Du lịch

Du lịch lạ và 'độc'

Du lịch thế giới có những điểm tham quan, những giá trị văn hóa rất lạ và độc đáo, du khách không nên bỏ qua khi đã đặt chân đến.

1. Chẳng có quốc gia nào lại có một biểu tượng nhỏ bé và… tế nhị như Bỉ - Chú bé tè (Manneken Pis). Bạn đã đến ngắm tượng Nữ thần tự do ở Mỹ, đã ngắm tháp Eiffel ở Pháp, đã choáng ngợp dưới chân tòa tháp Bruj Khalifa cao nhất thế giới ở Dubai và sẽ thấy Manneken Pis thật… thất vọng.
Tôi đi mấy vòng ở khu vực đặt bức tượng nhưng không tìm ra vì nó quá nhỏ giữa những con đường trung tâm thành phố tấp nập người qua lại. Bức tượng chỉ cao 60 cm, nhỏ hơn một cậu bé thông thường ở độ tuổi biết đứng, được làm bằng đồng và đặt trên đài đá hoa cương ở ngoài trời ngay góc ngã tư. Cậu bé suốt năm suốt tháng trần truồng đứng tè, vào một dịp lễ nào đó sẽ được mặc áo, như Giáng sinh mặc đồ của ông già Noel. Tuy nhiên, đừng có sai lầm, vì đây là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới của bậc thầy điêu khắc Jerome Duquesnoy, hoàn thành vào năm 1619. Tới Brussels mà chưa chụp hình bức tượng thì coi như chưa tới.
2. Brussels, thủ đô của Bỉ, còn khiến tôi choáng váng hơn khi vừa đặt chân đến, vì tranh graffiti, loại tranh có quốc gia coi… vẽ bậy hiện diện ở khắp nơi trong một thành phố. Graffiti phổ biến ở châu Âu, Mỹ, nhưng chưa có chỗ nào nhiều tranh graffiti như ở Brussels. Graffiti hiện diện ở khắp đường lớn, trong hẻm nhỏ; trên tường cao, dưới cửa thấp; trên cầu vượt, dưới hầm chui…
Thậm chí, cả thân một chiếc tàu lửa đón khách từ biên giới Bỉ với Hà Lan để vào Brussels sặc sỡ những hình vẽ graffiti, cứ ngỡ như tôi đang trên một hành trình ở một thế giới khác. Mỗi bức vẽ graffiti mang một thông điệp cụ thể, nhiều bức đẹp bởi sự pha trộn màu sắc và tính hiện thực của nó.
3. Hàn Quốc bảo tồn những giá trị truyền thống rất cẩn trọng. Múa mặt nạ ở làng cổ Hahue có tuổi đời 600 năm (thành phố Andong, gần Busan) là một chương trình độc đáo.
Múa mặt nạ truyền thống Hàn Quốc - Ảnh: Trần Tâm
Múa mặt nạ truyền thống Hàn Quốc - Ảnh: Trần Tâm

Gương mặt của các nghệ sĩ là gương mặt của chiếc mặt nạ được sáng tạo cho riêng một cá tính nhân vật, như lão nông dân khắc khổ, người ăn xin bẩn thỉu, tên lý trưởng mập mạp… Nhưng trước hết, du khách hãy dạo quanh một vòng bảo tàng mặt nạ thế giới và ngồi vào ghế tự tay làm một chiếc mặt nạ truyền thống Hàn Quốc cho riêng mình. Còn sân khấu xem múa mặt nạ thì hình tròn, bao quanh là ghế ngồi, chính giữa là sàn diễn.
4. Xe kéo tay hầu như không còn tồn tại ở các quốc gia trên thế giới do đây là biểu hiện của phân chia giai cấp. Nhưng ở xã hội công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, thì xe kéo tay vẫn còn hoạt động ở Nhật Bản, dù chỉ phục vụ du khách.
Xe kéo tay ở Nhật Bản - Ảnh: Trần Tâm
Xe kéo tay ở Nhật Bản - Ảnh: Trần Tâm

Rất đông người kéo xe tụ tập từng nhóm ở đường lên chùa Thanh Thủy (Kyoto) và ngoài cổng chùa Asakusa (Tokyo) để đón khách. Khách có thể chọn cho mình một chiếc xe để được kéo đi một vòng, dĩ nhiên với mức giá không hề rẻ.

Tác giả bài viết: N.Trần Tâm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP