Cảm thấy con mình hoàn toàn xứng đáng được khen thưởng nên khi con “trắng tay” chị khá bức xúc, hỏi cô giáo chủ nhiệm thì cô bảo khen thưởng kiểu mới nên ngoài điểm số còn căn cứ theo rất nhiều tiêu chí khác. Con được điểm tốt nhưng trong quá trình học tập và rèn luyện chưa có nhiều tiến bộ rõ nét thì cũng không được khen.
Giấy khen "Đạt danh hiện học sinh khen từng mặt" khiến phụ huynh ngơ ngác
Vừa năm học lớp 1 con được giấy khen đạt học sinh giỏi, cả nhà vui mừng phấn khởi. Năm học sau con vẫn đạt điểm tốt nhưng lại không được khen nên ai cũng buồn.
Chồng chị còn trách vợ không quan tâm đến việc học hành của con, buổi tối không kèm con ôn bài, để con vui chơi nhiều hơn học nên mới thế.
Buồn hơn nữa khi chị biết có nhiều bạn kết quả học tập kém hơn con nhưng vẫn được khen “có tiến bộ”. Dù sao cứ có giấy khen là nghiễm nhiên được công nhận là học sinh khá, giỏi rồi, xưa này chúng ta vẫn quen nghĩ như thế!
Thế nên, trong năm học này chị Quỳnh luôn chú ý nhắc nhở con phải biểu hiện thật tốt ở trên lớp như: Hăng hái giơ tay phát biểu ý kiến xây dựng bài, tích cực làm vệ sinh lớp học, lau bảng, hòa đồng với bạn bè…
Chị cũng thường xuyên gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm xem cô giáo đánh giá về con như thế nào để kịp thời điều chỉnh con tốt hơn.
Đầu năm học cô giáo nhận xét con tiếp thu bài khá nhanh nhưng còn ẩu, viết chữ xấu, chị liền ra sức chỉnh đốn, ngày ngày bắt con luyện viết chữ. Ngay cả chuyện ăn cơm và ngủ trưa ở lớp chị cũng phải dặn dò con phải biểu hiện thật tốt, ăn ngoan, ngủ ngoan, tự giác phục vụ bản thân để cô giáo không phải nhắc nhở.
Cuối năm, con hớn hở cầm tờ giấy khen về khoe với mẹ: Con được giấy khen rồi, mẹ có vui không? Chị chợt nhận ra dường như con đang nghĩ việc được giấy khen chỉ để làm vui lòng mẹ. Mẹ đã gây áp lực thành tích cho con?
Để đạt được giấy khen đó chị luôn phải là người đi sau thúc giục, khích lệ con chăm chỉ học hành, cặm cụi cùng con ôn toán, luyện văn trước kỳ thi cuối năm. Đôi lúc chị nghĩ, nếu cứ thoải mái để con “học ít thôi”, không cần làm bài tập về nhà để thực hiện việc giảm tải áp lực học hành thì liệu con có được thành tích này không? Người nên vui mừng nhất khi được nhận tấm giấy khen này lẽ ra phải là con mới đúng.
Con "hoàn thành xuất sắc", mẹ không cảm xúc
Chị Đặng Vân (Nam Định), một phụ huynh có con học lớp 1 cho biết, không có cảm xúc gì đặc biệt khi con được khen hoàn thành xuất sắc các môn học vì số lượng học sinh được khen thưởng trong lớp quá nhiều. Vừa trải qua năm đầu tiên đi học còn nhiều bỡ ngỡ mà lớp toàn học sinh xuất và hoàn thành tốt khiến chị có cảm giác con mình được khen theo phong trào hơn là đánh giá thực chất.
Nguyên nhân khiến chị nghĩ như vậy là vì chị nhận thấy chỉ có môn Toán con thực sự học tốt, còn môn tiếng Việt thì chưa ổn, chữ viết còn nguệch ngoạc. Nếu đánh giá đúng thực lực của con mình nghĩ sẽ không đạt được giấy khen xuất sắc đâu, chữ viết xấu lắm - Chị Vân chia sẻ.
Ngoài ra việc khen thưởng quá nhiều, khen thưởng dựa trên cả những tiêu chí mang tính định tính như năng lực, phẩm chất, căn cứ theo bình bầu của các học sinh trong lớp... khiến chị cảm thấy việc khen thưởng không thực sự khách quan.
Chị Hoài Anh (Hoài Đức, Hà Nội) cũng là phụ huynh lần đầu tiên có con học lớp 1. Nhận tờ giấy khen của con chị còn thắc mắc với đồng nghiệp: Hoàn thành tốt là xếp loại học sinh giỏi hay tiên tiến nhỉ? Rõ ràng giấy khen bây giờ cũng có sự phân chia thành các cấp bậc: xuất sắc, tốt, hoàn thành, thì có khác gì việc học sinh giỏi, tiên tiến trước đây đâu.
Theo chị, cách khen thưởng này chỉ làm rắc rối vấn đề hơn, trong khi bản chất việc khen thưởng vẫn thế. Có bạn được khen xuất sắc, có bạn được khen tốt, có bạn hoàn thành và có bạn không được khen bất kỳ nội dung gì dù đã rèn luyện, phấn đấu suốt cả năm.
Như vậy, vẫn tồn tại sự phân biệt trong các học sinh, vẫn có những em sung sướng được mọi người khen ngợi và những em không vui vì bị bố mẹ chê trách.
Còn về cảm xúc khi con nhận được giấy khen, chị nói: Đương nhiên là có vui và tự hào vì đây là năm học đầu tiên của con. Tuy nhiên, chị vẫn cho rằng việc khen thưởng chỉ có tính tương đối, phụ huynh không thể căn cứ vào đó để khẳng định con mình học giỏi được. Cha mẹ phải dành thường xuyên quan tâm, kiểm tra việc học của con để hiểu được con đang ở mức độ nào.
Tác giả bài viết: Quyên Đỗ