Giáo dục

Điểm sàn sẽ giảm?

Sáng 26/7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm 8 môn thi và các khối thi truyền thống trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Nhận định của các chuyên gia cho thấy, ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu (điểm sàn) năm nay sẽ giảm.


6a HOZY
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT QG năm 2016.

Nỗi buồn Ngoại ngữ

Trong phổ điểm 8 môn thi được Bộ GD&ĐT công bố, môn Ngoại ngữ có phổ điểm “xấu” nhất. Điểm trung bình của môn này chỉ đạt 3.48, số lượng thí sinh đạt 2.4 điểm chiếm số lượng lớn nhất (khoảng trên 50.000 thí sinh). Điều này cũng kéo theo điểm trung bình khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ), D1 (Toán, Văn, Anh) chỉ dưới 15 điểm.

Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thạch, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Hà Nội cho biết môn Ngoại ngữ là môn bắt buộc nên nhiều thí sinh có tâm lý thi để tránh trượt tốt nghiệp. Chính vì vậy, điểm thi của môn này không cao.

Còn theo TS Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN cho rằng, thực tế nếu nói đánh giá toàn diện thì phải kiểm tra đủ các kỹ năng. Tuy nhiên, điều này cần một thời gian nữa. Mặc dầu vậy, có lẽ những đổi mới này trong kiểm tra đánh giá phần nào chưa song hành với những thay đổi trong việc dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng ở phổ thông. Nói cách khác, chương trình dạy và học có thể chưa chuyển dịch theo hướng phát triển các kỹ năng được đổi mới đánh giá theo hướng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ ở cấp độ văn bản như vậy.

“Đây có thể là một trong những lý do khiến phổ điểm của đề thi năm 2015, và cả 2016 tiếp tục lệch trái với đa số học sinh có mức điểm dưới trung bình như hiện nay” – ông Tuấn nhận định.

Phổ điểm phân bố rất đều

Nhận xét về phổ điểm năm nay, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: “Điểm ngoại ngữ rất thấp, mặc dù điểm còn tùy thuộc vào việc ra đề, nhưng có đến 60% bài thi chưa nhìn thấy điểm 3 thì phổ điểm này là thấp. Điểm bài thi môn Lịch sử cũng khá thấp. Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào phổ điểm thi các môn này (bỏ qua các “biến” khác) thì có thể khẳng định, điểm sàn và điểm chuẩn các tổ hợp có các môn thi này sẽ giảm”.

Theo ông Lý, có thể Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ sẽ tính toán cân nhắc để đủ nguồn tuyển. Và có thể có sự khác nhau về sàn của các tổ hợp vì có sự chênh đáng kể phổ điểm giữa các tổ hợp môn khác nhau. “Dự báo có thể mức sàn 15 cho những tổ hợp môn có phổ điểm gồm: A, B.. và không dưới 14 điểm cho những tổ hợp có phổ điểm thấp hơn (A1, D1...)”, ông Lý nói.

Tương tự, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng cho rằng điểm sàn năm nay dự kiến sẽ bằng hoặc giảm nhẹ so với năm trước. Với phổ điểm của các khối truyền thống A, B, C thì ông Sơn dự đoán điểm sàn sẽ không giảm nhưng với khối D thì khả năng sẽ bằng hoặc giảm khoảng 0,5- 1 điểm.

Phân tích phổ điểm 2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng điểm trung bình các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh cao hơn năm ngoái nên kéo phổ điểm khối A, A1, B nghiêng về bên phải nhiều hơn.

Có nghĩa là số thí sinh đạt điểm trung bình và khá lớn hơn năm 2015. Thứ hai, năm nay không có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhưng phổ điểm phân bố rất đều. Chính vì vậy, các trường top trên dễ tuyển sinh hơn năm ngoái và không cần đến tiêu chí phụ.

Đối với khối D, ông Ga khẳng định kết quả cũng tương tự năm 2015. Điểm trung bình môn Ngoại ngữ thấp nhưng số lượng thí sinh thi đông. Vì là môn thi bắt buộc. “Nếu lấy mức điểm trung bình (từ điểm 5) hoặc trên trung bình thì số thí sinh vẫn rất lớn, không ảnh hưởng đến nguồn tuyển của khối D” - ông Ga nói.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định 28/7, Bộ sẽ công bố điểm sàn năm 2016. “Đối với các khối A, A1, B, phổ điểm có vẻ nhích hơn năm 2015 về phía điểm cao. Trên tổng chỉ tiêu các trường ĐH đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT khoảng 300.000. Điểm sàn sẽ phải đảm bảo hai vấn đề, đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu và dôi dư để đủ cho các trường có thể tuyển sinh” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.

Tác giả bài viết: Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP