Theo ông Lập, giá cao su đang tăng cao trong bối cảnh từ năm 2017, Trung Quốc sẽ đóng cửa toàn bộ rừng tự nhiên và nguồn nguyên liệu cho các DN chế biến nước này sẽ thiếu hụt…“Chúng tôi đang cạnh tranh nguyên liệu gỗ với DN Trung Quốc nên nắm rất rõ điều này”- ông Lập nói. Về cách thu mua của DN Trung Quốc, Chủ tịch FPA cho biết: “Họ xách vali tiền sang đến các xưởng, nhà máy tại Việt Nam, đặt cọc vài trăm nghìn USD là bình thường”.
Bên cạnh đó, các DN Trung Quốc còn đặt các xưởng chế biến của Việt Nam hạ giá cấp gỗ, từ đó để hạ giá hàng hóa để lách thuế.
Trái với tình trạng ảm đạm thường thấy suốt thời gian dài, những tháng gần đây, giá cao su phục hồi trở lại. Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ một vườn cao su tiểu điền có diện tích 3 ha ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khá tiếc nuối khi vừa bán hết cả vườn cây lẫn đất cho một công ty kinh doanh bất động sản. Ông nói, suốt 3 năm liền giá cao su tụt dốc thu không đủ chi nên đã bỏ mặc không đầu tư chăm sóc. “Thấy họ cưa cao su, đào sạch gốc để bán gỗ cho thương lái Trung Quốc mà tiếc nhưng biết làm cách nào”- ông Sơn nói.
Bà Lê Thị Nguyệt, chủ 8 ha cao su tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cũng vừa bán hết vườn cây 15 năm tuổi. Hiện 8 ha đất đã được bà Nguyệt cho thuê trồng sắn.
Ông Nguyễn Sư Sơn, Chủ tịch Công đoàn Cty CP cao su Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cho rằng có thời điểm cao su mất giá thì người ta chặt bỏ cao su hoặc bán gỗ.
Tác giả bài viết: Phạm Anh - Mạnh Thắng
Nguồn tin: