Người cha nguy kịch vì bỏng điện
Nhiều ngày qua, mọi người ở khu nhà nghỉ dành cho thân nhân người bệnh và khoa Bỏng bệnh viện Chợ Rẫy dần quen với hình ảnh bé trai Nguyễn Văn Dư (4 tuổi) dáng người mảnh khảnh nhưng có đôi mắt đen láy, nói chuyện như “ông cụ non”. “Mấy ngày đầu khi bị mẹ nó “bỏ lại” để lên khoa bệnh, nó gào khóc vì sợ bị bắt cóc.
Nhưng giờ thì câu ta dạn lắm rồi, bé xíu mà khoe ở nhà đã làm được đủ thứ việc nào là quét nhà, rửa chén, tự giặt đồ của mình sau khi đi học về... Nhìn cách thằng bé cầm đũa gắp đồ ăn là đủ biết nó nói thật, bởi bằng tuổi này nhiều đứa trẻ đến cầm muống xúc ăn còn chưa làm được” - chị Thanh Nga, người ở cùng khu nhà nghỉ thân nhân chia sẻ.
Bé Dư tự cầm đũa ăn ngon lành phần bún chay mẹ vừa xin được |
Nhưng môi trường nhà thương với nhiều loại bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm khiến các bác sĩ lo ngại cho sức khỏe của cháu bé: “Cơ thể của trẻ rất dễ bị vi rút gây bệnh, vi khuẩn kháng thuốc tấn công, đây sẽ là mối nguy rất lớn nếu chẳng may cháu nhiễm bệnh”.
Biết rằng đang đưa con vào chốn nguy hiểm, nhưng mẹ của cháu là chị Nguyễn Thị Mén (40 tuổi) không thể làm khác được. Gạt nước mắt, chị nghẹn ngào: “Thường ngày, anh em thằng bé cũng đã thiếu ăn, thiếu mặc, nay cha chúng gặp nạn, mình tôi không thể nào lo nổi từ viện phí cho chồng đến các khoản tiền học, tiền ăn cho các con.
Không còn tiền gửi con đi nhà trẻ và cũng chẳng ai nhận giữ cả ngày lẫn đêm nên tôi đành phải ôm thằng bé vào bệnh viện. Ở đây, mẹ con còn xin được cơm từ thiện sống qua ngày”.
BS Khoa e ngại nguy cơ nhiễm trùng sẽ đe dọa sinh mạng nếu người bệnh không đủ điều kiện chữa trị |
Cha của cậu bé là anh Nguyễn Văn Khiêm (41 tuổi) hiện đang điều trị tại khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy. Trao đổi với phóng viên, BS Trần Văn Khoa cho hay: “Ngày 18/6/2017 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng điện nặng (độ II; III) diện tích 49% toàn thân nhưng tập trung chủ yếu ở vùng lưng bụng và chân tay.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân làm nghề thợ hồ, trước khi vào viện anh làm việc trên công trình xây dựng gần đường điện trung thế khi kéo cây sắt thì bị điện phóng”.
Sau nửa tháng được bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực, anh Khiêm đã tạm qua được cơn nguy kịch. Tuy nhiên, gia cảnh quá khốn khó khiến anh có nguy cơ phải kết thúc việc điều trị. “Nợ bệnh viện đã lên tới gần 50 triệu đồng, tôi chạy khắp nơi nhưng không ai cho mượn cả.
Anh em hai bên gia đình đều nghèo, chẳng ai giúp được gì, tôi tính sẽ đưa chồng về nhưng bác sĩ giữ lại. Họ nói, nếu rời khỏi bệnh viện lúc này chồng tôi sẽ chết vì nhiễm trùng hoại tử” – chị Mén gạt nước mắt.
“Sao lâu quá cha chưa mua sữa cho con”
Sau khi lập gia đình, có đứa con đầu lòng là Nguyễn Hoàng Phúc (13 tuổi) do cuộc sông ở quê quá khó khăn nên vợ chồng anh Khiêm đã rời Kiên Giang đến Bà Rịa – Vũng Tàu kiếm kế sinh nhai. Chồng đi biển, vợ làm cá thuê ở chợ, nhưng nhiều năm trôi qua, cuộc sống vẫn lận đận, thu nhập của cả hai chỉ đủ “giật gấu vá vai” sống qua ngày. Rồi đứa con thứ 2 chào đời, nghề biển ngày càng “bạc” cá ít, chi phí cao, các chuyến tàu vươn khơi thưa dần.
Chồng gặp nạn, chị Mén cùng 2 con thơ cũng rơi vào cảnh khốn cùng |
Giã từ nghề cũ, vợ chồng anh Khiêm tìm đến các công trình xây dựng xin làm phụ hồ. Hơn 3 năm qua, chân tay quen dần công việc, thu nhập cũng đủ đắp đổi trả tiền phòng trọ và lo cho hai đứa con ăn học. Khi đang dần “bén duyên” với nghề mới thì tai họa bất ngờ ập đến đẩy gia đình nhỏ vào cảnh khốn cùng.
Chưa hết bàng hoàng chị Mén nhớ lại: “hôm đó là ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng tôi tranh thủ đi làm kiếm thêm thu nhập.
Buổi sáng, khi mới bắt đầu công việc đan dầm trên lầu 3, khi chồng tôi đang kéo cây thép gần đường điện chạy trước nhà thì bất ngờ một tiếng roẹt vang lên kèm theo tia lửa điện sáng xanh. Quần áo toàn thân bốc cháy, anh đứng như người bị chôn chân. Đúng lúc đó, trạm biến áp phát nổ, cắt điện, anh ngã ngửa ra phía sau nên mới may mắn không bị rơi xuống đất”.
Bé Dư quay quắt nỗi mong chờ cha sớm bình phục để có sữa uống |
Hơn nửa tháng nằm viện điều trị, anh Khiêm đã vượt qua được giai đoạn sốc bỏng. Tuy nhiên, theo BS Khoa, do diện tích bỏng rộng nên bệnh nhân đang đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng hoại tử.
Hiện người bệnh đang phải sử dụng kháng sinh mạnh, kết hợp chăm sóc chuyên môn, hỗ trợ dinh dưỡng tích cực trước khi tính đến phương án cắt lọc hoại tử, ghép da. Do người bệnh không có bảo hiểm y tế nên chi phí mỗi ngày ước tính tốn khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình quá khó khăn không lo nổi viện phí.
Để lại đứa con lớn ở nhà trọ nương nhờ lối xóm, chị Mén ôm đứa con nhỏ vào bệnh viện chăm chồng. Giữa cảnh thiếu thốn đủ bề, người mẹ không có nổi vài nghìn đồng để mua hôp sữa cho đứa con thơ. Chị chỉ biết an ủi “con ngoan, chờ cha hết bệnh sẽ đi làm kiếm tiền mua sữa cho con”. Nhưng khi đói bụng lên cơn thèm, câu hỏi ngây thơ của con trẻ “sao cha chưa khỏe lại để mua sữa cho con vậy mẹ?” lại như mũi kim chích vào vết thương lòng đang rỉ máu của chị.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2600: Chị Nguyễn Thị Mén, khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM Điện thoại: 01683166141 |
Tác giả: Vân Sơn
Nguồn tin: Báo Dân trí