Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Những ngày qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ liên tục xuất hiện trên các kênh thông tin đại chúng để truyền thông điệp sẽ sửa đổi Thông tư 30 cho phù hợp và ban hành trước năm học mới.
Sự ráo riết thực hiện của vị Tư lệnh ngành đã được dư luận ủng hộ và chờ đợi một sự thay đổi để hạn chế những bất cập trong quá trình thực hiện công việc giảng dạy ở cấp Tiểu học.
Chúng ta đều biết, cấp Tiểu học là cấp học vô cùng quan trọng giúp các em dần định hình thói quen, ý thức học tập cho những cấp học cao hơn sau này.
Tạo một thói quen học tập tốt trong tâm thế chủ động, sống biết chia sẻ với mọi người và có thêm nhiều kĩ năng sống để phát triển bản thân, hòa nhập xã hội là điều chúng ta cần trang bị cho các em.
Khổ như giáo viên Tiểu học phải ghi nhận xét cho trò cuối năm học (Ảnh: tuoitre.vn).
Song, để giáo dục được những công dân tương lai tốt cho đất nước thì điều cốt lõi là phải có một đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, có tâm huyết với nghề và chấp nhận dấn thân dù khó khăn, gian khổ.
Để tạo được một đội ngũ giáo viên giỏi, có trách nhiệm thì điều quan trọng trong lần sửa đổi lần này là sự nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Bộ giáo dục mà đặc biệt là Vụ Tiểu học trước những bất cập mà dư luận đã “phản pháo” trong thời gian qua.
Việc thứ nhất mà Bộ cần điều chỉnh là giảm hẳn hồ sơ sổ sách cho giáo viên.
Thời đại công nghệ thông tin rồi mà cứ bắt giáo viên chuyên ngồi viết “lý lịch” học sinh một cách chi tiết là điều phản khoa học và không cần thiết.
Những giáo viên như Mĩ thuật, Âm nhạc dạy cả gần 1000 học trò thì việc ngồi viết lý lịch là một chuyện khổ ải đến vô cùng.
Chuyện thông tin của học sinh chỉ cần giáo viên chủ nhiệm cập nhật một lần vào sổ điện tử sau đó in ấn, phô tô cho tất cả giáo viên chuyên thì chắc chắn rằng giáo viên sẽ nhẹ được hơn một nửa công việc đã làm trong thời gian qua.
Ngoài chuyện bất cập trong việc ghi lý lịch học trò thì một số sổ sách không cần thiết nên giảm cho giáo viên bởi hiện nay có rất nhiều loại sổ ghi chép chỉ nhằm mục đích là để đối phó với thanh tra.
Những lời phê của giáo viên không nhất thiết phải ghi chép thường xuyên vào mấy quyển sổ… để lưu mà tập trung vào lời nhận xét vở học trò để từ đó nhà trường kết hợp với phụ huynh cùng kèm cặp các em tiến bộ.
Thứ hai là phải tuyên truyền, bồi dưỡng cho đội ngũ Ban giám hiệu nhà trường thấu đáo về chủ trương của Bộ, bởi nhiều năm nay việc thanh tra giáo dục đã chuyển từ thanh tra giáo viên sang thanh tra người đứng đầu.
Bởi thế nhiều Ban giám hiệu chỉ lo mức độ an toàn cho mình, cái gì cũng chỉ đạo giáo viên một cách máy móc theo lệnh từ trên xuống.
Những Ban giám hiệu như vậy chỉ mới là người đóng tròn vai chứ chưa có sự linh động, sáng tạo.
Việc cốt lõi nhất là hiệu quả giảng dạy của thầy và trò chứ không phải những quyển sổ vô hồn để đối phó với cấp trên trong mỗi lần thanh kiểm tra.
Thứ ba là đối với học sinh lớp một thì việc cần thiết là dạy cho các em đọc thông, viết thạo và làm được các phép tính đơn giản, chưa nhất thiết phải thảo luận nhóm từ đó dần hình thành cho các em kĩ năng học bài.
Và, đối với khối một thì Ban giám hiệu nhà trường cũng nên hạn chế tổ chức thao giảng, dạy chuyên đề bởi những tiết học này phần lớn là giáo viên phải “nhờ cậy” mấy em học khá giỏi để lấy lòng Ban giám hiệu trong tiết dạy.
Thứ tư là trong công tác lãnh đạo, quản lí nhà trường thì Ban giám hiệu cần phải biết “truyền lửa” cho giáo viên của mình.
Ban giám hiệu cần động viên, chia sẻ những khó khăn chứ đừng nên áp đặt, hoạnh họe gây ức chế cho giáo viên, điều đó chỉ khiến mất đi mối quan hệ với cấp dưới vừa khiến giáo viên đứng lớp luôn cảm thấy cô độc trong quá trình giảng dạy, công tác.
Thứ năm là trong công tác khen thưởng cho học trò, lời phê trong học bạ và sổ liên lạc cũng cần được chú trọng.
Chú ý đến những lời khen ghi trong giấy khen sao cho phù hợp, tránh tình trạng như dư luận đã phản ánh trong năm học vừa qua và gây nhiều sự hiểu lầm cho phụ huynh.
Trong các sổ liên lạc và học bạ giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng một hệ thống lời phê phù hợp với năng lực, phẩm chất và kĩ năng của học trò, tránh tình trạng những lời phê na ná, chung chung như nhau.
Em nào cũng “ngoan hiền”, “học tốt” thì sẽ đánh đồng tất cả học trò.
Để Thông tư 30 không còn là nỗi “ám ảnh” của giáo viên Tiểu học chắc chắn ngành giáo dục còn phải nhiều lần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Những gì không cần thiết, hình thức thì bỏ hẳn cho giáo viên để họ tập trung vào công việc giảng dạy hàng ngày.
Sự thay đổi nào cũng hướng tới hiệu quả công việc, mà hiệu quả công việc trong giáo dục là chất lượng tiếp cận của học trò qua các đơn vị kiến thức và lĩnh hội được các giá trị sống xung quanh mình.
Hy vọng, sự thay đổi lần này của Bộ sẽ nhận được sự đồng thuận của dư luận mà đặc biệt là sự đồng thuận của giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Tác giả bài viết: Nguyễn Cao