Giáo dục

Đại học tư thục chuyển mình mạnh mẽ

Hệ thống trường đại học tư thục (ĐHTT) tính đến nay đã hình thành và phát triển ngót 30 năm. Dù còn nhiều ngổn ngang, nhưng trong số 66 trường (cả nước có 235 trường ĐH, chưa tính các trường thuộc khối An ninh quốc phòng) vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Nhiều trường không chỉ đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên mà còn mạnh dạn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế.

Dù tỷ lệ sinh viên của ĐHTT chỉ chiếm chưa tới 14% (khoảng 243.000 sinh viên) trên tổng số sinh viên cả nước (hơn 1,76 triệu sinh viên), nhưng những đóng góp của hệ thống trường ĐH này cho giáo dục ĐH của cả nước là điều đáng ghi nhận. Đây là thành công lớn từ chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước.

Những điểm sáng

Tại “Hội nghị Diên Hồng” diễn ra cách đây hơn 10 năm, hệ thống ĐHTT lúc đó đã phơi bày hàng loạt yếu kém, như thiếu giảng viên, tuyển sinh chật vật, cơ sở vật chất gần như hoàn toàn thuê và mượn... Đáng nói hơn, tỷ lệ chi của các trường cho việc thuê mướn đến trên 80%.

Thế nhưng, cuộc khảo sát mới đây do PGS-TS Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm khảo sát các trường ĐHTT (Bộ GD-ĐT), đã cho những kết quả tích cực hơn với đánh giá: “Cơ sở vật chất là điểm mạnh đáng tự hào, kể cả khi so sánh với nhiều trường ĐH công lập. Về đội ngũ giảng dạy, các trường đã có sự chuyển biến, phát triển về số lượng và chất lượng. Trong đó, có nhiều trường có từ 700 đến hơn 1.000 giảng viên, vượt xa so với nhiều trường công lập. Bên cạnh đó, quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng theo hướng trường đa ngành”.

Có thể nói, quá trình phát triển của các trường ĐHTT không chỉ tập trung ở những thành phố lớn như trước đây, mà hiện nay trải rộng khắp cả nước. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để người dân tiếp cận với giáo dục ĐH.

Và trong số đó, từ Bắc chí Nam đều có những trường có uy tín như Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Đông Á, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Văn Lang…

Nhiều trường ĐHTT đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM trong giờ học tại phòng thí nghiệm


Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, đa số các trường phát triển theo hướng thực hành và ứng dụng, nên có 43/59 trường báo cáo có phòng thí nghiệm, 45 xưởng thực hành.
Chi phí mỗi trường tự đầu tư cho mỗi phòng thí nghiệm là 8,6 tỷ đồng; xưởng thực hành là 6,5 tỷ đồng. Trong đó, cả nước có 3 trường ĐH đạt chuẩn 3 sao về cơ sở vật chất (do tổ chức Anh quốc đánh giá) thì ĐHTT có 2 trường là ĐH FPT và ĐH Nguyễn Tất Thành.

Nhiều trường đã và đang đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất với mức đầu tư từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Văn Lang…

Nếu như trước đây các trường ĐHTT chỉ biết đào tạo, bỏ trống nghiên cứu khoa học thì nay đã có sự khác biệt đáng kể. Trong năm 2018, Trường ĐH Duy Tân lọt vào tốp đầu của Việt Nam về số bài đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới. 2 năm gần đây, nhiều nhà khoa học trẻ của các trường như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TPHCM… được vinh dự nhận giải thưởng Quả cầu vàng do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Cần tạo cơ chế bình đẳng

Trong suốt 30 năm qua, đóng góp của hệ thống trường ĐHTT cho giáo dục ĐH nói riêng và cho nguồn nhân lực của xã hội nói chung là đáng ghi nhận.

Minh chứng cho điều này, TS Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Đông Á, dẫn chứng: “Tính đến nay, các trường không chỉ nộp cho Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng, mà hiện đang đào tạo cho xã hội hơn 243.000 sinh viên. Nếu tính 20 triệu đồng/sinh viên/năm (mức học phí bình quân của các trường ĐHTT), thì hàng năm các trường ĐHTT đã choàng gánh cho ngân sách nhà nước khoảng 2.430 tỷ đồng. Kết quả này đã cho thấy những thành công rất lớn từ chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước”.

GS-TS Nguyễn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng: Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát triển giáo dục ĐHTT ở mức trung bình thấp.

Với gần 87% sinh viên công lập thì nhược điểm đáng lo ngại nhất là ngân sách nhà nước vốn đã ít vẫn tiếp tục bị dàn trải. Do đó, việc đẩy mạnh sự phát triển của sinh viên ĐHTT đạt tỷ lệ 40% như Chính phủ đã đề ra là cần thiết.

Trong hệ thống giáo dục ĐHTT của châu Á, có sự tăng trưởng cao nhất khi thu hút tới 35% (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thu hút 70% - 80%) trong tổng quy mô sinh viên và chiếm tới gần 60% tổng số lượng cơ sở trường học của quốc gia.

Trong khi đó, Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, giáo dục ĐHTT đã đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng nhưng mới chỉ thu hút gần 14% tổng số sinh viên trong cả hệ thống.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu sinh viên ĐHTT chiếm 40% so với sinh viên cả nước, thì cần phải có những cơ chế cũng như chính sách phù hợp để cho hệ thống trường ĐHTT phát triển hơn nữa.

Theo PGS-TS Phạm Thị Huyền, để đạt được mục tiêu này, Bộ GD-ĐT cũng như Chính phủ cần có những điều chỉnh về mặt chính sách. Đầu tiên phải là chính sách thuế. Hiện nay, việc coi các trường như một doanh nghiệp để thu thuế đã làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục (hầu hết các trường phải đóng 100% thuế sử dụng đất).

Đồng thời, tạo lập môi trường bình đẳng về tài chính cho các trường ĐHTT như bình đẳng tiếp cận nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác, đầu tư thông qua người học theo cơ chế đặt hàng, hỗ trợ và cấp học bổng cho sinh viên học giỏi, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đại diện nhiều trường cũng cho rằng về cơ chế với ĐHTT vẫn còn nhiều điều cần phải tháo gỡ, như việc xem trường như doanh nghiệp, các quy định về đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị… còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau trong thực tế. Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đã có Luật Giáo dục ĐHTT từ rất lâu.

Tác giả: THANH HÙNG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

  Từ khóa: tư thục , Đại học

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP