Giáo dục

Đề xuất đổi tên trường TCCN thành Cao đẳng 2 năm

Theo nhiều trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), Bộ GD&ĐT cần xem xét đổi tên khối trường này thành Cao đẳng 2 năm hoặc cao đẳng cộng đồng cho phù hợp với quy chuẩn chung quốc tế. Lãnh đạo các trường TCCN cho rằng, việc đổi tên, ngoài đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, còn giúp mở rộng cơ hội làm việc ở nước ngoài.

Đổi tên, “ruột” giữ nguyên

Trong 22 ý kiến tại Hội nghị trực tuyến giữa 63 tỉnh thành với Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ năm học 2016- 2017 của Giáo dục chuyên nghiệp, nhiều đại diện đề xuất đổi tên Trường TCCN thành cao đẳng 2 năm hoặc cao đẳng cộng đồng để phù hợp hơn với các nước ASEAN và quốc tế.

Theo bà Lê Thị Hồng Hoa, Hiệu trưởng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường TCCN Lê Hữu Trác, việc Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7/10/15, ngừng đào tạo hệ TCCN nhóm ngành Y tế trong thời gian tới đã gây nhiều bất an và xáo trộn. Ngoài việc gửi thư kêu cứu về vấn đề này, trao đổi tại hội nghị, bà Hoa kiến nghị nên chuyển đổi tên trường Trung cấp Y dược thành Cao đẳng. Việc đổi tên này, theo bà Hoa chỉ là hình thức để phù hợp với quốc tế còn cốt lõi vẫn là kiến thức đào tạo.

dexuatdoitentruongtccnthanhcaodang2nam
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại Hội nghị

Một số lãnh đạo Trường TCCN cũng cho hay, việc đổi tên gọi ngoài đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, còn giúp mở rộng cơ hội làm việc ở nước ngoài. Muốn hội nhập thì phải đồng bộ, không chỉ hội nhập về quy định bằng cấp tuyển dụng mà còn cần có sự chuẩn bị cho các cơ sở đào tạo, chuẩn bị nguồn được đào tạo.

Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường TCCN Bến Thành chia sẻ, việc 16 trường TCCN tại TP.HCM vừa đề nghị tạm dừng thông tư, yêu cầu việc thực hiện cần có lộ trình ngày 23/7 vừa qua là hoàn toàn dễ hiểu bởi thông tư này chưa lấy ý kiến của các đơn vị liên quan nên làm xáo trộn cực kì khủng khiếp và tác động lớn đến thí sinh ngay từ mùa tuyển sinh năm nay.

Về kiến nghị đổi tên Trường TCCN thành Cao đẳng 2 năm, theo ông Ngọc, cần có chủ trương, có kế hoạch ngay từ bây giờ để phù hợp hơn với các nước ASEAN. “Tại sao chúng ta không mạnh dạn đổi tên trường? Việc đổi tên gọi này thực chất bên ngoài cao đẳng, bên trong trung cấp hoặc nói cách khác là đổi tên nhưng “ruột” giữ nguyên”, ông Ngọc nói.

Ông Phạm Đức Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam cũng đồng tình với ý với các ý kiến này khi cho rằng, cần đổi tên hệ thống trường TCCN thành cao đẳng nghề 2 năm hoặc cao đẳng cộng đồng để phù hợp với xu thế quốc tế. Điều này vừa giúp làm tốt công tác chuyển tiếp lên bậc đào tạo cao hơn cho học sinh vừa đảm bảo sức sống cho trường TCCN.

Sẽ quy hoạch lại cơ cấu hệ thống

Trước ý kiến của các đại biểu, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ trình Thủ tướng cơ cấu khung hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, sẽ sắp xếp, quy hoạch và cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân, chuẩn hóa chương trình đào tạo, phân biệt rõ trình độ trung cấp là gì, cao đẳng là gì… và đáp ứng nhu cầu của các trình độ đào tạo.

Đồng thời theo ông Vinh, mới đây Bộ GD&ĐT đã có tờ trình gửi Chính phủ về vấn đề quản lý Nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Trong tờ trình này, Bộ GD&ĐT kiến nghị giao Bộ thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục, bao gồm từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, kể cả bậc TCN, CĐ nghề hiện thuộc quản lý Nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH. Cùng với đó là chuyển phần lớn bộ máy, nhân sự của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH hiện nay về Bộ GD&ĐT...

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay, Bộ GD&ĐT luôn khẳng định, TCCN là bậc học rất quan trọng. Dù xưa nay có thay đổi cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân nhưng giáo dục chuyên nghiệp luôn giữ vị trí quan trọng.

Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và cơ cấu trình độ khung giáo dục quốc gia. Trong đó, TCCN vẫn giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu 8 bậc của giáo dục. Yêu cầu về đầu ra, về nguồn nhân lực… đối với trình độ TCCN cũng được xác định rất rõ trong khung trình độ quốc gia sao cho tương thích với các nước ASEAN.

dexuatdoitentruongtccnthanhcaodang2nam png
Giờ thực hành Dược của Trường Trung cấp Y tế Trung ương

Trước mắt, để đẩy mạnh hơn nữa cho bậc học này, các trường cần cập nhật các chương trình giảng dạy tiên tiến theo yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt theo hướng tiếp cận năng lực, liên kết với doanh nghiệp.

Về kiến nghị đổi tên trường TCCN thành Cao đẳng 2 năm, ông Ga cho biết, hiện nay khi chúng ta xây dựng khung trình độ quốc gia, đồng nghĩa với bàn lại cơ cấu hệ thống.

“Có nhiều đại biểu nêu ý kiến TCCN nên đổi tên thành cao đẳng 2 năm hoặc cao đẳng cộng đồng, điều này chúng ta sẽ bàn trong khung trình độ quốc gia sắp tới, bởi tên bằng cấp không có nhiều ý nghĩa mà quan trọng là khung trình độ đào tạo đó tương ứng với cái gì. Hiện chúng ta đang cố gắng xây dựng khung trình độ 8 bậc, tương ứng với 8 bậc của ASEAN. Theo đó, các trường TCCN tương ứng với khung trình độ nào, mặc nhiên sẽ có giá trị sử dụng người lao động ở đó chứ không phải căn cứ vào tên gọi.

“Như vậy, căn cứ vào khung trình độ quốc gia sắp tới, việc gọi nâng lên thành cao đẳng 2 năm, cao đẳng cộng đồng hay giữ nguyên là TCCN… sẽ được bàn kĩ để hệ thống TCCN phát triển hơn nữa, đào tạo đúng đội ngũ nhân lực có tay nghề, không nên quá bận tâm nhiều đến tên gọi”, Thứ trưởng Ga khẳng định.

Tác giả bài viết: Mỹ Hà

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP