Cuộc sống

Chuyện mẹ chồng "mắng" con dâu cổ hủ, "cấm" xuống bếp

Nàng dâu được mẹ chồng thương yêu, chăm chiều như con đẻ… những câu chuyện tưởng lạ ấy lại đang gặp không ít trong cuộc sống ngày nay.

Cấm” con dâu làm việc nhà

Hải Linh (SN 1993, Yên Bái) chia sẻ, cô và chồng quen nhau cách đây 7 năm, khi đó cô đang học cấp 3 còn chồng cô - Thanh Bình (SN 1989, Yên Bái) đang ôn thi đại học.

Vì gia đình Hải Linh ở thành phố, bố mẹ cũng có chút của ăn của để, còn nhà Thanh Bình lại ở quê, bố mẹ làm nông nên đôi lần Bình muốn chia tay vì sợ có khoảng cách. Thế nhưng, Hải Linh vẫn một mực động viên Thanh Bình cùng cố gắng vượt qua. Và rồi, sau vài lần chia tay, họ quay lại và tổ chức kết hôn.

Hải Linh nhớ lại: “Dù biết nhà chồng nghèo nhưng với tôi điều đó không quan trọng. Điều tôi lo lắng nhất khi đó là cuộc sống với gia đình chồng. Dù thế, những ngày đầu làm dâu, mẹ chồng là người ở bên, động viên, chăm sóc tôi hết mực. Đáp lại sự ân cần của mẹ, tôi từ bỏ thói quen ngủ nướng để dậy từ 5h phụ giúp bố mẹ”.

Rồi Hải Linh mang bầu. Đó là những ngày Linh cảm nhận được rõ nét sự quan tâm của mẹ chồng- bà Đoàn Thị Nhạn (SN 1966) dành cho mình.

“Mẹ chồng tôi rất thương con dâu, đặc biệt từ ngày tôi mang bầu, mẹ không để tôi làm bất kỳ việc nặng nào. Chưa kể, mỗi buổi sáng mẹ đều dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho con dâu. Hôm thì bát cháo, hôm thì quả trứng,... Bạn bè tôi nghe kể, ai cũng khen tôi sướng, khi đó tôi rất hạnh phúc và đùa lại mọi người tôi có bà “mẹ chồng quốc dân” xịn.

Hải Linh hạnh phúc bên chồng và con gái (Ảnh: NVCC).

Có những điều mà khi nói ra không ai tin, mẹ chồng Hải Linh còn “cấm” con dâu xuống bếp làm những việc nặng nhọc. Nhiều đêm, Hải Linh đang ngủ, mẹ chồng lại gõ cửa gọi cô dậy đưa bát bún, tô cháo để cô ăn cho ấm bụng.

“Ngày tôi ở cữ, tối tối bà lại bế cháu sang phòng ông bà để con dâu ngủ. Bà dặn: “Con mới sinh cần ngủ nhiều để mau lại sức”, chỉ khi bé đòi bú bà mới bế con sang. Rồi mẹ thay đổi thực đơn để tôi không bị ngán. Ngay cả thuốc lợi sữa mẹ chồng cũng tự tay đun nấu, mang đến tận phòng cho tôi. Nhiều lúc thấy mẹ vất vả, tôi thương mẹ rất nhiều”.

Ngay sau những dòng tâm sự của Hải Linh, cô gái trẻ Lê Vy (SN 1994, Bắc Ninh) cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Lê Vy và chồng là Võ Tá Đạt (SN 1988) cưới nhau được 3 năm nay. Chồng Vy là người Hoài Đức (Hà Nội).

“Tôi làm nhân viên hành chính cho một công ty ở Bắc Ninh, sau ngày cưới, bố mẹ chồng xin cho tôi công việc mới để tôi về gần nhà, gần chồng. Mới đầu, khi sống cùng bố mẹ chồng tôi sợ lắm, bởi nhiều người nói với tôi bố mẹ chồng tôi rất nghiêm. Nhưng khi về sống cùng, tôi mới nhận ra, bố mẹ chồng tôi rất dễ tính, đặc biệt là mẹ chồng, bà thương con dâu hết mực”, Vy kể.

Không chỉ hỗ trợ con dâu công việc nhà, mẹ chồng Vy- bà Nguyễn Thị Hà (SN 1960) còn rất gần gũi, thân thiện. Từ ngày có cô sống cùng, chiều nào bà cũng rủ cô cùng tập thể dục. Chưa kể, cuối tuần, bà thường dẫn cô ra Hà Nội mua sắm quần áo, đi xem phim... Có mẹ chồng xì tin như thế Vy hạnh phúc vô cùng.

Vy kể: “Mẹ hay đùa tôi là cổ hủ, lúc nào cũng “kín cổng cao tường”. Từ ngày về nhà mẹ chồng, tôi trẻ trung và điệu hẳn lên. Hơn 3 năm nay, quần áo của tôi đều do mẹ chồng mua”.

Vy cho biết, mỗi lần đi du lịch về mẹ chồng lại mua cho con dâu đủ thứ, đặc biệt là quần áo và phụ kiện thời trang. Biết hàng ngày con dâu bận việc cơ quan, nên ở nhà bố mẹ chồng cô tranh thủ làm việc nhà, ngay cả cơm tối của gia đình, hơn 3 năm qua, rất ít khi Vy phải vào bếp để chuẩn bị.

Yêu thương là thấu hiểu!

Với Vy, hạnh phúc là thế nhưng cuộc sống mẹ chồng nàng dâu vẫn không tránh khỏi những va chạm nhỏ. Những khi mẹ chồng nóng, Vy vẫn tự nhủ bản thân phải im lặng lắng nghe và đặc biệt không được cãi lại.

“Ngày trước, khi bố mẹ khuyên chuyển công tác về Hà Nội, mới đầu, tôi không muốn sống cùng nên hai mẹ con cũng có những cuộc điện thoại tranh luận nảy lửa. Đặc biệt, khi mẹ tìm sẵn một công việc mà không hỏi ý kiến, tôi đã khóc và buồn tủi nhiều. Còn chồng tôi, anh luôn miệng phân tích hãy hiểu cho mẹ và nói mẹ làm thế là tốt cho chúng tôi”.

Mẹ chồng Hải Linh vui vẻ bên cháu nội (Ảnh: NVCC).

Sau đợt đó, mẹ vẫn thường xuyên gọi điện quan tâm tôi. Để tôi hết buồn mẹ còn xuống tận Bắc Ninh trò chuyện. Khi đó, tôi dần hiểu ra điều tốt đẹp mà mẹ làm cho mình và tôi đã thuận theo lời mẹ chuyển về Hà Nội. Từ đó, mẹ chồng - nàng dâu sống khá vui vẻ, hòa hợp.

Vy kể thêm, mẹ khá nghiêm khắc với con trai. Với nhiều gia đình, con trai không được xuống bếp rửa bát, nấu cơm nhưng gia đình Vy thì trái ngược hoàn toàn.

“Mẹ chồng tôi khuyến khích đàn ông nên vào bếp nấu nướng, rửa bát và phơi quần áo để hiểu hơn sự vất vả của phụ nữ. Vì thế, cuối tuần nào tôi và mẹ cũng được đi mua sắm, còn bố chồng, chồng tôi và em chồng thì ở nhà nấu nướng. Dù thế, không khí trong gia đình tôi lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc”, Vy hạnh phúc chia sẻ.

Trở lại câu chuyện của Hải Linh, sau khi bé tròn 2 tuổi, vợ chồng cô chuyển về nhà ngoại ở thành phố sống để thuận lợi cho công việc. Sống xa bố mẹ chồng, Linh ít nhiều có những trăn trở. Không chỉ nhớ, quen với nếp sống sinh hoạt ở nhà chồng mà Linh luôn thấy thiếu vắng một người luôn dìu dắt, chỉ bảo cho cô từ những điều nhỏ nhặt nhất.

“Hơn 2 năm sống cùng mẹ, tôi cảm thấy mẹ thật thân thương, gần gũi. Giờ đây, khi cuối tuần rảnh rỗi, tôi lại về thăm bố mẹ. Mỗi lần thấy tôi về, mẹ luôn chuẩn bị thật nhiều quà cho chúng tôi mang lên thành phố”, Hải Linh chia sẻ.

Nói tới đây, nàng dâu thành phố có chút nghẹn ngào. Cô nói, cô thương bố mẹ chồng rất nhiều nên cô và chồng cũng có dự định khi nào thuận lợi về thời gian, ổn định về kinh tế sẽ cùng bố mẹ chồng đi du lịch. Với Linh, đó là những suy nghĩ cô luôn ấp ủ và cô cảm thấy hạnh phúc vì gia đình đã cho cô động lực để cô luôn cố gắng trong cuộc sống.

Tác giả: Thanh Bình

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: xuống bếp , mẹ chồng , con dâu

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP