Theo cáo trạng, Công ty TNHH P&R Long Quân (sau đây viết tắt là Công ty Long Quân) được thành lập vào cuối tháng 9/2004 với ngành nghề kinh doanh là đại lý dịch vụ viễn thông, mua bán điện thoại và linh kiện điện tử, do Ngô Thanh Long là Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật.
Ngoài Công ty Long Quân, Long còn đứng ra thành lập Công ty Mê Kông và Công ty Mê Kông 79, hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay các ngân hàng thương mại và vốn vay cá nhân.
Năm 2007, do quá trình kinh doanh thua lỗ, các công ty của Long mất khả năng thanh toán nợ ngân hàng. Để có tiền, Long đã chỉ đạo kế toán trưởng của Công ty Long Quân chỉnh sửa sổ sách và số liệu báo cáo tài chính để “hô biến” kết quả kinh doanh của công ty từ lỗ hơn 18 tỉ sang thành lãi hơn 2 tỉ đồng.
Sau đó, Long lập hồ sơ vay vốn Vietcombank - Chi nhánh Cần Thơ 120 tỉ đồng, vay BIDV - Chi nhánh Cần Thơ 80 tỉ đồng. Sau này, Long mất khả năng chi trả dẫn đến chiếm đoạt của Vietcombank hơn 72 tỉ đồng và BIDV hơn 39 tỉ đồng.
Ngoài hai ngân hàng trên, để có tài sản thế chấp vay tiền các ngân hàng khác, Long đã thông đồng với Nguyễn Hải An (chủ dự án đầu tư xây dựng chung cư cao cấp River Garden, đã bỏ trốn) lập các hồ sơ mua bán khống các căn hộ. Các hợp đồng này sau đó được Long đem thế chấp vay tiền ngân hàng. Với thủ đoạn trên, Long vay 60 tỉ đồng tại MSB Sài Gòn, hiện còn chiếm đoạt gần 44 tỉ đồng.
Tương tự, tại Techcombank HCM, Long đã dùng pháp nhân 3 công ty của mình để vay tổng số tiền 240 tỉ đồng, tài sản thế chấp là hợp đồng mua bán giả tạo 25 căn nhà River Garden. Cho đến nay, Long còn chiếm đoạt của Techcombank HCM gần 117 tỉ đồng.
Không chỉ “hô biến” báo cáo tài chính, tạo ra các hợp đồng mua bán nhà giả tạo, Long còn “rút ruột”các ngân hàng bằng hình thức cam kết cầm cố các lô thẻ cào để Techcombank HCM cấp chứng thư bảo lãnh đối ứng giá trị 20 tỉ đồng cho công ty Mê Kông 79. Sau khi có chứng thư, “siêu lừa” không thực hiện việc cầm cố tài sản và chiếm đoạt 20 tỉ đồng…
Theo cơ quan công tố, tổng số tiền Long chiếm đoạt của 4 ngân hàng là 422 tỉ đồng. Sở dĩ, Long thực hiện trót lọt các phi vụ vay tiền trên là do sự thiếu kiểm tra và thực hiện các thủ tục về tài sản đảm bảo cho các khoản vay theo quy định của cán bộ, nhân viên các ngân hàng.
Trong vụ án, ba bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng gồm Lê Duy Khương (SN 1980, Vĩnh Long), Mã Quốc Phát (SN 1987, TP.HCM) và Nguyễn Nam Huân (SN 1985, Nam Định) cùng hầu tòa về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Liên quan đến vụ án, về trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Hà - nguyên Phó giám đốc Techcombank HCM, cáo trạng cho rằng bà Hà đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc cho Ngô Thanh Long vay trái phép tại ngân hàng, có dấu hiệu của tội “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, hiện bà Hà đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã, tạm đình chỉ điều tra, khi bắt được sẽ xử lý sau.
Trước đó, hồi tháng 2/2016, phiên tòa sơ thẩm từng được mở nhưng sau đó phải hoãn lại, tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vì bị cáo Long bất ngờ khai đã đưa hơn 70.000 USD cho một điều tra viên để “chạy án”. Tuy nhiên, kết quả điều tra lại cho thấy lời khai này không có căn cứ.
Bị cáo buộc chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng, khi xuất hiện tại tòa hôm nay, ông Long được cảnh sát dẫn giải dìu đi nhưng vẫn khó nhọc lê từng bước. Suốt phiên xử, bị cáo được HĐXX cho phép ngồi để trả lời thẩm vấn.
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 23-25/11.
Tác giả bài viết: M.Phượng
Nguồn tin: