Giáo dục

Cô gái làng chài ước mơ làm chiến sĩ công an

Một năm ở nhà ôn thi, có những đêm Yến chỉ ngủ được vài tiếng rồi 4h sáng thức dậy phụ giúp công việc với bố mẹ. Lần "vượt vũ môn" thứ hai, em đạt 28,5 điểm, tràn đầy cơ hội trúng tuyển vào Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an nhân dân.

Phạm Thị Yến (cựu học sinh lớp 12 Toán trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) lần thứ hai tham dự kỳ thi THPT quốc gia với ước mơ trở thành chiến sĩ công an. Kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái Yến được 27 điểm, không đủ vào Học viện Cảnh sát Nhân dân. Với quyết tâm trở thành chiến sĩ công an, em ở nhà ôn luyện và năm nay thi lại với 28,5 điểm khối A (Toán 9,25, Vật lý 7,4, Hóa học 9,4).

Yến là con gái út trong gia đình có ba anh chị em ở xã Thạch Châu, huyện miền biển Lộc Hà (Hà Tĩnh). Cô gái có dáng người cao, khuôn mặt xinh xắn, nụ cười duyên luôn thường trực trên môi. "Khi thi xong, em nhẩm tính được số điểm này. Ngày biết kết quả bản thân không bất ngờ lắm, em vào chia sẻ với bố mẹ và gọi điện thông báo cho anh trai đang đi làm ăn xa", Yến kể.

Giống như những đứa trẻ ở làng chài, Yến trải qua tuổi thơ lam lũ. Gia đình em sống trong căn nhà nhỏ cấp 4 nằm sát bờ biển Cửa Sót, thu nhập chính dựa vào 4 sào ruộng và những chuyến mò ngao, bắt ốc của bố mẹ. Gần đây, ông Phạm Xuân Thu (bố Yến) mắc bệnh viêm gan, người mẹ bị u vú.

IMG 0928 JPG 3424 1469445265
Yến luôn ước mơ khoác lên mình chiếc áo của chiến sĩ công an. Ảnh: Đức Hùng

Từ ngày học trường THPT chuyên Hà Tĩnh, Yến tự nhủ phải học thật tốt để sau này đỡ đần cho bố mẹ. Quyết định chọn những ngôi trường công an, quân sự cũng xuất phát từ nhiều yếu tố. Ngoài yêu thích sự nghiêm trang, tính kỷ luật của lực lượng vũ trang, Yến còn muốn học ở một trường đại học nào để bố mẹ đỡ lo lắng về khoản chu cấp, ra trường có công việc ổn định.

Sau lần "vượt vũ môn" không thành công khi thiếu điểm vào Học viện Cảnh sát Nhân dân, kỳ thi năm nay Yến dự định nộp đơn vào Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an nhân dân. "Năm ngoái trường lấy 27,25, với việc được cộng thêm 0,5 điểm vùng ưu tiên thì em có cơ hội đậu cao", Yến chia sẻ.

Trong một năm ở nhà ôn thi, cựu sinh trường THPT chuyên Hà Tĩnh chỉ đi học thêm vài buổi, sau đó ở nhà tự ôn kiến thức trong sách và trao đổi bài tập với bạn bè. Hàng ngày em học khoảng 8 tiếng, thời gian rảnh rỗi thì phụ giúp bố mẹ công việc nhà. Những lúc căng thẳng em thường đọc sách, nghe nhạc để bớt áp lực.

13839961 1010693319043922 1758 5324 7749 1469445266
Phạm Thị Yến (giữa) và các bạn cùng lớp chụp hình kỷ yếu. Ảnh: NVCC

Ngồi cạnh con gái, bà Nguyễn Thị Lĩnh (49 tuổi, mẹ Yến) vẻ mặt trầm tư xen lẫn tự hào. Bà Lĩnh tâm sự vì bố mẹ thường xuyên đau yếu, do vậy thời gian ôn thi Yến vẫn phải gánh vác công việc nhà. Có hôm học đến 1h sáng, đến 4h sáng em đã phải thức dậy đi cấy, đi gặt phụ gia đình.

"Gia đình nhiều năm là hộ nghèo của xã, nếu con gái học trường ngoài vợ chồng tôi không kham nổi", bà Lĩnh nói và thông tin việc cô út chọn trường công an cũng là để sau này có một công việc ổn định, lo lắng được nhiều hơn cho bố mẹ.

Từng là giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Hà Tĩnh, thầy Lê Phi Hùng đánh giá Yến là học sinh trầm, "chậm mà chắc", luôn học đều tất cả môn. "Cách học của Yến rất an toàn, tư duy tốt và ý thức tự giác rất cao", thầy Hùng nói.

Nói về những dự định sắp tới, Yến cho hay dù học trường nào cũng luôn cố gắng nỗ lực để cống hiến, không phụ lòng mọi người. "Trước mắt em chờ đợi kết quả công bố điểm các trường đại học, ao ước khoác lên mình chiếc áo của chiến sĩ công an vẫn luôn thường trực trong suy nghĩ của em", Yến nhoẻn miệng cười nói.

Tác giả bài viết: Đức Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP