Giáo dục

ĐH Fulbright lên tiếng về nguồn gốc khoản tiền tài trợ cho trường

Một số báo chí và phương tiện truyền thông gần đây có đề cập đến nội dung và nguồn gốc khoản tiền tài trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ dành cho trường Đại học Fulbright Việt Nam. Để rộng đường dư luận, Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) và trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) đã lên tiếng về vấn đề này.

Về thông tin, khoản tài trợ ban đầu 20 triệu USD của Chính phủ Hoa Kỳ cho FUV là khoản tiền “còn lại từ chương trình VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam - đã được thực hiện từ năm 2000, trích 5 triệu USD/năm trên tổng số 100 triệu USD cho chương trình học bổng)”, FUV cho biết: "Đây là những thông tin không chính xác về nội dung và nguồn gốc của khoản tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ dành cho Trường Đại học Fulbright Việt Nam".

Cho đến thời điểm này, Đại học Fulbright Việt Nam chưa nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào từ nguồn ngân sách liên bang được phân bổ cho Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Trái lại, một phần của nguồn tài trợ liên bang dành cho FUV là từ Quỹ Trả nợ Việt Nam (Vietnam Debt Repayment Fund).

Quỹ VEF được Quốc hội Hoa Kỳ thành lập vào năm 2000. Đạo luật thành lập Quỹ này quy định rằng nguồn tài trợ cho VEF sẽ đến từ Quỹ Trả nợ Việt Nam. Đạo luật này đã dành cho VEF một nửa số ngân sách của Quỹ Trả nợ Việt Nam.

Phần nửa còn lại của Quỹ Trả nợ Việt Nam vẫn thuộc quyền kiểm soát của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Nguyên thượng nghị sĩ Bob Kerrey cùng với nguyên thượng nghị sĩ John Kerry là hai trong số các thượng nghị sỹ bảo trợ cho dự luật này.

Về mặt tài chính, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Trường Đại học Fulbright Việt Nam khoảng 20 triệu USD từ 2015 đến 2018 dưới hình thức tài trợ không hoàn lại. Khoản tài trợ 20 triệu USD này đến từ hai nguồn:

Thứ nhất, theo Đạo luật số HR 83 (Luật về Ngân sách hợp nhất và tiếp tục tăng cường 2015 - Consolidated and Further Continuing Appropriations Act of 2015) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngày 15/12/2014, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ sử dụng nguồn tiền trong Quỹ Trả Nợ Việt Nam (Vietnam Debt Repayment Fund) để tài trợ cho một trường đại học tư thục phi lợi nhuận ở Việt Nam.

Số tiền này nằm ngoài số tiền mà Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ cho Quỹ Giáo dục Việt Nam. Vì vậy, số tiền này không phải là tiền của Quỹ Giáo dục Việt Nam. Ước tính, số tiền còn lại vào khoảng 17,5 triệu USD. Trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư gửi Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao TP.HCM và hồ sơ xin thành lập FUV gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, FUV đã thể hiện rõ số tiền này.

Thứ hai, trong năm tài chính 2015-2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ 2,5 triệu USD cho việc triển khai Dự án FUV thông qua Đại học Harvard từ nguồn tài chính khác của Chính phủ Hoa Kỳ.

“Bên cạnh đó, để tránh mọi hiểu nhầm về mối quan hệ giữa Trường Đại học Fulbright Việt Nam và Quỹ Giáo dục Việt Nam, chúng tôi xin khẳng định rằng FUV đã và sẽ tiếp tục có mối quan hệ công tác chặt chẽ với VEF. Chúng tôi mong muốn sẽ gắn kết cộng đồng VEF, đặc biệt là những người đã nhận học bổng VEF, vào các hoạt động học thuật của FUV, đặc biệt là trong các ngành khoa học và kỹ thuật. Sự tham gia của họ sẽ có vai trò thiết yếu trong thành công của FUV”, thông cáo của ĐH FUV khẳng định.

FUV nói về vai trò của cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey trong quá trình gây quỹ cho FUV

Cựu Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV Bob Kerrey đóng vai trò chủ chốt trong quá trình vận động thông qua đạo luật số HR 83 tháng 12/2014 nhờ xây dựng được một liên minh lưỡng đảng ở cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ. Bob đã sử dụng những mối quan hệ sẵn có cũng như xây dựng những mối quan hệ mới để giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ có ảnh hưởng trong cả hai đảng.

Mặc dù Bob là thành viên đảng Dân chủ, ông đã đặc biệt thành công trong việc xây dựng liên minh với các thành viên đảng Cộng hoà. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì khi đó cả Thượng viện và Hạ viện đều do đảng Cộng hoà kiểm soát.


Tác giả bài viết: P.V

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP