Ngày 4-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp (DN), nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004 - 13.10.2024).
Cần những "cánh chim đầu đàn"
Hiện cả nước có hơn 930.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Mở đầu cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển cả về số, chất lượng; một số DN phát triển tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. "Không có những doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước không thể thịnh vượng" - Thủ tướng khẳng định.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện các DN chia sẻ về tình hình hoạt động; kiến nghị, đề xuất, tham mưu, hiến kế cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ tốt hơn cho DN phát triển; xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Chia sẻ câu chuyện kinh doanh tại các thị trường quốc tế, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), mong muốn Đảng, Nhà nước có chiến lược về đầu tư ra nước ngoài; xây dựng các "cánh chim đầu đàn" và giao nhiệm vụ cho DN vươn mình ra thế giới; tiếp tục thúc đẩy ngoại giao kinh tế, hỗ trợ DN tự tin đầu tư ra thế giới.
Đưa ra nhiều hiến kế tâm huyết trước người đứng đầu Chính phủ, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả. Ngoài ra, đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế để hỗ trợ thị trường vốn Việt Nam phát triển đa dạng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, lĩnh vực y tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh chóng với nhiều đóng góp quan trọng cho ngành y tế nói chung. Tuy nhiên, quy định pháp luật về đầu tư y tế tư nhân vẫn còn chồng chéo, không nhất quán trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, chính sách sử dụng đất đai. Do đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ.
|
Kiến tạo môi trường thông thoáng
Phát biểu kết luận, Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng và tự hào về doanh nhân, DN Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh, trưởng thành và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Theo Thủ tướng, sau 20 năm kể từ khi có ngày Doanh nhân Việt Nam, cộng đồng DN Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số DN thành lập mới không ngừng gia tăng. Nhiều DN, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Chúng ta cũng đã và đang hình thành các DN dân tộc, tập đoàn kinh tế quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH...
Thời gian tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho DN, doanh nhân. Cùng với đó là phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện để giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị DN, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong để phát triển lớn mạnh cùng đất nước. Đó là tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực); tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo; tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiên phong xây dựng quản trị DN hiện đại; tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh, có nhiều DN dân tộc hùng mạnh, thể hiện tình yêu đất nước bằng những hành động cụ thể, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cam kết đồng hành với doanh nghiệp Ngày 4-10, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, chủ trì hội nghị đối thoại, tiếp xúc DN, ngành hàng đầu tư trong nước. Đại diện các hiệp hội, ngành hàng trong tỉnh Bình Dương nhìn nhận tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, không ít DN đang đối mặt những khó khăn, thách thức. Các thách thức bao gồm sự cạnh tranh gay gắt, giảm giá đơn hàng từ 10%-25% và các yêu cầu khắt khe về phát thải carbon thấp nhằm đạt mục tiêu Net Zero trong chuỗi cung ứng. Những yếu tố này đã làm tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận của các DN. Nêu lên những khó khăn của DN ngành da giày, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương; ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương,... kiến nghị cần có nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách cơ cấu nợ, gia hạn nợ để giúp DN có nguồn vốn duy trì sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ... Chia sẻ khó khăn, thách thức mà DN đang đối mặt, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với DN, lắng nghe và giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển. Ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu lãnh đạo sở, ngành, cơ quan nhà nước đề cao trách nhiệm, kịp thời giải quyết khó khăn của DN; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, đồng tâm hiệp lực cùng DN, doanh nhân để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững hơn. N.Thảo |
Tác giả: Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người Lao động