Kinh tế

Giá hàng Tết từ chuyện quả trứng chịu 14 loại phí, quả chanh “đội giá” 100 lần

“Điều quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ phải nhận thức được là hiện nay họ đã hưởng lợi nhuận kinh doanh quá mức mà họ được hưởng”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận và cho rằng, chi phối thị trường Tết vẫn là tiểu thương, chứ khó trông chờ vào hàng bình ổn giá.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội (Ảnh: PLO)


Vẫn chuyện 1 quả trứng chịu 14 loại phí

Góp phần tham luận tại Hội thảo diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo 2017 diễn ra sáng nay (29/12), ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, cần đánh giá thêm những yếu tố tác động đến CPI, “chắc chắn đó là những vấn đề về nguồn cung và hệ thống phân phối quốc gia”.

Ông Phú nhận xét, hàng hóa trên thị trường bán lẻ do tác động của chi phí sản xuất và chi phí trung gian vô lý chưa được khắc phục một cách bài bản nên vẫn đang đứng ở một mức giá cần phải có những điều chỉnh xuống cho phù hợp.

“Câu chuyện 1 quả trứng gà ở Vĩnh Phúc chỉ 20.000 đồng/chục, sau khi đi một đoạn đường 65km thì giá bán lẻ tại các siêu thị Hà Nội khoảng 43.000 -47.000 đồng/chục. Điều vô lý này vẫn tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết, bởi một quả trứng chịu 14 loại phí và một quả trứng đã qua 2-3 tay nhà buôn”, ông Phú dẫn chứng. Vị chuyên gia nói thêm rằng, trên thị trường, các hàng hóa khác cũng bị tình trạng tương tự.

Ngoài ra, theo phản ánh của Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, tình trạng hàng hóa bị ép giá, ép cấp vẫn lại xảy ra với nhiều mặt hàng trong năm qua. Tại Đồng Tháp, 1 kg chanh quả bán tại gốc được có 200-300 đồng/kg, nhưng khi đó, bán ở Hà Nội và một số tỉnh khác là 20.000 -30.000 đồng/kg, gấp khoảng 100 lần so với giá gốc.

Dừa Bến Tre bị ép giá để đến khi bán lẻ tăng đến 2-4 lần giá thương lái mua của bà con tại vườn. Rồi câu chuyện củ đậu đổ đi cho bò ăn ở một số tỉnh thành như Bình Phước chắc chắn vẫn còn tiếp diễn nếu không có những giải pháp hiệu quả.

Theo vị chuyên gia, nếu giảm bớt được các chi phí kinh doanh, giảm bớt một vài khâu trung gian vô lý thì giá cả những mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ giảm được 5-10%.

“Điều quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ phải nhận thức được là hiện nay họ đã hưởng lợi nhuận kinh doanh quá mức mà họ được hưởng. Cần đảm bảo lợi nhuận hợp lý trước hết cho khâu sản xuất, đó là cái gốc phát triển bền vững của xã hội”, ông Phú góp ý.

Tiến tới từng bước, Quốc hội phải luật hóa việc phân phối lợi nhuận giữa các khâu của quá trình sản xuất và phân phối tiêu dùng ở Việt Nam cũng như cách mà Thái Lan đã áp dụng.

Điệp khúc tăng giá thường xuyên lặp lại vào mỗi dịp Tết (ảnh: Bloomberg)


Giá tăng phi mã trong dịp Tết, ai chịu trách nhiệm?

Theo ông Vũ Vinh Phú, nói đến giá cả cuối năm 2016 không thể không nói đến việc chuẩn bị Tết Đinh Dậu của hệ thống sản xuất phân phối cả nước. Nhiều địa phương đã công bố chuẩn bị sẵn sàng hàng chục nghìn tỷ đồng hàng hóa rất hùng hậu như Hà Nội 23.500 tỷ đồng, TPHCM 17.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông, cần lưu ý rằng, việc cam kết không tăng giá và đảm bảo chất lượng hàng hóa kinh doanh trên thị trường, đó là hai điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất.

“Bài học phục vụ Tết Bính Thân 2016 vẫn còn đó khi Hà Nội công bố có 32.000 tấn rau tham gia thị trường nhưng đến Tết thì rau, cà chua tăng 3-4 lần nhưng chưa thấy ai chịu trách nhiệm. Có lực lượng hàng hóa lớn nhưng điều quan trọng là hàng hóa đó là của ai? Ai quyết định giá bán quỹ hàng hóa đó trên thị trường?”, ông Phú băn khoăn.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho hay, thực chất ngành công thương một số tỉnh, thành phố chỉ nắm được quỹ hàng hóa bình ổn khoảng 30% lực lượng, còn lại 70% là lực lượng tiểu thương chưa được tổ chức chặt chẽ, lại là đối tượng nắm quỹ hàng hóa lớn nhất để phục vụ thị trường.

Cho nên, từ Ông Công Ông Táo 23 Tết đến 29 Tết, năm nào cũng vậy, một số mặt hàng đầu vị như gà ta, giò không lạnh, thủy hải sản cao cấp, rau quả cao cấp – những mặt hàng đó do các siêu thị và các công ty nhà nước có số lượng ít hoặc không có, lúc đó tiểu thương sẽ quyết định giá bán trên thị trường chung, mức tăng giá thường từ 20-30% so với trước Ông Công Ông Táo.

“Bài học về điều hành giá cả thị trường Tết luôn mang tính thời sự ở các thời điểm phục vụ nhạy cảm”, vị chuyên gia đúc rút.

Theo nhận định của ông Phú, cần tránh điều hành giá một cách méo mó, phi thị trường như việc cấp quỹ bình ổn giá cho một số đơn vị bán lẻ, vừa không hiệu quả, vừa dễ bị lợi dụng. Bản thân Hà Nội đã phải bỏ chế độ cấp phát hàng trăm tỷ quỹ bình ổn giá để dự trữ cho các đơn vị. Địa phương phải trở lại điều hành bằng bài toán liên kết giữa các địa phương, giải quyết quan hệ cung cầu để bình ổn giá trong dịp Tết Đinh Dậu sắp tới và cả năm 2017.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP