Giáo dục

Hiệu trưởng không đứng lớp mà nhận tiền phụ cấp là sai cả đạo lý lẫn pháp lý

Theo tôi, ngành giáo dục sớm thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học qua thi tuyển như một số địa phương đang làm để nâng cao chất lượng giáo dục.

Nếu Ban giám hiệu thấy khó, thấy mệt thì làm đơn xin nghỉ để người khác đảm nhận
"Nhiều Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp mà chả xấu hổ"

LTS: Tiếp tục loạt bài viết về chủ đề “Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp”, hôm nay, thầy giáo Trần Vũ có một vài ý kiến muốn trao đổi thêm để độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của thầy.


Một trong những nhiệm vụ của người Hiệu trưởng được quy định ở điều 19, Điều lệ trường THCS, trường THPT của Bộ GD&ĐT, đó là: “Quản lý giáo viên, nhân viên và quản lý chuyên môn”.

Trong bài viết này, tôi muốn trao đổi thêm về chủ đề “Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp” mà báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã và đang đề cập.

Thứ nhất, muốn quản lý tốt được giáo viên và nhân viên, trước hết người cán bộ quản lý trường học (Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) phải được giáo viên và nhân viên tâm phục khẩu phục bằng chính năng lực quản lý của mình, không thể bằng cách kể công, kể khổ, như:

“Nhiều giáo viên biết và nghĩ đơn giản, Ban giám hiệu dạy ít là sướng…chứ có mấy giáo viên hiểu được tính vất vả, phức tạp của công việc hành chính, quản lý?

Họ phải lo lắng, đối diện với biết bao nhiêu thứ việc từ cơ sở vật chất, phòng ốc, nhà vệ sinh đến chuyên môn, thời khóa biểu, họp hành, đối nội, đối ngoại….

Rồi đến các loại hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu, báo cáo lúc nào cũng vây bủa, phải gấp rút hoàn thành, nếu chậm trễ bị cấp trên nhắc nhở, phê bình…”.

(Trích từ bài viết: “Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ" đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/6/2016”).

giao vien
Hiệu trưởng không đứng lớp mà nhận tiền phụ cấp là sai cả “đạo lý” lẫn “pháp lý" (Ảnh minh họa từ sggp.org.vn)

Là giáo viên, tôi hiểu được nỗi vất vả của người cán bộ quản lý trường học.

Đó là ngoài việc quản lý giáo viên và nhân viên; quản lý chuyên môn, phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên và nhân viên thì Hiệu trưởng còn có trách nhiệm xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường; xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường.

Và báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền; thành lập các tổ chuyên môn; quản lý học sinh; quản lý tài chính, tài sản của nhà trường…(Theo Điều lệ trường phổ thông của Bộ G&ĐT).

Thực tế, đúng là Hiệu trưởng (phó hiệu trưởng) nhiều việc, nếu như không có người trợ lý giỏi thì mọi công việc sẽ là gánh nặng quá sức đối với những Hiệu trưởng không có năng lực.

Dù nhiều việc như thế, nhưng nếu được làm cán bộ quản lý trường học, ngoài phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, nếu có năng lực quản lý nhà trường và có cái tâm trong sáng thì sẽ dễ dàng vượt qua được mọi áp lực, mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; mà không phải kêu ca, than vãn.

Thiết nghĩ, giáo viên còn yếu về chuyên môn mà cố gắng thì sẽ được đồng nghiệp sẽ giúp đỡ và bồi dưỡng thêm nhưng nếu Hiệu trưởng năng lực lãnh đạo yếu mà vẫn cố làm, thì sẽ làm hại cho cả đơn vị.


Theo tôi, muốn quản lý tốt được giáo viên và nhân viên, người cán bộ quản lý trường học còn cần phải có đức tính trung thực - một phẩm chất hàng đầu của nhân cách con người, để nêu gương tốt không những cho giáo viên và nhân viên mà còn để học sinh noi theo.

Thiết nghĩ, làm thầy thì phải ngay thẳng, không được “ăn gian”, nếu có cái tâm không trong sáng thì không nên làm thầy, huống hồ gì là một cán bộ quản lý trường học.

Cho nên Hiệu trưởng (phó hiệu trưởng) nếu không đứng lớp theo Thông tư số 28 /2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định, nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp ưu đãi theo Thông tư liên tịch số: 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, là sai cả “đạo lý” lẫn “pháp lý”, như nhận định của tác giả trong bài viết: “Nhiều Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp mà chả xấu hổ" đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 13/6/2016).

Đúng là hết sức xấu hổ, khi người cán bộ quản lý trường học để lại một tấm gương không trong sáng; không biết lương tâm họ có bị cắn rứt hay không khi ký tên nhận số tiền đó?


Người cán bộ quản lý trường học có cái tâm không trong sáng thì làm sao có thể mạnh miệng khi triển khai cho giáo viên phải trung thực kê khai thành tích thi đua, kê khai nhận xét, đánh giá cuối năm…

Rồi làm sao mạnh miệng khi đứng trước học trò yêu cầu không được gian lận trong kiểm tra ,thi cử.

Cũng chính do người cán bộ quản lý trường học không gương mẫu, để lại nhiều tai tiếng trong trường, cho nên:

“Một số giáo viên bây giờ còn cái nhìn “dị ứng”,“ác cảm” khi nói về bộ phận lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục nên đánh giá, nhận xét về họ toàn xấu, toàn tiêu cực, ông nọ bà kia thế này, thế khác” (trích từ bài: “Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ" đăng trên Báo Giáo dục Việt Nam ngày 22/6/2016”).


Thứ ba, quản lý tốt về chuyên môn trong nhà trường cũng là một nhiệm vụ của người cán bộ quản lý trường học được quy định trong Điều lệ trường phổ thông của Bộ GD&ĐT.

Muốn đạt được điều này, thiết nghĩ, trước hết người cán bộ quản lý trường học cần phải có nghiệp vụ sư phạm và trình độ chuyên môn vững vàng, thì mới có thể làm tốt được công tác :

“Kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên”. (Điều 9, Điều lệ trường THCS, trường THPT).


Bởi có những người cán bộ quản lý trường học được bổ nhiệm chức vụ không qua thi tuyển, nên năng lực quản lý và trình độ chuyên môn không hơn giáo viên, do đó mới có chuyện:

“Chưa bao giờ có một Hiệu trưởng hay hiệu phó nào dám dũng cảm đứng ra thao giảng một tiết dạy cụ thể để giáo viên trong trường học tập…có vị hiệu trưởng, vị chuyên viên vì một lý do tế nhị không được bổ nhiệm lại khiến họ trở thành giáo viên thì mấy năm liền không có nổi một tiết dạy đạt loại tốt.”

(Trích từ bài viết: “Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể!" đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 18/6/2016)


Ngoài việc phải thực hiện đầy đủ và đúng quy định hệ thống hồ sơ, sổ sách theo dõi hoạt động giáo dục trong trường (điều 27 Điều lệ trường phổ thông của Bộ GD&ĐT), người cán bộ quản lý trường học còn phải gương mẫu thực hiện đúng quy chế chuyên môn như giáo viên.

Thế nên, người cán bộ quản lý trường học không có gì phải than vãn, kêu ca khi cho rằng:

“Do không hiểu được tính chất công việc của Ban giám hiệu nhà trường nên một số giáo viên mới đòi hỏi lãnh đạo phải được kiểm tra hồ sơ, giáo án; phải thao giảng tiết này, tiết nọ”.(trích từ bài viết: “Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ") .

Tôi cho rằng, người cán bộ quản lý trường học khi dạy học nếu như có cắt xén chương trình, lên lớp không có giáo án, cho điểm không đủ cột theo quy định, không dự giờ hoặc không đánh giá được giờ dạy của giáo viên, không thao giảng làm mẫu cho giáo viên học tập rút kinh nghiệm, không dự sinh hoạt với tổ chuyên môn… thì làm sao mạnh dạn kiểm điểm, kỷ luật giáo viên khi họ vi phạm quy chế chuyên môn.

Việc giáo viên đòi hỏi lãnh đạo phải được kiểm tra hồ sơ, giáo án; phải thao giảng như trên là chính đáng và người cán bộ quản lý trường học không nên né tránh, mà phải chứng minh mình đủ năng lực để quản lý chuyên môn và cũng không thể biện minh do tính chất công việc quản lý mà lý giải:

“Khi lên làm Ban giám hiệu số tiết dạy chỉ còn 2, 4 tiết/ tuần, giảm xuống từ 4 đến 9 lần so với chuẩn của giáo viên.

Rõ ràng, giảm tiết nhiều như vậy thì thời gian, vai trò quản lý là chính, còn thời gian, vai trò đứng lớp chỉ là phụ”(trích từ bài viết: “Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ") ..

Còn cho rằng: “Vai trò đứng lớp chỉ là phụ” thì chất lượng giảng dạy của Hiệu trưởng (phó hiệu trưởng) cũng đóng vai trò phụ hay sao?

Thiết nghĩ, Thanh tra giáo dục các cấp, trong kế hoạch thanh tra hành chánh các cơ sở trường học cần kiểm tra giáo án, sổ điểm và sổ dự giờ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, để biết trình độ và năng lực quản lý chuyên môn của họ.

Thứ tư, để người cán bộ quản lý trường học có đủ năng lực quản lý giáo viên và quản lý chuyên môn, tôi cho rằng:

Các trường Sư phạm cần tuyển đầu vào là những học sinh có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, để khi ra trường họ là những người thầy mẫu mực có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có trình độ chuyên môn vững vàng.


Qua một thời gian công tác trong ngành giáo dục, có thể họ sẽ là những ngưởi cán bộ quản lý trường học giỏi, họ sẽ thiết thực góp phần vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Ngành giáo dục sớm thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học qua thi tuyển như một số địa phương đang làm.

Có như thế, các cơ sở trường học mới có thể bớt đi những cán bộ quản lý trường học bất tài, tư lợi làm mất uy tín ngành giáo dục.

Tác giả bài viết: Trần Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP