Giáo dục

Hà Tĩnh tạm ngừng triển khai mô hình VNEN: Quyết định sáng suốt?

Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triệu tập cuộc họp đánh giá thực trạng triển khai mô hình trường học mới VNEN và đã đi đến kết luận tạm dừng triển khai mô hình trường học mới VNEN trên 100% các trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở địa bàn toàn tỉnh.

Sau khi xem xét cẩn trọng về kế hoạch triển khai đồng loạt mô hình trường học mới năm học 2016-2017 của Sở GD&ĐT Hà tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đi đến kết luận tạm dừng triển khai mô hình trường học mới VNEN trên 100% các trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở địa bàn toàn tỉnh.
VNEN2
Lớp học theo mô hình VNEN (ảnh: VNE)

Có thể nói, quyết định này của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được sự đồng thuận của rất nhiều giáo viên và phụ huynh trên địa bàn cả nước. Một giáo viên tiểu học tại Yên Bái chia sẻ: “Tỉnh Hà Tĩnh đã rất dũng cảm và sáng suốt khi đưa ra quyết định tạm dừng triển khai mô hình trường học mới VNEN. Hi vọng các tỉnh khác hãy học tập tấm gương của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Mình nhận thấy mô hình VNEN không hề phù hợp với thực tiễn giáo dục của Việt Nam. Bởi lẽ, với mô hình này nếu sĩ số một lớp chỉ khoảng 15 – 20 học sinh thì có thể triển khai. Tuy nhiên, phần lớn các trường hiện nay đều quá tải, có lớp sĩ số dao động từ 50 -60 học sinh mà triển khai mô hình này sẽ không có hiệu quả. Hơn thế, ở vùng miền núi, vùng sâu và vùng xa hầu như diện tích phòng học nhỏ không đáp ứng được yêu cầu với mô hình này.

Bên cạnh đó, chi phí in ấn sách vở theo mô hình mới cũng khá tốn kém. Điều quan trọng hơn cả là khi học thêm mô hình trường học mới tỷ lệ học sinh mắc các bệnh như cong vẹo cột sống, lác mắt là rất lớn.

Bởi lẽ, để học theo mô hình này, mỗi lớp phải kê bàn ghế thành 5-6 "mâm", mỗi "mâm" 6 người. Vì thế, khi thầy cô giảng hay trình bày lên bảng thì học sinh phải vặn người, liếc mắt về phía giáo viên để nghe và nhìn sau đó ghi lại vào trong vở trong khi ghế mà các em ngồi là ghế cứng chứ không phải ghế xoay. Nếu muốn thay đổi thì phải thay toàn bộ ghế mà các em đang sử dụng thành ghế xoay. Điều đó tốn không ít chi phí”.

Đồng quan điểm với UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ngừng triển khai mô hình VNEN trên địa bàn, một giáo viên trường Tiểu học Đông Tân (Thái Bình) cho hay: “Học theo chương trình VNEN nhiều khi giáo viên còn hoang mang không biết thế nào chứ nói gì đến việc truyền đạt lại cho học sinh. Hơn nữa, học theo mô hình theo “mâm” của VNEN khiến cho học sinh ngày càng trở nên thụ động hơn.

Chỉ một số học sinh xuất sắc mới có thể chiếm lĩnh được tri thức còn hầu hết các em chỉ ngồi “ngáp” và chờ kết quả. Có ai biết được để có những giờ dạy theo mô hình VNEN thành công khi có các lãnh đạo về dự thì trước đó thầy trò đã phải luyện tập từ trước, diễn không khác gì “diễn kịch".

Em gái mình cũng là giáo viên tiểu học vùng cao, lần nào gọi điện về nó cũng than thở: Trên bản Mông học sinh lớp 1 chưa qua mầm non còn chưa biết tiếng Kinh nên vừa dạy nói, vừa dạy chữ lại còn theo mô hình VNEN vất vả vô cùng”.

Chia sẻ với báo chí PGS.TS Văn Như Cương cũng đồng tình với quyết định tạm ngừng triển khai mô hình trường học mới tại Hà Tĩnh. PGS.TS Văn Như Cương cũng cho biết thêm: “Mô hình VNEN được áp dụng một cách quá máy móc nên không phù hợp với thực tiễn giáo dục của chúng ta. Đó là chưa kể đến nguồn gốc của VNEN là mô hình của Colombia từ những năm 1995 - 2000 – một mô hình xuất phát từ ghép lớp ở những nước khó khăn trong khi việc ghép lớp chúng ta đã làm từ lâu. Vậy thì lí do gì chúng ta lại phải làm lại nó? Đó là chưa kể đến muôn vàn hệ lụy đằng sau VNEN”.

Được biết, ngày 4/7/2016 UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang tạm dừng việc dạy học theo mô hình mới VNEN từ năm học 2016 – 2017 vì mặt bằng dân trí cản trở rất nhiều đến việc dạy học theo mô hình mới. Hơn thế, đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh không đồng đều, cơ sở vật chất cũng như tài liệu còn hạn chế nên tổ chức dạy học theo VNEN không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) là một Dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.

Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Colombia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học…

Theo mô hình này, học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

Tác giả bài viết: Hoàng Thanh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP