Chắc chắn HLV Riedl chẳng lạ gì Hữu Thắng. Vì, Tiger Cup 1998, trong lần đầu tiên đến Việt Nam hành nghề, ông từng cầm lứa cầu thủ của Hữu Thắng, Hồng Sơn, Huỳnh Đức..., và hiểu được những cái hay, những góc khuất mà người thường không dễ thấy của lứa cầu thủ đặc biệt này.
Vì, JVC Cup 2003, trong lần trở lại Việt Nam, ông lại cùng Hữu Thắng (khi đó bắt đầu cuộc đời huấn luyện viên ở Sông Lam Nghệ An) tham dự JVC Cup - một giải tập huấn trước thềm SEA Games.
HLV Nguyễn Hữu Thắng có một phong cách khác xa người thầy cũ Riedl. Ảnh: H.M.
Giải ấy, trong khi Riedl ngao ngán với một hàng thủ vừa đá vừa mở toang cửa thành, và sau này giận một trung vệ đến nỗi không thèm quay mặt lại khi trung vệ này chào từ biệt thì trái lại, Hữu Thắng bay bổng với một hàng công Sông Lam nổ súng đều đặn, và đi một lèo tới ngôi vô địch.
JVC Cup năm ấy chính là điểm nhìn, là thước ngắm đầu tiên cho thấy sự khác biệt một trời một vực giữa phong cách cầm quân của Riedl và Hữu Thắng.
Nếu Riedl lớp lang với từng buổi tập, từng phương án chiến thuật được thiết kế theo kiểu "chuẩn ISO" thì Hữu Thắng lại dụng binh dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm của một người đã từng nhiều năm sắm vai "trung vệ thép".
Nếu Riedl thuộc mẫu "ông giáo", lại là "ông giáo" kiểu Âu, nhiều lúc chủ động tạo khoảng cách với học trò thì Hữu Thắng lại sống cùng học trò như một người anh lớn.
Cho đến tận lúc này, lứa cầu thủ U.23 Việt Nam tham dự SEA Games 24 năm 2007 tại Korat (Thái Lan) vẫn hay nhắc đến chuyện trong khi cả đội phải ở tại một làng vận động viên thiếu thốn mọi bề thì Riedl cứ nằng nặc đòi VFF phải thuê cho mình một khách sạn xịn, cách đó chừng 30km.
Năm đó Đội tuyển U.23 Việt Nam thất bại, Riedl bị cách chức, và những người thạo việc hiểu rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân nằm ở cái khoảng cách mà ông thầy - ông giáo châu Âu chủ động tạo ra với các học trò.
Thế mới có chuyện không phải lúc nào Riedl cũng thực sự hiểu các học trò và làm chủ được phòng thay đồ, nhưng ngược lại, các đội bóng của Hữu Thắng, từ Sông Lam Nghệ An đến Đội tuyển Việt Nam (ít nhất cho tới lúc này) đều tạo cho người ta cái cảm giác ghế thầy bốn chân, các cầu thủ chẳng nắm chân nào cả.
Ở phương diện chuyên môn thuần tuý, trong khi Riedl mê mẩn sơ đồ 4-4-2 với những bài chồng cánh - đánh biên đã trở thành thương hiệu lặp đi lặp lại từ Việt Nam qua Lào đến Indonesia thì Hữu Thắng lại ưa các sơ đồ 4-1-4-1 hoặc 4-4-1-1 với những pha phối hợp nhỏ, giàu kỹ thuật.
Trong khi Riedl luôn đóng chốt bộ khung đội hình ngay từ khi lên danh sách tập trung, và suốt quá trình dài tập trung chỉ dồn mọi tâm huyết của mình vào các "phương án 1" thì Hữu Thắng lại hiểu, bên cạnh những "phương án 1" luôn cần và rất cần những phương án 2, 3.
Khi chỉ đạo trận đấu, Riedl thường sử dụng một khẩu ngữ ôn tồn - cái khẩu ngữ rất phù hợp với dáng vẻ của một "quý ông", còn Hữu Thắng lại điển hình cho mẫu tướng quân sẵn sàng tung ra một quân lệnh thép bất cứ lúc nào.
Nói một cách hình ảnh, nếu Riedl là nước thì Hữu Thắng là lửa, Riedl mềm mại trung dung thì Hữu Thắng gai góc, xù xì.
Bây giờ thì hai thầy trò - hai đồng nghiệp - hai huấn luyện viên vốn thuộc về hai thế giới lại chuẩn bị sắp quân cờ đấu trận. Cái trận mà với Riedl rất có thể sẽ là trận đánh cuối cùng của một đời cầm quân gắn chặt với những lần về nhì định mệnh, còn với Hữu Thắng, có thể sẽ là cái trận mở ra nhiều trang mới.
Thú vị trận đánh này!
Một ý nghĩa hoàn toàn khác Thời còn là cầu thủ, Hữu Thắng cùng thế hệ của mình đã lần lượt trải qua các đời thầy ngoại Weigang, Conlin Murphy, Riedl..., trong đó thời Con Murphy, tại SEA Game trên đất Indonesia, Hữu Thắng đã được tin tưởng trao băng đội trưởng. Nhà cầm quân xứ Nghệ cho biết, quá trình làm việc với các HLV ngoại đã giúp mình trưởng thành khá nhiều, không chỉ về kỹ năng đá bóng, mà còn trong nhận thức chiến thuật - yếu tố quan trọng để trở thành một HLV. Trong cuộc tái ngộ thầy Riedl trên tư cách hai người đồng nghiệp, Hữu Thắng có một trận hoà, một trận thắng, nhưng xét cho cùng đấy chỉ là những kết quả giao hữu, không có nhiều ý nghĩa. Cuộc gặp gỡ tới đây ở bán kết AFF Cup sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn khác. (Ngọc Anh) |
Thuyền trưởng Myanmar tin vào điều thần kỳ trước Thái Lan Sau chiến thắng 1-0 trước Malaysia, đồng chủ nhà Myanmar đã chính thức đứng nhì bảng B, cùng Việt Nam vào bán kết. Tuy nhiên, không nhiều người tin là Myanmar có thể vượt qua vòng bán kết khi đối thủ của họ là Thái Lan - đội toàn thắng cả 3 trận ở bảng A, và đã thể hiện một sức mạnh vượt trội so với trình độ chuyên môn chung của làng cầu Đông Nam Á. Vậy mà HLV trưởng Myanmar, ông Gerd Zeise lại hùng hồn bảo: "Chúng tôi đang thi đấu rất tốt, và chúng tôi sẽ tận dụng triệt để lợi thế sân nhà ở trận bán kết lượt đi để đánh bại Thái Lan". Chắc chắn Gerd Zeise muốn "lên giây cót" tinh thần cho các học trò trước một trận đấu được dự đoán sẽ là trận đấu khó nhất của Myanmar kể từ đầu giải. Trong quá khứ, ở SEA Games những năm 1993, 1995, Myanmar luôn là một đối thủ cực kỳ khó chịu và đáng sợ của Thái Lan. Nhưng trong khoảng 15 năm trở lại đây, cứ hễ đụng Thái Lan là Đội tuyển Quốc gia và Đội tuyển U.23 Myanmar lại phải chịu những thất bại nặng nề. Dư luận, báo giới Myanmar đang kỳ vọng, lần này HLV người Đức Gerd Zeise sẽ giúp đội bóng của mình tạo nên điều thần kỳ trước Thái Lan. Trận bán kết lượt đi giữa hai đội sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng 12. (Tuấn Thành) |
Tác giả bài viết: Phan Đăng
Nguồn tin: