Kinh tế

Đào mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Bộ muốn làm, tỉnh lăn tăn

Việc hồi sinh mỏ sắt Thạch Khê sau 8 năm bất động đang có nhiều ý kiến khác nhau. Bộ Công Thương rốt ráo khởi động lại dự án, nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh lại tỏ rõ sự băn khoăn.

Ai đủ sức đầu tư dự án này?

Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã trình Thủ tướng việc tiếp tục triển khai mỏ sắt Thạch Khê - mỏ sắt được cho là “lớn nhất Đông Nam Á” này. Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi các bộ ngành và Hà Tĩnh lấy ý kiến việc này.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ nghi ngờ về khả năng huy động vốn cho dự án. Đến nay tổng giá trị vốn góp của các cổ đông là 1.809 tỷ đồng/2.033 tỷ đồng, còn thiếu 244 tỷ. Trong 5 cổ đông của Công ty CP Sắt Thạch Khê - TIC (TKV, MITRACO, VNSTEEL, BITEXCO, khoáng sản Thăng Long), chỉ có TKV góp đủ vốn huy động 1.076 tỷ đồng. 3 cổ đông không thực hiện góp đủ vốn cam kết, còn công ty khoáng sản Thăng Long thiếu 10 tỷ đồng.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã bất động 8 năm.
Hơn nữa, Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (MITRACO) đã có văn bản xin rút vốn khỏi dự án. Bản thân TKV cũng đang gặp nhiều khó khăn nên mặc dù TKV và khoáng sản Thăng Long khẳng định sẽ góp thay 3 cổ đông trên khi dự án khởi động trở lại, nhưng thực tế cho thấy tiềm lực tài chính của các cổ đông đang là vấn đề lớn so với yêu cầu năng lực của chủ đầu tư. Trong khi đó tính toán chưa đầy đủ thì dự án này cần hơn 14.500 tỷ (giai đoạn 1 gần 7.000 tỷ).

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Công ty sắt Thạch Khê báo cáo đã làm việc với một số ngân hàng trong và ngoài nước, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cam kết cụ thể về thỏa thuận cho vay vốn thực hiện dự án. Hiện vốn thực góp của các cổ đông là 1.809 tỷ đồng đã giải ngân gần hết vào dự án.

Do đó Hà Tĩnh cho rằng Công ty CP Sắt Thạch Khê chưa đáp ứng yêu cầu để triển khai dự án và đây là vấn đề cần làm rõ thêm.

Liên quan vấn đề này, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cho hay: Vấn đề tái cơ cấu cổ đông hiện Bộ đã báo cáo Chính phủ để huy động các cổ đông có năng lực nhằm giảm tối đa vốn vay của dự án.

Nói về việc 3 cổ đông chưa góp vốn, đại diện Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm cổ đông năng lực yếu kém dứt khoát không kéo dài thời gian góp vốn mà sẽ yêu cầu bán lại cho cổ đông khác, còn TKV góp vốn thêm hay không Bộ Công Thương đang xem xét báo cáo thêm.

Phương án dự trù nữa được ông Hoài đề cập đến là sẽ kêu gọi thêm cổ đông tư nhân vào để tăng tính hiệu quả quản trị của doanh nghiệp như Hoa Sen, Hòa Phát,... “Họ có tiền, và nếu góp vốn vào thì họ có trách nhiệm tiêu thụ quặng sắt ở đây, đảm bảo hiệu quả dự án quặng sắt”, ông Hoài nói.

Lo thừa quặng sắt

Một vấn đề nữa khiến Hà Tĩnh băn khoăn khi “hồi sinh” dự án này là thị trường tiêu thụ quặng sắt. Bởi lẽ TKV đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng thực hiện dự án nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm đến sau 2020. Nhà máy thép này vốn là một phần gắn liền với dự án sắt Thạch Khê nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu khai thác được.

Quặng sắt trong nước đang dư thừa.
Hà Tĩnh khẳng định việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải gắn liền với việc chế biến sâu sản phẩm và cho rằng việc TKV đề nghị tạm dừng đầu tư nhà máy phôi thép là “chưa đúng chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh ủy Hà Tĩnh”.

Hà Tĩnh cũng lo ngại xảy ra tình trạng dư thừa quặng sắt khi nhu cầu trong nước hạn chế.

Trên thực tế, quặng sắt khai thác ở Việt Nam chỉ phục vụ thép Hòa Phát, thép Thái Nguyên, thép Việt Trung,... Số lượng tiêu thụ khá hạn chế, nên gần đây đã xảy ra tình trạng tồn kho quặng sắt. Mới đây, nhiều DN đã có văn bản xin được xuất khẩu quặng sắt tồn kho.

Giải thích lý do thừa quặng sắt, ông Trương Thanh Hoài cho biết: Hiện cả nước chỉ có Hòa Phát, Thái Nguyên, gang thép Việt Trung sử dụng lò cao là có nhu cầu quặng sắt với tổng nhu cầu khoảng 1 triệu tấn. Trong khi đó Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa phương lại cấp phép 12,9 triệu tấn quặng thô, tức 8 triệu tấn quặng tinh.

Ngoài ra, một số dự án thép lò cao như Vạn Lợi ở Hà Tĩnh, thép Mega Vinastar ở Quảng Ninh,... không kịp đầu tư nên dẫn đến dư thừa quặng sắt. Vì thế, sắp tới sẽ phải xem xét cho xuất khẩu lượng tồn kho này, cho dù 4 năm nay đã có lệnh cấm xuất khẩu.

Rõ ràng, không ngẫu nhiên việc tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê được tính đưa ra vào thời điểm này. Điều này là để “đón đầu” các khu liên hợp thép lò cao lớn như Cà Ná, thép Dung Quất đang được xem xét chủ trương đầu tư. Theo Bộ Công Thương, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 550 triệu tấn. Nếu xây dựng được các khu liên hợp thép có công suất 7-10 triệu tấn/năm, mỗi năm chúng ta có thể khai thác 15 triệu tấn quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ sắt khác trong nước. Lượng quặng sắt trong nước đủ dùng cho khoảng thời gian 30 năm.

Song, lo ngại của Hà Tĩnh không phải là không có cơ sở. Bài học dư thừa quặng sắt khai thác trong nước đang đối mặt hiện vẫn còn nguyên giá trị. Chưa kể, ngay cả Công ty CP thép Hòa Phát cũng chỉ dùng khoảng 50% quặng sắt trong nước, còn lại là nhập khẩu. Cho nên tính toán thị trường tiệu thụ quặng sắt kỹ lưỡng là điều phải xem xét nghiêm túc khi “hồi sinh” mỏ sắt Thạch Khê.

Trước các băn khoăn của Hà Tĩnh, ông Trương Thanh Hoài cho biết Bộ Công Thương sẽ vào làm việc, sau đó báo cáo Thủ tướng và làm rõ những vấn đề Hà Tĩnh lo ngại, giải trình từng vấn đề.

“Cái gì chưa thông sẽ tiếp tục làm rõ trên tinh thần đặt vấn đề môi trường, an toàn lên hàng đầu, sau đó mới đến hiệu quả kinh tế”, ông Hoài nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP