Trong nước

Công nhân tố lãnh đạo công ty than "bòn" tiền tỉ qua tài khoản lương

Theo tố cáo của các công nhân Công ty Than Hà Lâm, thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), bằng cách gửi tiền thông qua tài khoản chi trả lương của công nhân, lãnh đạo Công ty Than Hà Lâm "bòn rút" được số tiền từ 2 - 10 triệu đồng/công nhân/tháng.

Công nhân tố "độc chiêu" rút tiền của cán bộ

Cụ thể, theo tố cáo của các công nhân, hàng tháng Công ty cổ phần than Hà Lầm thường xuyên gửi tiền thông qua tài khoản chi trả lương của công nhân với mức từ 3 đến 10 triệu đồng/công nhân/tháng. Số tiền này được Công ty Than Hà Lầm gửi dưới danh mục như: thưởng đã lĩnh hoặc lương thưởng của các lãnh đạo (khoản tiền thêm ngoài tiền lương, thưởng hàng tháng của công nhân).

Công nhân tố cáo, sau khi rút tiền trong tài khoản, họ đều phải nộp lại "số tiền thừa" cho cán bộ nhưng lại phải ký là đã nhận đủ 100%. (Ảnh: cắt từ video clip).

Các công nhân cho biết, số tiền đó trên danh nghĩa là gửi cho họ nhưng thực tế, sau khi họ rút ra sẽ phải nộp lại phần lớn cho các tổ trưởng của các công trường. Các công nhân sẽ được hưởng khoảng 30 - 40% số tiền này nhưng đều phải ký nhận là đã lĩnh đủ 100%.

Những người tố cáo cho biết, khi họ thắc mắc thì được Phó Quản đốc và đại diện công đoàn công trường giải thích rằng “đó là tiền để cho anh em đi tham quan và quan hệ để cuối tháng được nghiệm thu mét lò đã đào”.

Các công nhân cho rằng: "Việc tố cáo của chúng tôi biết là sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi và có thể sẽ rất nguy hiểm nhưng chúng tôi muốn được làm việc trong môi trường trong sạch".

Theo một công nhân tên T. (công nhân nhà sàng thuộc Công ty than Hà Lầm- Vinacomin Quảng Ninh), tình trạng gửi tiền qua tài khoản lương công nhân nhưng thực chất lại về túi cán bộ đã diễn ra nhiều năm qua.

Công nhân T. cho biết, anh vào làm việc tại Công ty Than Hà Lầm được 3 năm nay thì từng ấy thời gian công ty đều có kiểu "bòn" tiền như vậy. Ví dụ, lương của T. trung bình mỗi tháng được 8 triệu đồng, nhưng đến kỳ lĩnh lương, tài khoản của anh sẽ báo khoảng từ 10 - 11 triệu đồng. Với khoản tiền dôi ra 2 - 3 triệu đồng, T. phải nộp lại 70% cho cán bộ Công ty Than Hà Lầm.

Cũng theo công nhân T., số tiền được gửi thêm vào tài khoản mỗi công nhân nhiều hay ít phụ thuộc vào mức lương của công nhân đó cao hay thấp.

T. cho biết, việc gửi tiền qua lương công nhân được tiến hành hàng tháng. Trung bình mỗi tháng có khoảng 2.000 công nhân được gửi lương. Việc gửi lương cũng luân phiên theo các phân xưởng khác nhau.

Theo cách tính của các công nhân, nếu mỗi công nhân chỉ nộp lại cho lãnh đạo công ty 2 triệu đồng, nhân lên con số hơn 2.000 công nhân, số tiền lãnh đạo công ty rút ra lên tới vài tỉ đồng/tháng.

Công nhân N.A.H (thuộc một trong những phân xưởng cơ bản) đã có 5 năm làm việc tại Công ty than Hà Lầm cho biết, hàng tháng công nhân được phát một tờ giấy to bằng bàn tay (gọi là tờ phơi – PV) vào thời điểm trước khi có lương thưởng. Trong tờ giấy này sẽ ghi rõ thông báo chi tiết lương, thưởng của công nhân đó cùng số tiền được nhận thêm, từ đó công nhân sẽ biết phải nộp lại bao nhiêu tiền.

Sẽ làm rõ thực hư tố cáo của công nhân

Công nhân tố cáo cán bộ Cty Than Hà Lầm bòn rút tiền thông qua tài khoản công nhân.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về những tố cáo nói trên, ông Phạm Văn Tác, Phó Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm toán và là người phát ngôn của Cty Than Hà Lầm, ghi nhận những thông tin từ phóng viên Dân trí gồm toàn bộ nội dung phương thức rút tiền như công nhân phản ánh; tên của các cán bộ đứng ra thu tiền của các công nhân. Ông Tác cho biết, ông sẽ cho kiểm tra toàn bộ thông tin tố cáo và sẽ trả lời cơ quan báo chí khi có kết quả.

Ông Tác cho biết, lãnh đạo Cty Than Hà Lầm không có chủ trương và chỉ đạo nào về việc “gửi tiền” như công nhân phản ánh. Ông Tác cũng khẳng định việc chi trả các khoản cho công nhân đều được thông qua việc thanh toán thẻ cấp cho công nhân. Mọi giao dịch giữa công nhân và tổ trưởng về các khoản tiền lương, thưởng… đều bất hợp pháp và trái quy định hiện hành của công ty.

Về tố cáo tổ trưởng thu lại tiền từ công nhân, ông Tác cho biết vì đơn vị quá đông, nhiều bộ phận nên cần có thời gian kiểm tra, rà soát, tập hợp và báo cáo lãnh đạo công ty, sau đó sẽ thông tin đến cơ quan báo chí.

Tác giả bài viết: Hồng Ngân - An Nhiên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP