Thể thao

Công Phượng chỉ toả sáng dưới bàn tay của... HLV Miura

Thời HLV Miura còn tại vị, rất nhiều người trách vị HLV người Nhật không khai thác hết tài năng của Công Phượng. Giờ, cũng trong mào áo đội tuyển quốc gia, hoá ra Công Phượng còn mờ nhạt hơn, dù người nắm đội tuyển là HLV Nguyễn Hữu Thắng được quảng cáo là chuộng lối đá đẹp.

Ấn tượng mà Công Phượng để lại tại AFF Cup 2016 cực kỳ nhạt nhoà, ngoài 3 tình huống đối mặt với thủ môn đội Malaysia ở vòng bảng, nhưng đều bỏ lỡ.

Phẩm chất kỹ thuật của Công Phượng gần như không thấy phát huy, những pha đi bóng lắt léo càng hiếm. Đấy có thể xem là chi tiết rất lạ dưới triều đại của một HLV vốn chuộng lối đá đẹp (hoặc được quảng cáo là như thế) như HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Xem Công Phượng thi đấu ở AFF Cup năm nay, người ta không khỏi suýt xoa giá như ngôi sao xuất thân từ HA Gia Lai đá được như anh từng đá năm ngoái, trong sắc áo các đội tuyển dưới thời HLV Miura.


Công Phượng lạc lỏng ở đội tuyển dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng (ảnh: Trọng Vũ)

Và cũng hoá ra, thời HLV Miura mới là thời điểm mà Công Phượng thi đấu hay nhất, thăng hoa nhất, đồng thời cũng khoa học nhất trong các giai đoạn trưởng thành đã qua của cầu thủ này, từ khi anh bước ra sân chơi đỉnh cao.

Đỉnh điểm cho sự thăng hoa đấy của Công Phượng là những màn trình diễn ấn tượng tại vòng loại U23 châu Á đầu năm 2015 và SEA Games trên đất Singapore được tổ chức vào giữa nă,.

Hồi đấy, rất nhiều người chỉ trích vị HLV người Nhật... không biết xài Công Phượng, nên không thể giúp Công Phượng phát huy hết khả năng. Tuy nhiên, qua những gì mà người ta vừa thấy hiện tại, dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, mới chợt nhận ra rằng chính HLV Miura mới có thể là HLV phù hợp nhất cho dạng cầu thủ đặc biệt như Công Phượng.


Không còn những lời nhắc của HLV Miura, lối chơi của Công Phượng có vẻ thiếu hợp lý hẳn (ảnh: Trọng Vũ)

Dưới trướng HLV Miura, Công Phượng biết cách lúc nào thì cần đi bóng đột phá, xộc thẳng vào hàng thủ đối phương, lúc nào cần giữ bóng thật lâu để giữ nhịp, và lúc nào thì cần đơn giản với chỉ 1 đường chuyền ngắn cho đồng đội, rồi di chuyển chiểm khoảng trống. Chi tiết quan trọng nằm ở chỗ, HLV Miura biết cách nhắc Công Phượng thời điểm nào và không gian nào thì cần làm gì.

Các HLV khác không nhắc được ngôi sao số 1 bóng đá Việt Nam hiện tại những điểm đấy. Thời thầy ruột Graechen Guillaume, Công Phượng thi đấu quá tự phát, trong khi đến thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, ngôi sao của HA Gia Lai gần như lạc lỏng giữa lối chơi chung của đội tuyển Việt Nam, vì bị bó quá chặt vào các công thức gần như đã được rập khuôn.

Kết quả là đội tuyển Việt Nam cũng gần như mất luôn ngôi sao về lý thuyết giỏi gây đột biến nhất, mất luôn ngôi sao có lẽ là được kỳ vọng nhiều nhất của bóng đá nội hiện tại. Giờ thì người ta càng thấy tiếc cho việc vội vã sa thải HLV Miura.

Vấn đề nằm ở chỗ, sau khi HLV Miura ra đi, câu chuyện gây tranh cãi nhất xung quanh cái tên Công Phượng thậm chí còn diễn biến tệ hơn lúc ông thầy người Nhật còn tại vị. Sau thời điểm HLV Miura ra đi, thành tích của bóng đá Việt Nam, lối chơi của đội tuyển Việt Nam cũng chẳng khá hơn, như những gì mà người ta đã chỉ trích ông Miura trước đó.

Tác giả bài viết: Trọng Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP