Cuộc sống

"Em đã từng uống cà phê không đường chưa?"

Chị lấy chồng ở tuổi hai mươi ba - độ tuổi được coi là thời kì đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Chị đẹp, chị thông minh, và người ta nghĩ chị lấy anh thực sự là một thiệt thòi.

Chồng chị là giáo viên môn Toán. Anh say mê với những con số, mọi sự vật, hiện tượng qua con mắt nhìn của anh lúc nào cũng rành mạch, rõ ràng, dễ hiểu. Chị vốn lãng mạn vậy mà khi gặp anh như thể bị một cực trái dấu hút vào. Chị thích sự rõ ràng có phần khô khan của anh. Chị thích sự quyết liệt và thẳng thắn của một người không quen vòng vo rườm rà.

Anh mang vẻ đẹp của một người đàn ông trí thức. Anh thoải mái và cũng rất chu đáo với gia đình. Thói quen của anh là uống cà phê vào mỗi tối. Làm vợ anh, chị bắt đầu tập uống cà phê. Và rồi thứ thức uống đó trở thành thứ yêu thích của hai người. Bất cứ đi đâu, làm gì hai người đều tranh thủ thời gian ghé vào một quán cà phê. Chị thích nhất những ngày cuối tuần, hai vợ chồng chị có thể ngồi cả buổi sáng ở quán cà phê chỉ để nói những chuyện chẳng đâu và đâu cả.

Những khi ấy chủ yếu là chị nói. Chị là người tình cảm, chị thích quan sát và đem mọi thứ mình thấy mình nghĩ kể cho anh nghe. Anh không chỉ là chồng, mà nhiều khi còn như một cái thùng đựng đầy những câu chuyện của chị. Anh không nói nhiều nhưng biết cách lắng nghe, và khi cần có thể cho chị một vài lời khuyên nếu chị muốn.

Anh chị có con, đó là niềm vui của hầu hết những cặp vợ chồng. Thế nhưng vào thời điểm sau sinh, khi chị cần anh nhất thì anh lại thường xuyên vắng nhà. Những cuộc hội thảo chuyên ngành, những kì thi, những đợt bồi dưỡng cho học sinh giỏi…Và chị nhận ra, khi mình có một đứa con, nó không giống như cảnh chị thấy trên phim. Không phải là lúc vợ đau đớn trên bàn đẻ có bàn tay chồng nắm chặt, không có cảnh vợ bế con, chồng vụng về pha sữa, cũng không có cảnh ông chồng nào ngồi lặng lẽ ngắm nhìn vợ con mình ngủ trong niềm hạnh phúc dâng trào.

Chị chưa quen với những đêm mất ngủ, những tiếng khóc gào của con thơ. Chị chưa thể thích nghi với những bận rộn. Thường thường, vào những lúc buồn và mệt mỏi chị hay pha cho mình một ly cà phê. Khi nuôi con nhỏ, vì con, sở thích đơn giản đó chị cũng phải từ bỏ. Chị thấy mình quay cuồng, áp lực nhưng không được sẻ chia. Chị bắt đầu thấy chồng mình là người đàn ông hững hờ, vô tâm, xấu xí.

Thực ra thì ngoài những thời điểm bận rộn, anh vẫn chia sẻ với chị. Nhưng đó là khi chị đã quen rồi, cảm thấy anh làm cũng được, không làm chị cũng làm được hết. Chồng chị vốn không hay để ý đến những tiểu tiết. Anh là người rõ ràng, không thích thì nói không thích, muốn gì thì tỏ bày, anh không biết vợ mình đã giấu trong lòng rất nhiều suy nghĩ.

Khi chị đi làm trở lại, thoát khỏi cảnh suốt ngày quanh quẩn từ phòng ngủ xuống bếp, chị như con chim sổ lồng. Người phụ nữ một con trở nên mặn mà đằm thắm hơn rất nhiều. Chị vốn đã đẹp nay lại càng thêm đẹp. Con tim chị cũng bắt đầu đổi khác.

Buổi gặp gỡ khách hàng hôm đó, sau gần một tiếng chờ đợi, chị đã định ra về thì người đàn ông đó đến. Trên tóc anh còn vương những hạt mưa. Anh xin lỗi vì đến muộn, bởi anh phải ghé vào viện thăm cô con gái nhỏ. Con gái anh phải có anh bên cạnh nó mới chịu để cho bác sĩ tiêm. Lúc đó chị nghĩ người đàn ông này chỉ vì để con gái mình yên tâm cho bác sĩ tiêm đã không hề màng đến việc có thể mất một hợp đồng béo bở hay sao? Chị ngồi xuống, nở một nụ cười, như thể không hề khó chịu vì một giờ đồng hồ ngồi chờ đợi.

Chị đã phải lòng anh ta từ buổi gặp ấy. Khi công việc kết thúc anh thật lòng kể cho chị nghe gia cảnh của mình. Người đàn ông sống cảnh gà trống nuôi con vì vợ nhẫn tâm chạy theo người đàn ông khác. Một người bố chăm sóc một cô con gái nhỏ thật chẳng dễ dàng. Từ khi một mình nuôi con, ngoài con gái ra, với anh chẳng có gì là quá quan trọng.

Lúc đó chị nghĩ về chồng mình, nghĩ về những ngày chị một mình loay hoay đến mức muốn trầm cảm. Nghĩ đến những buổi sáng cuối tuần chồng chị thảnh thơi ngồi quán cà phê tới tận trưa trong khi chị đầu bù tóc rối. Thói quen đó đáng lẽ anh nên thay đổi khi đã có con, chị nghĩ vậy.

Chị phải lòng người đàn ông đó, chị hờ hững với chồng. Những chuyện tủn mủn xưa chị hay kể chồng nghe, nay đem nó trải lòng với một người đàn ông khác.

Chị không hề hay biết, mỗi tin nhắn giấu giếm, mỗi nụ cười mủm mỉm của chị đều lọt vào mắt chồng. Anh là một giáo viên môn Toán, anh rất giỏi phân tích để tìm ra đáp số cho một ẩn số. Anh cũng rất thông minh chứ không phải khù khờ, nhất là gần đây chuyện gối chăn với anh chị cũng trở nên không mặn mà như xưa nữa.

Con trai chị ngày một lớn dần, nhưng cuộc hôn nhân của chị thì ngày càng tẻ ngắt. Một sáng cuối tuần, nhân bà nội ghé chơi, chồng chị rủ chị đi cà phê. Chị ngần ngừ, lâu lắm rồi chị không cùng anh cà phê như thế nữa. Anh hỏi chị “Em đã từng uống cà phê không đường chưa?”. Chị lắc đầu. “Vậy thử một lần đi!”.

Chị nhấp một ngụm, cảm giác vị đắng không hề dễ chịu ở đầu lưỡi, rồi tuột qua cổ họng như vừa uống một viên thuốc đắng. Thật không ngờ thứ thức uống chị si mê nếu không được khuấy thêm đường lại đắng đót khó trôi như vậy. Anh nhìn chị nhăn mặt liền khẽ mỉm cười: “Nó giống như tình cảm vậy, trao đúng người, đúng lúc, đúng thời điểm thì như cà phê có đường, dẫu có đắng cũng lẫn vị ngọt ngào, còn nếu không thì chỉ toàn là vị đắng. Thực ra nếu em không thể uống đắng, em có thể cho đường hoặc sữa, đó là quyền lựa chọn của em, không ai ép em cả”.

Chị thấy chồng mình rất lạ. Anh vốn là người thẳng thắn, rõ ràng, sao hôm nay lại dùng những từ ngữ văn chương ẩn ý để nói chuyện với chị như vậy? Một lúc sau, điện thoại chị đổ chuông. Tin nhắn của người đàn ông lâu nay chị nhớ nhung xao xuyến: “Anh xin lỗi, anh đã nghĩ rất nhiều, có lẽ mình không nên gặp nhau nữa. Em dù sao vẫn là người phụ nữ đang có gia đình. Đừng giống như vợ anh. Đừng trở thành người phụ nữ như vợ anh. Anh chỉ có thể yêu em bằng cách giúp em dừng lại”.

Chị nhìn tôi, mỉm cười chua chát: Đầu năm đã nói chuyện không vui rồi. Cô đã từng uống cà phê không đường không sữa chưa? Nếu chưa thì thử một lần đi.

Tác giả: Lê Giang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP