Trong nước

“Đắng cay đời làm dâu, làm vợ của tôi”

“Hai mươi tuổi, tôi bước chân về nhà chồng làm dâu, làm vợ. Nhưng tôi không được lên xe hoa như các cô dâu khác. Rồi đang là một cô giáo tôi phải làm đơn xin nghỉ việc để đối phó với hành trình làm dâu, làm vợ đầy đắng cay của mình”, Báo GĐ&XH xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết và cũng là lời tự sự đầy xót xa của chị Cao Thị Lai ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

copy of chi lai 1479094150558 crop 1479094175714
Bà Cao Thị Lai hiện tại.

Chuỗi ngày tủi phận

Hồi đó nhà chồng tôi rất nghèo, căn nhà liêu xiêu chỉ vỏn vẹn mười sáu mét vuông. Chiếc giường của vợ chồng tôi được dựng lên từ bốn cái trụ cây mới chặt, nan giường được kết thành từng mảnh từ cây tre. Thời gian đó tôi cứ nghĩ miễn sao cuộc sống vợ chồng hạnh phúc là được.

Từ khi về làm dâu, mỗi buổi sáng tôi phải thức dậy trước 5giờ để lo cơm nước cho cả nhà. Khi đó nhà tôi có bà chị chồng đi buôn bắp, đậu, chuối, mít... lâu lâu lại đem về cho mẹ chồng cái đầu heo lọc kỹ. Giữa bữa ăn, tôi trót gắp một miếng thì chồng tôi có vẻ khó chịu. Cuộc sống vợ chồng tôi bữa no, bữa đói với đồng lương còm cõi thời bao cấp chẳng đáng là bao.

Cuộc sống khó khăn, tôi làm đơn xin nghỉ việc để đối phó với hành trình làm dâu của mình. Có miếng đất, tôi cuốc đầu trên, chồng cuốc đầu dưới, cả buổi chẳng ai hỏi nhau câu nào. Chiều chiều chồng phải có một lít rượu, thuốc rê phải trữ không thể để thiếu. Mẹ chồng thì ăn trầu, nhưng món thịt bò tái, hay trứng vịt lộn... cũng thường xuyên phải có. Nếu một vài ngày không có những món ăn bà yêu thích thì những lời nhiếc móc lại đổ lên đầu tôi.

Tôi bắt đầu tập đi buôn. Chiếc xe

đạp Hữu nghị cũ ra trường đi dạy gần 15 năm tôi mới dành dụm mua được. Khởi đầu tôi lấy chiếc xe đạp cũ làm phương tiện, tôi nhanh chóng tìm được mối bỏ trái cây thân thiết. Hàng ngày tôi đi gần 20km mua hàng chất lên xe tới 130kg rồi đẩy nhiều hơn ngồi trên xe. Từ chỗ mua hàng về đến chỗ bán cũng bở hơi tai. Khi có thời gian rảnh, tôi lại xách giỏ cói đi nhặt mủ cao su về ngâm bán kiếm thêm vài đồng. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, suốt ngày quần ống cao ống thấp mà tôi vẫn thiếu đủ thứ.

Hết mùa buôn hoa quả tôi bước sang đi mua phế liệu. Sắt vụn khi đó 200 đồng/kg nhưng tôi phải đi khắp nơi thì may ra mới mua được. Tuy bụng bầu vượt mặt, vậy mà tối về, lúc tắm hay khi vào bếp nấu ăn vẫn phải nghe tiếng mẹ chồng đay nghiến.



Đến gần ngày sinh vào mùa thu cà phê, nhà tôi làm hợp đồng cà phê của nông trường. Sau khi phơi khô xay xát xong, tôi chở cà phê đi bán về được bao nhiêu đưa mẹ chồng cầm và bà đưa lại tôi 16.000 đồng để mua sắm đồ chuẩn bị kỳ sinh nở.

Mùa ngô đến tôi mua ngô nếp về luộc chở đi bán dạo, 200 đồng một cái. Mưa nắng thất thường nhiều khi bán về trễ hoặc ế hàng mang về, mẹ chồng lại đổ lỗi cho tôi “vía nặng” nên bán không hết. Trong cơn say rượu chồng cầm cây gậy để đánh tôi. Tôi chạy qua nhà hàng xóm trốn, do mệt lả quá tôi ngã lưng ngủ thiếp ở góc nhà hàng xóm mà không hay...

Thương tình, anh trai chồng chạy đôn chạy đáo đi mượn một chỉ vàng để cho tôi khăn gói đi ra khỏi nhà để sinh con. Ông chạy khắp làng, cuối xóm cuối cùng không mượn được. Tôi đạp xe đến nhà chị dâu của tôi và nhờ chị dẫn tới bệnh viện để làm thủ tục nhập viện. Cuộc sinh nở của tôi may mắn mẹ tròn, con vuông. Nhưng cửa mình tôi cô y tá có rạch khoảng vài phân, mẹ chồng lại đổ cho tôi là do “vía nặng” nên khó đẻ để phải rạch. Bảy ngày nằm trong buồng cữ nhờ đứa em gái tôi đến giúp, đêm đêm mẹ con tôi nằm bên ngọn đèn dầu leo lét, những lúc con khóc hay trở trời, lần đầu được làm mẹ gặp rất nhiều khó khăn tôi cảm thấy hạnh phúc với con nhưng tủi thân uất nghẹn vô cùng.

Nằm trong cữ được 7 ngày, đến ngày thứ 8, để con cho bà trông tôi xin chị chồng đi buôn chuối cùng. Chị đồng ý, hai người đi với nhau nhưng mua bán riêng. Chuối được tôi cắt ra từng nải bày bán trên vỉa hè ở chợ nhỏ.

Bế con về quê

Năm 1994, tôi bế con bỏ về quê ở Nghệ An. Được bà con cô bác động viên, nghe lời bố mẹ đẻ, tôi quay lại nhà chồng. Tôi nuôi một con lợn nái, cứ mỗi năm nó đẻ hai lứa, lứa nào cũng được trên chục con. Phía sau chuồng có hố chứa phân heo. Nhiều lần tôi đi buôn về vào tìm quần áo thay tìm mãi không thấy hóa ra chồng ở nhà đã lấy áo quần đốt cháy nham nhở. Tôi ra hố phân heo tìm, lấy cây móc lên thấy những bộ đồ chìm dưới hố phân. Tôi nhìn vào quần áo mà thấy mắt mình cay xè, sao mà đau đớn đến thế?

Chồng tôi chuyển qua hút thuốc lá Era, hễ đụng đâu vứt bừa vứt bãi, có khi hút còn lại một phần hai điếu thuốc là vứt để hút điếu khác. Đôi khi tôi quên không có thuốc dự trữ, mới sáng nghe tiếng chén bát vỡ chát chúa cùng tiếng chửi của chồng là tôi phải chạy đi mua gấp.

Tôi đã có hai mặt con, những đêm khuya trăng sáng nhìn các con ngủ ngon giấc, tôi nhẹ nhàng buông con ra. Cách nhà tôi không xa có hồ nước rộng, đáy hình lòng chảo rất sâu nước không bao giờ cạn kể cả năm hạn hán. Tôi vốn sợ ma vậy mà những khi giữa đêm khuya tôi đứng trên bờ chẳng hề sợ. Tôi nghĩ mình sẽ từ giã cái cuộc đời đau khổ trong đêm nay, mượn hồ lòng chảo này để trả cho cát bụi nhé! Nước mắt tôi chảy giàn giụa. Ngước mắt nhìn lên trời và thầm thì.... “Hai con ơi, trăng sáng như ban ngày nè con, có cả chú Cuội và chị Hằng mà con thích nữa đấy”. Tôi như người say mới tỉnh. Mà mình còn hai đứa con đang bi bô nữa cơ mà, tôi rời bờ hồ đã nghe tiếng gà gáy, về đến nhà vào giường ôm chặt con vào lòng, thoáng một lúc trời đã sáng.

Có người họ nói tếu tôi khéo chọn chồng. Chỉ cần chồng đứng cách tôi năm mươi mét chắc chắn nhìn vào bộ dạng chân cao đá chân thấp cũng đủ để tôi đánh giá mức độ trong người có đến bao nhiêu phần trăm độ cồn. Vốn nghiền rượu sẵn, say rồi tỉnh, tỉnh rồi lại say lướt khướt. Mà say thì tôi lại bị những trận đòn thừa chết thiếu sống.

Trở về từ cõi chết

Tôi nhớ chiều một ngày thu năm 1998, khoảng 5giờ chiều tôi mở mắt tỉnh dậy thấy mình đang nằm ở bệnh viện, mới mở hai tay vừa cột chặt vào đâu đó, đưa tay sờ thấy dây nhợ lòng thòng đút qua lỗ mũi và miệng, bụng nghe chướng thứ nước gì căng tròn khó chịu, tôi mệt nhừ người. Trời ơi, hóa ra tôi đã uống thuốc ngủ để tự tử. Tôi suy nghĩ tuyệt vọng. Nhìn hai đứa con ngồi bên cạnh ôm hôn má con, tay nắm chặt tay.

Tôi nghĩ, ngày ấy giá như, tôi đã tuyệt vọng trở về cát bụi thì giờ chỗ tôi nằm xuống cỏ mọc xanh. Nếu như vậy sẽ trở thành người mẹ tìm đến cái chết bất ngờ, mục đích để trốn tránh trách nhiệm làm mẹ của mình đối với các con thân yêu. Giờ đây không biết cuộc đời chúng nó sẽ đi đâu về đâu... chưa kể có thể để lại gánh nặng cho xã hội.

Sau năm đó tôi bị tai nạn lao động chấn thương cột sống liệt hai chân, chồng ra ở riêng với mẹ chồng. Hàng ngày tôi vẫn cố gắng bươn chải, chắt chiu tằn tiện nuôi con thành người. Mẹ chồng đã về thế giới bên kia được năm thứ ba.

Tôi tin Trời có mắt và ông đã không lấy hết bất cứ của ai cái gì hết. Trời không phụ lòng, đến nay gần hai mươi năm vừa làm mẹ vừa thay cha, gian khó vượt qua cuộc sống ổn định. Các con tôi đã trưởng thành, biết vâng lời, lễ phép với mọi người.

Chuyện trôi qua lâu rồi nhưng tôi cứ ngỡ như mới xảy ra ngày hôm qua. Bây giờ tóc tôi đã muối tiêu nhưng không có vị thuốc nào cho tôi uống để quên. Và tôi viết ra đây, mong rằng nếu có người phụ nữ nào gặp phải hoàn cảnh cơ cực như tôi hãy biết vượt lên để sống.

Nhắc về hoàn cảnh của bà Cao Thị Lai, bà Đỗ Thị Thu, Chi hội Phó Chi hội phụ nữ nơi bà Lai sinh sống (TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không khỏi xót xa. Bà Thu cho biết: “Đúng là ngày xưa mẹ chồng bà Lai cũng rất khắt khe nhưng cụ đã mất mấy năm nay. Người chồng nát rượu thường hay đánh khi bà không có tiền cung cấp cho ông ta uống rượu. Sau lần bị tai nạn, ông ấy một thời gian cũng có bỏ rượu song giờ lại uống lại. Vợ chồng bà Lai đã chia tay lâu rồi, mỗi người sống một nhà riêng.

Hiện tại, người chồng vẫn sống bên căn nhà tình thương từ khi mẹ chồng bà Lai mất. Còn 3 mẹ con bà Lai sống ngay sát bên cạnh. Nhà bà trên đường vào nghĩa trang thành phố nên bán hương, hoa là chủ yếu. Cũng do chịu khó bán hàng mà bà có thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Cô con gái đầu trước học ngành Y nhưng chưa xin được việc nên mở shop kinh doanh quần áo, còn con trai thứ hai đi bộ đội. Dù hoàn cảnh khó khăn như thế nhưng bà ấy vẫn yêu đời. Những lúc rỗi bà ấy cũng hay cộng tác viết báo và viết nên những tác phẩm về đời mình, con mình.

Về phía gia đình nhà chồng bà Lai cũng khá giả nhưng hiện có hỗ trợ cho mẹ con bà Lai hay không thì chúng tôi cũng không nắm được. Chỉ biết ngày bà Lai bị tai nạn bị liệt họ cũng quan tâm. Khi bà Lai xây nhà nhờ bằng số tiền tằn tiện của mình, gia đình chồng cũng hỗ trợ ít”.

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, bà Lai SN 1969 tại Nghệ An. Năm 1985, bà vào Đắk Lắk. Trước làm giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (huyện Cư M’gar). Sau khi lập gia đình, sinh con do hoàn cảnh khó khăn nên bà xin nghỉ việc về buôn bán trái cây. Không may, năm 1999, khi trèo cây hái bơ, bà bị ngã chấn thương cột sống, chịu cảnh “bán thân bất toại” từ đó đến nay. Với một người tàn tật, vươn lên số phận để sống được đã đáng khâm phục lắm rồi. Nhưng ở hoàn cảnh bà “bán thân bất toại” chẳng những sống được mà còn lao động nuôi con trưởng thành càng đáng khâm phục hơn nhiều.

Phương Thuận

Tác giả bài viết: TG

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP