Công Phượng hay Xuân Trường là những cầu thủ nổi tiếng nhất, gây sức hút mạnh nhất với người hâm mộ trong nước hiện giờ, nhưng các cựu binh như Công Vinh, Thành Lương mới chính là những điểm tựa về mặt tinh thần đối với đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Mà không chỉ có yếu tố tinh thần, Công Vinh hay Thành Lương đều là chỗ dựa về mặt chuyên môn cho các đồng đội. Đã ở tuổi 32, nhưng Công Vinh hiện vẫn là trung phong số 1 Việt Nam, vẫn là tiền đạo nguy hiểm nhất trong sắc áo đội tuyển, mà cả Đông Nam Á phải dè chừng.
So với thời vàng son hồi AFF Cup 2008, Công Vinh hiện giờ không nhanh bằng, không còn những pha tung nước rút thần tốc trong đoạn ngắn để vượt mặt hậu vệ đối phương. Tiền đạo số 1 Việt Nam cũng không còn các pha bật vọt như máy bay lên thẳng trong các tình huống không chiến, vì tuổi tác không cho phép Công Vinh thực hiện các động tác vừa nêu.
Công Vinh (9) vẫn là điểm tựa cho các đồng đội trẻ, dù đã 32 tuổi (ảnh: Trọng Vũ)
Nhưng Công Vinh vẫn đá rất tốt bằng kinh nghiệm, bằng nhãn quan chiến thuật ngày một tốt hơn, và bằng tinh thần khát khao chiến thắng hiếm thấy.
Kinh nghiệm giúp cho Công Vinh biết cách xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ ở các điểm nóng. Đấy chính là lý do mà dù không còn tốc độ cao, nhưng Công Vinh vẫn chiến thắng các hậu vệ Myanmar và Campuchia trong các pha chạy cắt mặt, để ghi 2 bàn thắng tại vòng bảng AFF Cup năm nay.
Và điểm đáng chú ý khác nơi đội trưởng đội tuyển Việt Nam là Công Vinh rất ít xử lý hỏng, làm hư các đường tấn công của đội tuyển. Bởi vậy, lối chơi của Công Vinh an toàn ở điểm ấy. Công Phượng có thể có những pha đi bóng làm say mê lòng người, nhưng Công Phượng cũng rất hay làm mất bóng, tạo điều kiện cho đối phương phản công bất ngờ, uy hiếp khung thành của đội tuyển Việt Nam, điều mà Công Vinh hiếm khi phạm phải.
Ở độ tuổi 32, Công Vinh đã có hầu hết các danh hiệu từ cá nhân cho đến tập thể mà một cầu thủ Việt Nam có thể vươn tới: Vô địch AFF Cup trong màu áo đội tuyển, vô địch V-League trong màu áo Hà Nội T&T và B.Bình Dương, 3 lần giành Quả bóng vàng Việt Nam, cầu thủ giữ kỷ lục ghi bàn cho đội tuyển quốc gia.
Thành quả đấy đến từ khát khao cống hiến không ngừng của Công Vinh. Đấy là điều mà các cầu thủ thế hệ sau có thể học ở anh, đi tìm khát khao cho từng người trong việc chinh phục AFF Cup 2016.
Thành Lương – Ngôi sao bình dị
Với Thành Lương, thời AFF Cup 2008, anh chưa phải là ngôi sao chắc suất đá chính trong màu áo đội tuyển như Công Vinh. Nhưng Thành Lương vẫn biết cách gây đột biến ở những thời điểm xuất hiện trên sân.
Thành Lương (11) vẫn đều đặn toả sáng, dù được đặt ở các vai trò khác nhau (ảnh: Trọng Vũ)
Dù cũng đầy kỹ thuật và có khả năng gây bùng nổ cực cao, nhưng thật kỳ lạ là Thành Lương không phải là tâm điểm của người hâm mộ như các ngôi sao thuộc thế hệ sau này, nhất là các ngôi sao xuất thân từ CLB HA Gia Lai.
Điều đó đến từ sự bình dị của Thành Lương cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Thành Lương vẫn là một tài năng lớn của bóng đá Việt Nam, vẫn là nhân vật được trọng dụng qua nhiều đời HLV khác nhau của đội tuyển: Từ Calisto (2008 – 2010), Phan Thanh Hùng (2012), Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Văn Sỹ (2013), Miura (2014 – 2015) và bây giờ là Nguyễn Hữu Thắng.
Một cầu thủ bằng tài năng có thể chinh phục nhiều đời HLV khác nhau như vậy thì hẳn cầu thủ ấy ổn định đến mức nào.
Thành Lương không thu hút các fan vì cuộc sống của Thành Lương có vẻ hơi bình lặng đối với một ngôi sao, chứ không có nghĩa đóng góp của cầu thủ này cho đội tuyển qua các thời kỳ ít ỏi.
Các đối thủ của đội tuyển Việt Nam nhiều năm qua hiểu rõ Phạm Thành Lương nguy hiểm như thế nào. Các đồng đội của trong đội tuyển hiểu rõ vai trò của Thành Lương quan trọng như thế nào.
Bất cứ vị trí nào trên hàng tấn công đội tuyển cần, Thành Lương cũng có thể đáp ứng, và đều chơi hay: Từ tiền vệ cánh trái, cánh phải, hộ công cho đến tiền đạo.
Đề chinh phục AFF Cup, đội tuyển Việt Nam cần dạng cầu thủ vừa có tài năng, vừa sẵn sàng đáp ứng bất cứ vai trò nào HLV yêu cầu, kể cả vai trò gây đột biến từ hàng ghế dự bị. Thành Lương chính là mẫu cầu thủ như thế.
Tác giả bài viết: Kim Điền
Nguồn tin: