Tin địa phương

Đô thị Đà Nẵng 20 năm sau

Một chặng đường phát triển mới của Đà Nẵng được mở ra từ Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khẳng định vai trò vị trí của thành phố đối với miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. 20 năm sau ngày chia tách tỉnh, Đà Nẵng đã khoác trên mình chiếc áo mới. 20 năm sau nữa, khát vọng của Đà Nẵng là đạt tầm vóc mới từ phát triển không gian đô thị.

Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam tặng thành phố hình ảnh quy hoạch đô thị cùng những ý tưởng mới về quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Năm 1997, khi mới chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng chỉ được biết với góc độ một đô thị nhỏ bé phía bờ tây cuối sông Hàn.

Phía bờ đông sông Hàn dù có địa danh hành chính cấp quận nhưng hoang vu. Vậy nhưng, sau 15 năm, vùng đất phía đông, đông nam và tây bắc của thành phố đã có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Những tuyến đường, những cây cầu vươn vai kéo theo những vệt đô thị mới khang trang, hiện đại.

Qua 20 năm xây dựng và phát triển đô thị, cả thành phố là đại công trường khổng lồ với đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, chỉnh trang khu dân cư. Đà Nẵng đã gây dựng cơ sở hạ tầng làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo KTS Hoàng Quang Huy, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, sự phát triển của đô thị Đà Nẵng đã hình thành “thế Rồng” vững chãi. Không những một mà là hai, con rồng thứ nhất với vóc dáng từ vệt đô thị phía đông - đông bắc, đầu là ngọn núi Sơn Trà hướng ra Biển Đông, thân rồng là dòng sông Hàn uyển chuyển, duyên dáng, thơ mộng.

Con rồng thứ hai ngự ở phía tây, tây bắc thành phố với đầu rồng là ngọn núi Bà Nà vươn cao sừng sững, hòa quyện với mây trời, rừng xanh; thân rồng là dòng sông Cu Đê. Cả hai con rồng hòa quyện tạo nên sự phát triển cân bằng của đô thị Đà Nẵng với những đuôi rồng là những nhánh sông Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Túy Loan, Vĩnh Điện, Cổ Cò…

Từ thế rồng vững chãi mà quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng trong tương lai cần có tầm nhìn và xuyên suốt để gắn kết các đối tượng, thành phần. Đô thị Đà Nẵng của tương lai là vóc dáng mới, diện mạo mới khi phát triển không gian đô thị trên cơ sở hình thành và phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh gắn kết đồng bộ và ổn định giữa các không gian, có sự chuyển tiếp hài hòa giữa khu đô thị cũ với khu đô thị mới.

Nhiều ý tưởng về quy hoạch, phát triển đô thị được nhen nhóm từ hôm nay. Theo KTS Ngô Trung Hải, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, đô thị Đà Nẵng đang đứng trước 3 mô hình phát triển khác nhau, đó là: tập trung phát triển các công trình cao tầng ở khu vực trung tâm và phụ cận; theo đuổi phát triển đô thị có mật độ xây dựng thấp từ khu trung tâm lan ra vùng ven; phát triển mạnh các khu nghỉ dưỡng ven bãi biển và trên núi cao.

Cả ba mô hình này đều tác động đến sự phát triển của đô thị Đà Nẵng trong tương lai, bởi phá vỡ cảnh quan đô thị ở trung tâm; phát triển đô thị lộn xộn, không sử dụng hiệu quả quỹ đất, đồng thời tác động đến tài nguyên biển, không gian bãi biển…

KTS Ngô Trung Hải cho rằng, cần hướng sự phát triển đô thị theo các kịch bản xây dựng phương án cơ sở (cốt lõi) từ nền tảng đô thị hiện hữu mà không can thiệp mạnh mẽ để phát triển các khu đô thị trong tương lai theo đồ án quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn 2050; từ đây xác định chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng.

20 năm sau và sau nữa, đô thị Đà Nẵng phát triển theo nguyên tắc quy hoạch đô thị nén gắn kết cùng với sự phát triển hạ tầng giao thông vận tải công cộng hiện đại. KTS Trương Văn Quảng (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, một trong những giải pháp cho phát triển không gian đô thị Đà Nẵng sau năm 2030 cần tính đến việc di dời sân bay Đà Nẵng để quy hoạch và hình thành khu trung tâm tài chính - ngân hàng dịch vụ chất lượng tầm cỡ khu vực và quốc tế. Sự thay đổi này làm thay đổi cấu trúc đô thị của Đà Nẵng và mở ra nhiều cơ hội phát triển năng động.

KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS tỉnh Quảng Nam, đặt vấn đề đi tìm giải pháp cho hệ thống trung tâm đô thị Đà Nẵng trong tương lai. KTS Hoàng Sừ đánh giá, hiện thành phố đã cạn kiệt quỹ đất khu vực ven sông, ven biển để xây dựng các trung tâm đô thị khi 20 năm đến có trên 3 triệu dân.

Không giải quyết được vấn đề quỹ đất phát triển trung tâm đô thị thì khát vọng về một thành phố ngang tầm châu Á như Singapore là không tưởng. KTS Hoàng Sừ đề xuất cần sử dụng quỹ đất với 850ha đất khu vực sân bay Đà Nẵng để phát triển trong tương lai làm khu đô thị trung tâm, bao gồm đầu tư phát triển các tổ hợp trung tâm tài chính - ngân hàng; văn phòng, dịch vụ cao cấp thế giới và cụm quảng trường - công viên cũng như trung tâm hành chính mới. Đây là chìa khóa để xây dựng đô thị Đà Nẵng ngang tầm khu vực và thế giới.

Tác giả: TRIỆU TÙNG

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

  Từ khóa: đô thị , thành phố , đà nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP