Trong căn nhà cũ kỹ không một vật dụng đáng giá, chị Loan phải chạy vội sang nhà hàng xóm mượn tạm chiếc cốc để rót nước mời khách. Đôi mắt người mẹ nghèo ngấn lệ, chị nghẹn ngào: “Các chú có thương thì cứu lấy con em với chứ không để như thế này thi nó chết mất. Các bác sĩ bảo nếu muốn chữa được bệnh cho cháu thì phải phẫu thuật ghép thận hoặc thay ống niệu quản nhưng chi phí đến hơn 500 triệu đồng thì gia đình em không biết lấy đâu ra số tiền lớn đến như vậy”. Quay sang nhìn đứa con gái đang “chết mòn” từng ngày, những giọt nước mắt lại lăn dài trên đôi gò má người mẹ nghèo.
Em yếu lắm, hơi thở ngắt quãng vì mệt mỏi. Đôi mắt cô bé cố gắng nhìn cứ nhìn về phía chúng tôi như cầu cứu một điều gì đó.
Từ nhỏ Ngọc Trâm đã thường xuyên đau ốm, em hay đau ở hai phần hông và sốt cao, lại đái dầm nên chị Loan vội vã đưa con xuống BVĐK huyện Nghi Lộc để khám. Tại đây các bác sĩ cho biết cháu có thể bị hội chứng suy thận rồi giới thiệu lên BV nhi Nghệ An. Qua thăm khám bác sĩ kết luận, thận phải của Ngọc Trâm bị teo không có chức năng, thận trái bị giãn đài bế thận, ứ nước độ 3 niệu quản hai bên và viêm bàng quang cần phải được điều trị và phẫu thuật để chữa trị.
Thương con người mẹ nghèo chạy vạy vay mượn khắp nơi mong muốn giành lại sự sống cho đứa con gái bé bỏng. Cũng vì thế mà hai mẹ con hành trình đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong cả nước muốn để níu kéo sự sống cho con gái.
Cũng vì thế, toàn bộ tài sản trong gia đình cũng đội nón ra đi, số tiền vay mượn để chữa bệnh cho con nhiều đến lúc chị Loan không còn nghĩ đến việc mình có thể chi trả được số nợ trên. Ngoài việc chăm sóc đứa con gái đau ốm chị Loan còn phải phụng dưỡng người mẹ già là bà Nguyễn Thị Ngân đã gần 80 tuổi.
Tâm sự với PV, bà Ngân nghẹn ngào: “Giá mà tôi có thể thay nó (cháu Ngọc Trâm - PV) gánh lấy hết mọi bệnh tật, để tôi chết sớm đi cũng được chứ nhìn cháu đau đớn như vậy tôi không chịu được. Giá mà ông trời cho tôi được chết, được đổi lấy mạng sống cho cháu thì tôi sẽ không tiếc tấm thân già này một phút nào cả”.
Thương con, thương cháu bà Ngân cố gắng tằn tiện hái những mớ rau, bòn những nải chuối trong vườn đưa ra chợ bán mong kiếm thêm ít tiền mua thuốc cho cháu gái. Nhưng những đồng tiền ít ỏi, thấm đẫm mồ hôi của người bà đã gần 80 tuổi cũng chẳng thấm vào đâu so với số tiền điều trị của Ngọc Trâm.
Thu nhập của cả gia đình chỉ dựa vào 2 sào ruộng và những ngày công đi làm thuê của chị Loan. Thương con chị cố gắng làm lụng không quản khó khăn mệt nhọc, ai thuê gì là chị làm nấy không nề hà bất kỳ việc gì. Chỉ mong có tiền mua viên thuốc điều trị cho con, bởi nếu chỉ cần ngưng thuốc là tính mạng con chị có thể gặp nguy hiểm.
Nhắc đến người chồng của mình chị Loan buồn bã: “Sau khi tôi sinh con, cháu nó bị bệnh như vậy thì chồng tôi cũng sa vào rượu chè rồi đổ đốn bỏ mặc hai mẹ con mà đi. Nhiều lúc mong có được người chồng phần nào chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, cùng nhau cứu lấy con nhưng …”, nói đoạn chị Loan vội gạt những giọt nước mắt đắng đăng lăn dài trên đôi má gầy.
Không có tiền để tiếp tục đưa con đến bệnh viện điều trị, chị Loan đành phải ôm nó về nhà để chăm sóc. Ngọc Trâm không thể tự chủ trong quá trình đi vệ sinh nên hàng ngày chị Loan phải dùng ống để thông nước tiểu cho con. Mỗi chiếc ống thông nước tiểu có giá chưa đến 10.000 đồng, bác sĩ chỉ định 1 chiếc ống chỉ được dùng 1 lần, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên mỗi chiếc ống chị Loan thường dùng đến 5 lần
“Bác sĩ bảo, mỗi chiếc ống thông nước tiểu chỉ được dùng 1 lần nhưng không có tiền mua tôi phải luộc lại để dùng nhiều lần cho con, dù biết làm như thế là rất nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con nhưng …", giọng của người mẹ nghèo nghẹn lại.
Căn bệnh của Ngọc Trâm có thể được chữa trị, sức khỏe của em có thể hồi phục nếu em được tiến hành phẫu thuật thay ống niệu quản hoặc ghép thận. Nhưng nghĩ đến số tiền chi phí phẫu thuật quá lớn, con số hàng trăm triệu đồng khiến người mẹ nghèo cũng chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. “Chẳng lẽ không có tiền con em sẽ phải chết sao các anh?”, người mẹ nghèo nhìn sang chúng tôi với ánh mắt cầu cứu.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Phạm Thị Loan, trú tại xóm 1, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Số ĐT: 0977.787.619
Tác giả bài viết: Nguyễn Tình