Đầu giờ buổi thi môn Vật lý kỳ thi THPT quốc gia 2016, thầy giáo Lê Ngọc Thức, GV trường Nguyễn Hiền nhận nhiệm vụ là một trong hai giám thị coi thi ở phòng thi “đặc biệt” tại điểm thi trường CĐ Phương Đông (Đà Nẵng).
Gọi là phòng thi đặc biệt bởi chỉ có duy nhất một thí sinh dự thi. Phòng thi này được bố trí riêng cho em Mai Văn Hiền – HS khiếm thị, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng) - dự thi. Dù đã được Sở GD&ĐT xét đặc cách tốt nghiệp nhưng em vẫn đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia với 3 môn thi Toán, Lý, Hóa để lấy điểm xét tuyển ĐH.
Để tạo điều kiện cho Mai Văn Hiền dự thi được tốt, ĐH Đà Nẵng đã bố trí cho em riêng một phòng thi. Đối với các môn thi trắc nghiệm, một trong hai giám thị coi thi tại phòng thi của Mai Văn Hiền là người đọc đề cho Hiền, người còn lại giúp em đánh dấu khi Hiền đọc câu trả lời.
Đối với các môn thi tự luận, giám thị cũng sẽ là người đọc đề thi để Hiền chép lại bằng chữ nổi rồi mới tiến hành làm bài. Toàn bộ quá trình này sẽ được ghi âm lại để đối chiếu theo đúng quy chế thi.
Thầy Lê Ngọc Thức kể: “Trước khi giám thị một đưa đề về phòng thi, mình đã lên phòng thi, hỏi chuyện em Hiền để em nghe thử xem nghe giọng nói của mình có dễ không. Em bảo em nghe rõ ràng, thế là mình yên tâm một bước”. Cho dù đã nhiều lần làm cán bộ coi thi nhưng theo như thầy Thức thì đây là lần đầu tiên đảm nhiệm thêm vai trò đọc đề cho HS khiếm thị.
“Mình xác định được nhiệm vụ của mình nên cũng không có khó khăn gì nhiều. Môn Vật lý thi theo hình thức thi trắc nghiệm nên mình đọc đề để em Mai Văn Hiền làm bài, kết quả bài làm thì có một giám thị khác đánh dấu vào giấy thi khi Hiền đọc câu trả lời. Mình đọc chậm vừa đủ để HS nắm được các dữ liệu, yêu cầu của câu hỏi”.
Ở trường, thầy Lê Ngọc Thức giảng dạy môn Toán, nhưng vốn trước đây là HS chuyên Lý nên “việc đọc đề cho thí sinh cũng không gặp nhiều khó khăn, chỉ có một số ký hiệu lâu rồi không gặp, lúc đầu mình cũng hơi ngờ ngợ nhưng cũng ổn cả”.
Thư ký trung thực
Cô giáo Trịnh Thị Ngọc.
Cô giáo Trịnh Thị Ngọc – GV môn Hóa học, trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) được BGH nhà trường cử đi chuyển ngữ bài thi môn Toán cho thí sinh Mai Văn Hiền.
Cô Ngọc kể: Dù đã nhiều lần tham gia chuyển ngữ bài thi cho HS khiếm thị, nhưng đều là những bài thi học kỳ hoặc thi HS giỏi toàn thành phố, và cũng chỉ ở bài thi môn Hóa.
“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chuyển ngữ cho HS ở một kỳ thi quan trọng, có tính chất quốc gia nên không tránh khỏi sự căng thẳng và áp lực khi được giao nhiệm vụ”.
Là GV dạy môn Hóa học bậc THCS, lại tham gia chuyển ngữ từ chữ Braille sang chữ quốc ngữ cho bài thi môn Toán, cô Ngọc cho biết: “Lúc đầu mình cũng hơi lo vì một số ký hiệu môn Toán như tích phân, vô cùng, công thức logarit… có thể mình quên vì lâu rồi không dùng đến”.
Lo lắng là thế, nhưng khi tiếp xúc với bài làm của thí sinh, cô Ngọc lại tập trung cao độ. Cô chia sẻ: Lúc đó chỉ tập trung vào việc đọc bài từ chữ braille để chuyển ngữ sang cho đúng tinh thần bài làm của thí sinh chứ không có thời gian để nghĩ ngợi gì nhiều. Bài làm của em như thế nào thì mình chuyển đúng như thế. Được cái là em Hiền viết rất cẩn thận, rõ ràng, không viết tắt, không sai chính tả nên GV không phải “đoán ý, dịch lời” gì cả.
Đọc bài làm của học sinh, mình không khỏi thương cảm vì so với các bạn, em quá thiệt thòi. Hiền mất 30 phút để chép đề bằng chữ nổi vào giấy thi rồi mới bắt đầu làm bài, câu nào quên mất thì phải đọc lại từ đầu; bài làm em không thể vẽ hình được mà chỉ tưởng tượng để chứng mình do bị hạn chế về thời gian.
Ngay như câu khảo sát hàm số, em cũng bỏ qua luôn bước vẽ đồ thị. Chưa kể là dùng chữ nổi rất dài, một trang chữ sáng cũng mất đến 2,5 đến 3 trang chữ nổi nên viết chữ nổi mất nhiều thời gian hơn”.
Thầy Nguyễn Duy Quy.
Cũng có nhiều năm tham gia chuyển ngữ bài thi cho HS, thầy Nguyễn Duy Quy – Hiệu trưởng trường Chuyên biệt Tương Lai - kể: “Những năm tôi tham gia chuyển ngữ cho HS thì đúng là thư ký thực thụ ngay tại phòng thi luôn. Mình ngồi bên cạnh HS, em cứ làm được một trang là chuyển sang đề mình dịch sang chữ sáng. Lúc “chép lại bài” của HS thì phải cẩn thận, rõ ràng, trung thực nên cũng rất áp lực trong đúng, sai”.
Thầy Quy phân tích: “Có những lúc HS viết tắt như tổng số thì các em viết là “tgsố”, GV chuyển ngữ không thể hỏi HS vì sẽ cắt ngang mạch suy nghĩ của em. GV vì vậy phải biết suy luận, nhưng không được suy luận sai”.
Nhiều năm tham gia dịch từ chữ braille sang chữ sáng cho HS khiếm thị dự thi ĐH, thầy Quy còn tích lũy cho mình một số kinh nghiệm.
“Tâm lý của HS là nhiều lúc các em làm sai nhưng cứ đinh ninh là mình làm đúng; các em cũng đều là S của mình cả. Do đó, GV chuyển ngữ còn phải nhớ lời dịch của mình để sau này trao đổi lại với HS.
Đây cũng là để các em không thể trách thầy “sao em làm đúng mà thầy làm cho bài em thành sai. Là GV, mình luôn mong muốn các em đạt kết quả bài thi cao nhất, nhưng trong chuyển ngữ, vẫn phải luôn trung thực, rõ ràng nên áp lực là không tránh khỏi” – thầy Nguyễn Duy Quy cho biết.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên