Kinh tế

Cổ phiếu vốn hóa lớn kéo VN-Index tăng tiếp hơn 7 điểm

Đà tăng mạnh phiên đầu tuần được nối dài sang hôm nay nhưng chỉ còn tập trung ở nhóm bluechip.

Chốt phiên giao dịch hôm nay (4/12), VN-Index tăng 7,25 điểm (tương đương 0,76%) lên gần 959 điểm. VN30-Index, chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, tăng 5,74 điểm (0,62%) lên 927,46 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,23%, trong khi UPCOM-Index tăng 0,57%.

Phiên tăng điểm hôm nay nối dài đà tăng của thị trường sau phiên bứt phá đầu tuần, tuy nhiên diễn biến thực tế cho thấy mức độ hứng khởi của nhà đầu tư không còn được duy trì như phiên trước.

Mặc dù thanh khoản vẫn giữ ở mức cao, đà tăng lại phụ thuộc chính vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn như Vinamilk hay Masan. Trong khi đó, giá các hợp đồng tương lai tiếp tục kéo dãn sự chênh lệch với thị trường cơ sở khi âm gần 15 điểm với những kỳ hạn ngắn.

VN-Index tiếp tục duy trì sắc xanh nhưng biên độ giao dịch đã rộng hơn và chịu nhiều thách thức. Ảnh chụp màn hình bảng giao dịch VNDirect

Không còn giữ trạng thái tăng liên tục từ khi mở cửa đến lúc khép phiên như hôm qua, phiên hôm nay mở cửa với trạng thái tích cực nhưng ngay sau đó đã bị áp lực chốt lời đè chỉ số giảm về gần tham chiếu. Thị trường giao dịch trong trạng thái thận trọng đến hết phiên sáng và chỉ tăng mạnh khi bước vào giữa phiên chiều. Tuy nhiên đà tăng bị chững lại lúc đóng cửa.

Điểm sáng trong phiên hôm nay tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Cổ phiếu VNM của Vinamilk đến cuối phiên tăng 2.900 đồng, VHM của Vinhomes tăng 4.300 đồng, MSN của Masan tăng 1.900 hay VRE của Vincom Retail tăng 1.350 đồng. Theo tính toán của VNDirect, bốn cổ phiếu này đóng góp 5,11 điểm vào mức tăng chung của VN-Index trong phiên hôm nay.

So với phiên tăng mạnh hôm qua, độ rộng của thị trường đã thu hẹp và cân bằng giữa bên mua và bán. Đến chốt phiên, trên sàn HoSE có 137 cổ phiếu tăng nhưng tới 153 mã giảm. Trong rổ VN30, trạng thái cân bằng cũng là chủ đạo khi ghi nhận 14 cổ phiếu tăng nhưng có 12 mã giảm. Một số nhóm cổ phiếu tăng mạnh phiên hôm qua như ngân hàng, thép, dầu khí đã thu hẹp đà tăng hoặc đảo chiều giảm nhẹ vào cuối phiên.

Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 6.000 tỷ đồng, tương đồng với phiên đầu tuần nhưng giá trị giao dịch thực tế trên sàn HoSE lại giảm do lượng giao dịch thỏa thuận tăng mạnh. Riêng cổ phiếu TCB của Techcombank có lượng giao dịch thỏa thuận tại mức giá sàn hơn 500 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, dấu hiệu thận trọng càng lộ rõ khi biến động giá các hợp đồng tương lai thiên về xu hướng giảm. Giá hợp đồng tương lai tháng 12 có lúc chênh hơn 20 điểm so với thị trường cơ sở. Đến cuối phiên, các hợp đồng chính ghi nhận mức âm gần 15 điểm so với chỉ số VN30-Index trên thị trường.

Những dấu hiệu này đang cho thấy trạng thái thận trọng gia tăng, áp lực chốt lời ngắn hạn sau phiên hôm qua đã xuất hiện và tạo áp lực lên chỉ số. Biến động của thị trường trong ngắn hạn được dự báo trở lại trạng thái đi ngang trước khi xác định được xu hướng rõ ràng.

Tác giả: Minh Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: VN-Index , cổ phiếu

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP