi, nên bị khớp, cách chơi không thoải mái".
U19 Việt Nam 0-3 U19 Nhật Bản
Ngoài vấn đề tâm lý cầu thủ, cựu GĐKT CLB Thanh Hóa cũng cho rằng vấn đề chiến thuật của U19 Việt Nam đã sai sót.
"Anh Tuấn cũng không truyền đạt được cho các em hết ý, hoặc các em không làm được. Các pha bóng dài của chúng ta hoàn toàn bế tắc, 3 trận trước ta đá được nhưng hôm qua Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn.
Không pha chuyền dài nào chúng ta có lợi thế. Thế thì cần phải thay đổi đi chứ? Nhưng chúng ta không thay đổi được, từ đầu đến cuối hoàn toàn bế tắc.
Còn bên kia thì đá bài bản hơn, kĩ thuật hơn, mạnh mẽ hơn. Đá với họ ta có lợi thế không thua thể hình, không thua thể lực nhưng khéo léo, nhanh nhẹn thì ta lại thua bạn.
Thua thì xứng đáng, không có gì nhưng chê cái là đáng lẽ cần ra sân với tâm thế, trạng thái, thái độ vừa nghiêm túc, vừa tập trung. Đánh giá đối phương cao hơn, nhưng mọi người đều phải quyết tâm, nhưng vẫn cần thoải mái vì không còn gì để mất.
Nhưng đó là bài học, chúng ta thua là đương nhiên rồi, chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề".
HLV Hoàng Anh Tuấn không có được sự thay đổi chiến thuật đáng kể nào.
Theo HLV Lê Thụy Hải, nếu được đá lại với U19 Nhật Bản và chuẩn bị tốt hơn, U19 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác nhưng kết quả vẫn là thất bại.
"Nếu chúng ta được đá lại với Nhật Bản, cũng cần thêm chỉ đạo nữa và về mặt tâm lý để thoải mái hơn thì không đến nỗi thế. Tất nhiên chúng ta vẫn thua nhưng đỡ hơn về mặt thái độ thi đấu, tâm lý. Hiệp 2 họ đá với mình như đùa cợt".
Sau trận đấu, có NHM nhận xét U19 Việt Nam trình độ khống chế bóng, ban chuyền quá kém và đã thể hiện trước U19 Nhật Bản. Nhưng HLV Lê Thụy Hải không nghĩ vậy.
"Bạn nào nhận xét thế thì hơi khắt khe. Nhật Bản họ đá pressing rất nhanh, có bóng là họ áp sát, đuổi từ trên về. Họ hơn mình nhưng không chủ quan, vì thế anh không có khả năng chuyền cho nhau.
Còn cầm giữa bóng xoay sở thì yếm thế nên không dám làm. Khi làm thì không quyết tâm, có nhiều pha bóng lợi thế hơn nhưng làm không hết sức.
Do tinh thần, xác định sẽ thua. Bóng đá có yếu tố bất ngờ, có những thứ không thể biết trước được".
U19 Việt Nam không thua kém về thể hình, thể lực nhưng 1 vs 1 thất thế bởi tinh thần.
Làm thế nào để đá WC U20?
Lại có CĐV Việt Nam khác bày tỏ lo ngại rằng không biết lứa U19 Việt Nam này năm sau đá WC U20 thì sẽ thủng lưới bao nhiêu bàn. HLV Lê Thụy Hải nhấn mạnh.
"Vấn đề sau trận thua này là chúng ta cần chuẩn bị thế nào cho tốt ở VCK WC U20 tới, chúng ta còn thời gian mà. Chúng ta đừng suy nghĩ vào đó để nhận thua bao nhiêu bàn.
Trung Quốc nhiều năm, dân số đông, kinh tế mạnh vào WC có 1,2 lần mà toàn thua. Nhật – Hàn vào cũng toàn thua, có sao đâu. Còn ta vào WC là niềm hãnh diện tự hào, quan trọng là chuẩn bị ra sao chứ đừng nghĩ thua bao nhiêu bàn.
Còn về cách chơi thì chúng ta phải thay đổi, để làm sao nhuần nhuyễn, để các em tự tin ở bản thân, tự tin ở đồng đội, tin vào BHL thì mới chơi được. Còn bảo phải kĩ thuật cao, phối hợp tốt, nhuần nhuyễn hơn thì chưa làm được vì các em ở nhiều CLB hợp lại".
HLV Lê Thụy Hải
Cụ thể hơn về việc thay đổi lối chơi, ông tiếp:
"Phải thay đổi lối chơi. Chúng ta thiên về phòng ngự vì yếu hơn thì phải đá phòng ngự, trước mắt đừng thua đã. Nhưng anh phải cầm được bóng. Cái chưa làm được là chưa cầm được bóng.
Không phải vấn đề cá nhân mà phải phối hợp với nhau, di chuyển nhiều lần, từ đó từ phòng ngự chuyển tấn công bằng quả dài chuẩn xác hoặc qua các điểm chúng ta chuẩn bị sẵn. Còn giờ chúng ta chuyền dài nhiều lúc không có ai, hoặc không đúng với cầu thủ chạy phía trên.
Chúng ta không phải thay đổi theo kiểu tổ chức, tấn công áp đặt thì không thể. Chúng ta phải phòng ngự dày, chặt chẽ nhưng phải tổ chức được, rồi từ đó mới phát huy bóng dài, phản công bất ngờ để đội bạn không phòng ngự được"
Tác giả bài viết: Đoàn Dự
Nguồn tin: