Pháp luật

Cựu phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh tiếp tục hầu tòa

43/67 bị cáo và 4 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án nộp đơn kháng cáo, trong đó có bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh bị tòa sơ thẩm cáo buộc gây thất thoát hơn 330 tỉ đồng

Hôm nay, 22-4, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và Cục Thuế TP HCM.

Phiên xử được mở do có kháng cáo của 43/67 bị cáo và 4 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án (có Thuduc House); dự kiến kéo dài đến ngày 26-4.

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh chống gậy, được dìu vào phòng xử của TAND TP HCM

Trong 43 bị cáo kháng cáo, có Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (cựu tổng giám đốc Thuduc House; bị tuyên phạt 6 năm tù về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"); Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM; bị tuyên phạt 4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí").

Trong đó, cựu phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo cho rằng bản thân không có động cơ vụ lợi, thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, hiểu biết pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế từng thời kỳ. Mặt khác, hậu quả vụ án đã khắc phục 100% nên ngân sách nhà nước không bị thất thoát.

Với tư cách bị hại, Cục Thuế TP HCM cũng đã gửi công văn tới tòa cấp cao đề nghị cấp xét xử phúc thẩm giữ nguyên tình tiết đặc biệt mà HĐXX sơ thẩm đã xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Cụ thể, cấp sơ thẩm xác định số tiền 365 tỉ đồng mà Cục Thuế TP HCM đã hoàn thuế cho Thuduc House đã được chuyển cho Cục Thi hành án dân sự TP HCM, khắc phục hoàn toàn hậu quả vụ án.

Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP HCM cũng đã gửi công văn tới các cơ quan tố tụng, xác định rằng các công chức là bị cáo đã thực hiện đúng quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng theo chỉ đạo của các văn bản cấp trên. Cục Thuế đề nghị giảm nhẹ hình sự đối với các bị cáo là các cựu công chức của cơ quan này, vì đã có nỗ lực xuất sắc trong công tác, không vụ lợi trong việc phát hiện hành vi gian dối của doanh nghiệp.

Bản án sơ thẩm do TAND TP HCM xét xử xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Trịnh Tiến Dũng (SN 1973; đang bị truy nã quốc tế) chủ mưu.

Nội dung vụ án thể hiện, từ năm 2016 - 2020, Dũng điều hành nhiều công ty ở trong và ngoài nước để sản xuất linh kiện điện tử giả, hàng đã qua sử dụng nhưng mua bán lòng vòng, xuất khẩu ra nước ngoài, để được hoàn 538 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.

Dũng dùng các công ty "ma" để nhập khẩu trái phép 39 lô hàng trị giá hơn 72,5 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 5,2 tỉ đồng.Thông qua việc xuất khẩu hàng giả, hàng nhái, Dũng đã vận chuyển hơn 1.760 tỉ đồng ra nước ngoài và ngược lại, thu lợi bất chính 5,3 tỉ đồng phí dịch vụ.

Trong khoảng thời gian từ tháng 2-2018 đến tháng 6-2019, Dũng móc nối với cán bộ, lãnh đạo Thuduc House lập 19 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế, với tổng số tiền hơn 430,6 tỉ đồng.

Từ đó, Cục Thuế TP HCM ban hành 17 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng cho Thuduc House với tổng số tiền hơn 365,5 tỉ đồng.

Xem xét vụ án, HĐXX tuyên phạt 67 bị cáo về 10 tội danh: Buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản…

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường lại số tiền đã hưởng lợi từ hành vi phạm tội trong vụ án. Trong đó, người bị buộc bồi thường cao nhất là bị cáo Trần Nhất Thanh (nhân viên làm thuê của Trịnh Tiến Dũng), số tiền hơn 5 tỉ đồng.

Tác giả: Ý Linh

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP