►Thanh Hóa sắp xếp nhân sự giáo dục: “Biết nó đụng chạm nhưng phải làm"
►Thanh Hóa ra công văn “hỏa tốc” chỉ đạo giải quyết giáo viên dôi dư
►Gần 400 giáo viên mất việc: “Khủng hoảng” giáo viên đầu năm học?
►Thanh Hóa: Gần 400 giáo viên đứng trước nguy cơ mất việc
Trước đó, ngày 6/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn hỏa tốc về việc giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh này.
Tỉnh Thanh Hóa đang gặp khó khăn trong bài toán giải quyết giáo viên, cán bộ, nhân viên hành chính dôi dư, hợp đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Đăng Quyền giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Tài chính và các ngành, đơn vị liên quan, trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra thực tế; đánh giá thực trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính (bao gồm cả biên chế và lao động hợp đồng) đối với từng cấp học.
Đồng thời cần phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân của từng đơn vị, địa phương có liên quan đến việc tuyển dụng và hợp đồng lao động trái quy định kể từ khi Quyết định 3678 của UBND tỉnh Thanh Hóa có hiệu lực thi hành.
Gần một tuần “hỏa tốc” yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương vào cuộc, đến ngày 11/7, ông Phạm Đăng Quyền đã chủ trì hội nghị nghe các đơn vị báo cáo tình hình và giải pháp giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn.
Đến ngày 13/7, văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn hỏa tốc nêu ý kiến chỉ đạo của ông Phạm Đăng Quyền, giao ngành Nội vụ chủ trì, phối hợp với ngành GD-ĐT, Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát số lượng giáo viên theo từng môn học, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính theo từng vị trí việc làm cụ thể (bao gồm cả biên chế và lao động hợp đồng) đối với từng cấp học của từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trên cơ sở đó, căn cứ nhu cầu giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính theo định mức quy định của tỉnh, của trung ương và chỉ tiêu biên chế được giao; xây dựng phương án điều động có thời hạn giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính từ trường thừa sang trường thiếu trong mỗi huyện, thị xã, thành phố với nhau.
Đồng thời, ông Phạm Đăng Quyền cũng yêu cầu tiếp tục tham mưu phương án xử lý việc tuyển dụng và hợp đồng lao động trái quy định kể từ khi quyết định 3678 của UBND tỉnh Thanh Hóa có hiệu lực thi hành; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 22/7.
Tác giả bài viết: Duy Tuyên