Giáo dục

Cống Quỳnh và chuyện học tài thi phận

Không đỗ trạng nguyên nhưng với tài trí hơn người và tài đối đáp, Nguyễn Quỳnh thường được đồng nhất với nhân vật Trạng Quỳnh nổi tiếng thông minh trong truyện dân gian.

Nguyễn Quỳnh (1677 – 1748) là một danh sĩ thời Lê – Trịnh, quê ở làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Thuở nhỏ, Quỳnh học với ông nội và cha (vốn là giám sinh ở Quốc Tử Giám). Ông nổi tiếng thông minh, đĩnh đạc.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Quỳnh thi Hương và đỗ giải Nguyên. Tuy nhiên, học tài thi phận, đường thi cử của ông rất lận đận. Quỳnh nhiều lần thi Hội nhưng không đỗ.

Đời vua Lê Dụ Tông, triều đình bổ nhiệm Cống Quỳnh làm giáo thụ các huyện Thạch Thất, Phúc Lộc (Sơn Tây), rồi huấn đạo (chức quan coi việc học ở cấp phủ thời Lê) phủ Phụng Thiên ở kinh thành Thăng Long.

trang nguyen
Nhà thờ Nguyễn Quỳnh tại Thanh Hóa. Ảnh: Xuthanh.

Khoa thi năm 1718, thời chúa Trịnh Cương, ông đỗ hạng ưu kỳ thi Sỹ vọng, được thăng làm tri phủ Thái Bình rồi về làm Viên ngoại lang– một chức quan phụ trách việc ghi chép, không có thực quyền, ở Bộ Lễ.

Sau này, Cống Quỳnh bị giáng xuống chức Tu soạn ở Viện Hàn lâm, hàm chánh bát phẩm (giáng 3 bậc).

Như vậy, chức quan cao nhất của Quỳnh là tri phủ. Với chức này, ông hoàn toàn không thể đi sứ nước ngoài hay tiếp xúc nhiều với vua chúa. Đây là một trong những căn cứ để các nhà nghiên cứu xác định, Nguyễn Quỳnh không phải là Trạng Quỳnh.

Tuy nhiên, dân gian vẫn đồng nhất Quỳnh với ông trạng nổi tiếng. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn, việc đồng nhất hai nhân vật hoàn toàn có căn cứ.

Trong chuyên luận Trạng Quỳnh qua gia phả họ Nguyễn Thanh Hóa, ông viết: “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Cống Quỳnh hoàn toàn có đủ tư cách để trở thành khởi hình lịch sử của Trạng Quỳnh dân gian”.

Dù không đỗ đạt cao, Nguyễn Quỳnh thực sự là một danh sĩ học hành xuất sắc.

Tiến sĩ Trần Tiến - quan Thượng thư triều Lê, dành lời khen ngợi ông trong cuốn Đăng khoa lục sưu giảng: “Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ hữu nhị. Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam”. (Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ chỉ có hai người. Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ không có đến người thứ ba).

Sách Nam Thiên lịch đại tư lược sử cũng có những dòng đánh giá cao ông: “Nguyễn Quỳnh văn chương nổi tiếng ở đời, nói năng kinh người, thạo quốc âm, giỏi hài hước”.

Tác phẩm còn lại của Cống Quỳnh, gồm một số bài ký, văn tế mẹ, văn khóc em và hai bài phú, được chép trong tập Lịch triều danh phú. Đây là tuyển tập của các danh sĩ thời bấy giờ, tất cả đều đỗ đại khoa, chỉ có ông và Đặng Trần Côn đỗ Hương cống.

Ngày nay, Nguyễn Quỳnh được thờ tại nhà lưu niệm Trạng Quỳnh ở quê nhà Thanh Hóa.

Tác giả bài viết: Nguyễn Sương tổng hợp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP