Năm 2017, doanh số thị trường ôtô Việt giảm mạnh do tâm lý người tiêu dùng chờ đợi xe giá rẻ từ ASEAN. Sang 2018, các hãng chờ đợi cú hích từ xe nhập khẩu. Tuy nhiên, những thay đổi về chính sách đã tác động lớn đến thị trường.
Xe nhập khẩu khan hiếm hàng tại Việt Nam đẩy nhu cầu mua xe sang các nhà lắp ráp. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong quý một khiến các hãng có động thái tăng giá bán hoặc không giảm so với năm 2017.
Khách hàng tiếp tục chờ đáp án cho câu hỏi "bao giờ giá xe rẻ". Năm 2018 đã hết một phần tư, và xe thì vẫn chưa rẻ.
Xe nhập khẩu tắc đường về
Tháng 10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116 về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô, hiệu lực từ tháng 1/2018. Điểm vướng nhất trong Nghị định là Giấy chứng nhận kiểu loại phương tiện (VTA). Đây là trở ngại được nhiều doanh nghiệp viện dẫn về việc không thể nhập khẩu xe từ nước ngoài. Bởi theo họ, VTA chỉ cấp cho xe nội địa.
Các doanh nghiệp có thể nhập khẩu dự trữ xe từ cuối năm 2017 để bán cho 2018, nhưng không ai muốn làm vậy vì phải chịu 30% thuế nhập khẩu. “Chúng tôi không cớ gì đi nhập khẩu một xe phải đóng thuế 30%, rồi đến 2018 phải bán cạnh tranh với xe thuế bằng 0%. Đấy là điều tất yếu”, chủ tịch một hãng xe chia sẻ.
Lượng ôtô nhập khẩu giảm mạnh trong quý I/2018. Nguồn: Tổng cục Hải quan. |
2 tháng đầu năm 2018, các hãng kinh doanh xe nhập khẩu quay cuồng vì xe nhập khẩu từ nhiều nước không có đường về Việt Nam, đặc biệt những nước trong khu vực ASEAN, thuộc diện hưởng thuế nhập khẩu 0%. Nhân viên kinh doanh của nhiều đại lý ôtô trong nước chỉ biết trông cậy vào những mẫu xe lắp ráp.
Tháng 3, một số xe nhập khẩu bắt đầu quay trở lại nhưng "không thấm vào đâu" so với lượng trước đây. Những dòng xe có doanh số cao như Toyota Fortuner hay Ford Ranger chưa thấy bóng dáng.
Thống kê của Tổng cục Hải Quan cho thấy ôtô nhập khẩu vào Việt Nam quý I tụt giảm rất mạnh, trong khi trên lý thuyết con số này sẽ tăng với bối cảnh nhiều dòng xe chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu và chính sách thuế có lợi hơn trước.
Xe nhập khẩu không thể về nước khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Chính phủ Indonesia cử phái đoàn sang Việt Nam để đàm phán về chính sách này, với lo ngại thâm hụt ngân sách nhiều triệu USD do không xuất được xe. Indonesia là nơi cung cấp dòng xe Toyota Fortuner và một số mẫu khác cho thị trường Việt.
Xe nhập không có để bán, kéo theo nhu cầu dịch chuyển phần nào sang xe lắp ráp trong nước, khiến lượng cầu vượt cung. Nhiều hãng xe không kịp sản xuất để bàn giao cho khách, giá một số dòng xe lắp ráp trong nước còn tăng nhẹ so với 2017 như CX-5.
Giá xe chưa có dấu hiệu rẻ hơn
Xe nhập khẩu không về nước kịp trong quý đầu năm 2018 khiến lượng cầu khan hiếm, xe không thể giảm giá. Một số đại lý "om hàng" còn bán với giá cao. Hệ lụy còn lan sang cả thị trường xe cũ, khi xe qua sử dụng bán với giá đắt hơn xe mới. Một chiếc Fortuner đời 2017 máy dầu chạy 4.000 km bán 1,2 tỷ, trong khi xe mới là 981 triệu.
Đầu tháng 3/2018, Honda là doanh nghiệp đầu tiên đưa lô xe nhập khẩu hưởng thuế 0% về thị trường, kèm theo mức giá công bố giảm đáng kể đối với dòng xe CR-V 7 chỗ. Tuy nhiên, hết tháng 3, khách đặt mua vẫn chưa nhận được xe do còn chờ các bước thử nghiệm theo quy định.
Đầu tháng 3, Honda Việt Nam mới đưa về những xe nhập khẩu đầu tiên hưởng ưu đãi thuế. |
Khi ra mắt, CR-V định giá bản cao nhất gần 1,1 tỷ, sau đó lô đầu tiên thông quan trong 2017 giá thực tế là 1,256 tỷ. Đến lô đầu tiên về vào 2018, xe giảm xuống chỉ còn 1,068 tỷ. Đầu tháng 4, sau khi cân đối chi phí thực tế theo Nghị định 116, giá xe tăng 5 triệu thành 1,073 tỷ. Đại diện Honda cho biết, hãng không có cách nào khác phải tăng giá thêm 5 triệu, dù có thể gây phản ứng ngược trong khách hàng.
Ngoài Honda, nhiều hãng khác hiện chưa có xe nhập về. Toyota mới bắt đầu đặt hàng sản xuất xe từ Indonesia hôm 22/3, khi nhận được phê duyệt về giấy VTA từ Bộ GTVT, thời gian xe về đến Việt Nam ít nhất phải 3 tháng.
Xe giá rẻ từ nước ngoài chưa thấy, trong khi xe trong nước rục rịch tăng giá bán. Tháng 2, Trường Hải công bố giá bán mới cho các dòng xe Mazda, hầu hết tăng giá, chỉ một số sản phẩm giảm nhẹ hoặc giữ nguyên. Có những dòng xe của doanh nghiệp này tăng giá đến 40-50 triệu.
Xe từ các nước ASEAN dù hưởng thuế nhập khẩu 0% cũng chưa cho thấy lợi thế so với xe lắp ráp trong nước ở thời điểm này. |
Một số doanh nghiệp đã áp dụng mức giá của năm 2018 từ cuối năm 2017, nên không có điều chỉnh gì thêm như Toyota, Ford hoặc công bố giá bán mới, giảm không đáng kể. Ông Trần Bá Dương, chủ tịch Trường Hải còn khẳng định giá ôtô năm 2018 sẽ là giá cuối cùng và sẽ đi lên chứ không thể giảm hơn nữa.
Mới đây, Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, GTVT tiếp tục ra soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam với xe nhập khẩu để tăng cường quản lý mặt hàng này, đồng thời phù hợp với cam kết quốc tế. Xe nhập khẩu đứng trước thách thức mới, không loại trừ khả năng những "chướng ngại vật" này tiếp tục làm tăng giá.
Trong khi đó, xe lắp ráp trong nước đứng trước cơ hội có giá bán tốt hơn nếu đề xuất miễn Thuế Tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo ra trong nước được thông qua. Nhưng các chuyên gia cũng không thấy viễn cảnh này quá rõ ràng, bởi lẽ nếu có thể áp đặt cuộc chơi, các hãng lắp ráp cũng có thể áp đặt giá để tối ưu hóa lợi nhuận.
Tác giả: Ngọc Tuấn
Nguồn tin: Báo VnExpress