Xã hội

Đề án đưa 150 xe điện ra đảo Lý Sơn khiến người dân lo mất việc làm

Việc tỉnh Quảng Ngãi cho doanh nghiệp đầu tư hàng trăm ôtô gây nguy cơ mật độ quá dày, xung đột với người dân có xe trên đảo.

Sở Giao thông Quảng Ngãi hồi đầu tháng gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Lý Sơn phối hợp với cơ quan hữu trách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện Đề án thực hiện thí điểm sử dụng xe bốn bánh chở khách tham quan trên đảo.

Theo đề án, hai doanh nghiệp vận tải sẽ đầu tư 250 xe trong hai giai đoạn từ năm 2017 đến 2025. Trong đó, có 150 xe điện, 100 xe chạy xăng, diezen. Đảo Lớn 170, đảo Bé 80 chiếc.

Một km2, hơn 100 ôtô

Trong khi đó, hiện người dân địa phương đã đầu tư hơn 100 phương tiện gồm taxi, ôtô tải và ôtô khách. Tại đảo Bé, từ đầu năm 2016 đến nay, người dân đã mua hơn 20 xe điện nhập khẩu từ Nhật Bản để đón lượng du khách ngày một tăng trưởng.

Người dân Lý Sơn lái xe điện bốn bánh đưa du khách tham quan. Ảnh: Phạm Linh.

Như vậy, nếu thực hiện theo đề án, đến năm 2025, đảo tiền tiêu có diện tích 10 km2 có thể có gần 400 xe bốn bánh. Riêng đảo Bé, diện tích chỉ một km2 nhưng có hơn 100 xe.

Ông Đỗ Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở Giao thông cho biết, đầu năm 2016, trước tình trạng người dân đầu tư xe điện tự phát, Sở đã đề nghị huyện Lý Sơn khuyến cáo, ngăn chặn tình trạng hoạt động chở khách trái phép.

Sau đó, UBND Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Giao thông cho phép tỉnh quản lý hoạt động xe bốn bánh chở người ở đảo. Phúc đáp lại tỉnh, Bộ đề nghị chỉ đạo Sở Giao thông hướng dẫn doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động xe bốn bánh chở người trên đảo Lý Sơn làm đề án chi tiết để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Giữa năm 2017, sau khi Thủ tướng đồng ý cho thí điểm xe điện trong khu vực hạn chế trong vòng 3 năm, Bộ Giao thông có văn bản đề nghị Quảng Ngãi và một số tỉnh thành khác phê duyệt đề án thí điểm cho doanh nghiệp, hợp tác xã có đề án phù hợp.

Trên cơ sở này, đầu tháng 4, Sở Giao thông phê duyệt đề án thí điểm cho 2 doanh nghiệp. Phó giám đốc Sở Giao thông cho rằng khi hoạt động vận tải được quản lý, các xe sẽ chạy tuần tự chứ không phải hoạt động một lần, hơn nữa hạ tầng trong tương lai được cải thiện thì không lo quá tải.

"Cứ áp đặt là không được"

Hai năm trước, ông Nguyễn Thịnh ở đảo Bé hùn vốn cùng hai người khác mua xe điện 120 triệu. "Trước đây mình làm biển, hành tỏi còn bây giờ mùa nắng chở khách du lịch kiếm thêm nhu nhập, đắp đổi mùa mưa", ông nói.

Khi đảo Bé dần trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn, nhiều người dân trên đảo đã vay mượn để hùn vốn mua xe như anh. "Trước đây đảo nghèo xa xôi quá không ai tới. Bọn tôi mới làm ăn được vài năm, nếu doanh nghiệp đến làm ăn thì tụi tui xin tha hương", ônh chua chát.

Phó giám đốc Sở Giao thông cho rằng người dân đầu tư tự phát, không có bằng cấp, một số phương tiện chưa đạt chuẩn. "Nếu mất an toàn xảy ra thì Sở phải chịu trách nhiệm", lãnh đạo Sở nói và cho biết đề án được thực hiện để giải quyết vấn đề an toàn giao thông.

Song, để hài hòa lợi ích với người dân, Sở cũng đã gửi văn bản đề nghị huyện vận động người dân vào hợp tác xã. "Để hoạt động cần điều kiện: xe phải có đầy đủ thủ tục, giấy tờ đăng ký, đăng kiểm; chủ xe có bằng cấp; hoạt động trong tổ chức; có đề án được chính quyền phê duyệt", ông Đạt cho biết.

Hàng loạt ôtô chen chúc ở cầu cảng đảo Lớn, Lý Sơn đón khách. Ảnh: Bình Ca.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch huyện Lý Sơn nói rằng hàng năm đều đề nghị Sở ra kiểm định xe. "Chở khách thì an toàn là trên hết. Nhưng bà con trên đảo phần lớn là nông dân, mới chuyển đổi nghề nghiệp. Họ có thiếu cái gì thì thông báo khắc phục, bổ sung, chứ cứ bám vào đó mà làm khó cho người dân là không đúng", bà nói.

Theo bà Hương, quan điểm của đề án là tốt, nhưng không thể bám theo đề án mà đưa xe ra ồ ạt mà phải khảo sát, đánh giá cụ thể để phù hợp với thực tế huyện đảo, tránh xung đột, khỏi thiệt hại cho doanh nghiệp. "Mật độ phương tiện đã khá dày, theo tôi, chỉ nên thí điểm 2 xe ở đảo Lớn, không nên đưa thêm xe ra đảo Bé", Phó chủ tịch khuyến cáo.

"Làm quản lý nhà nước mà cứng nhắc theo quy định thì sướng quá. Phải nghĩ đến lợi ích của người dân chứ áp đặt là không được", lãnh đạo huyện nhấn mạnh.

Lý Sơn là đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Ngãi, quê hương Hải đội Hoàng Sa. Những năm gần đây, lượng du khách đến đảo liên tục tăng trưởng. Năm 2017 có 200.000 lượt khách. Dịp lễ 30/4 - 1/5 mới đây lượng du khách tới Lý Sơn đỉnh điểm lên đến 4.000 lượt người một ngày.

Tác giả: Phạm Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP