Trong nước

Chuyện của người phải phân lịch ngủ với vợ cho công bằng

Ở thôn Arồng (xã Atiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) có một người đàn ông lấy hai chị em ruột làm vợ. Nói về gia đình này cán bộ tư pháp xã Atiêng cho biết, việc có 2 vợ là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Tuy nhiên, sự việc đã diễn ra cách đây 20 năm nên xã không phạt.

Hai vợ và các con Trơn quây quần bên mâm cơm.

Đành lòng phải cưới hai vợ

Huyện miền núi Tây Giang nằm ở vùng cực Tây tỉnh Quảng Nam, từ Đà Nẵng, chúng tôi phải vượt gần 200km mới đến được xã Atiêng. Người Cơ Tu thường đi làm rẫy rất sớm, đến tận tối mịt mới về nhà. Do đó, mới 6 giờ sáng chúng tôi đã tìm đến nhà anh Biah’ Trơn sinh năm 1966, dân tộc Cơ Tu, cũng là lúc gia đình anh vừa ăn xong bữa sáng, chuẩn bị lên nương. Hỏi về chuyện cưới 2 chị em ruột làm vợ.

Trơn vui vẻ giải thích: “Đây là tục nối dây của người Cơ Tu. Khi vợ mình qua đời, mình sang nhà nó xin cướp em hoặc chị gái nó về làm vợ mình thôi”. Theo Trơn, chuyện mình cưới được hai vợ diễn ra gần 20 năm rồi. Bây giờ người Cơ Tu không còn tục lệ này nữa.

Ngồi nhấm nháp chén trà, Trơn kể, năm 1990, lúc đó đã 24 tuổi nhưng anh vẫn chưa có vợ con nên bố mẹ “nóng ruột” phải đi tìm. Gia đình vốn giàu có nhất nhì trong xã nên nhiều cô gái muốn về làm dâu nhà Trơn, vậy nhưng Trơn chẳng ưng ai.

Theo lời kể của Trơn, cuộc hôn nhân này là do hai bên gia đình sắp đặt, cả anh và chị Hối Thị Lâm (SN 1974) lúc đó đều chưa có tình yêu. “Đám cưới mình làm to lắm, dân làng ăn cả 4 ngày mới hết. Cha mẹ mình thịt 4 con trâu, 7 con bò, 20 con lợn cùng hàng trăm lít rượu. Bây giờ mà tính ra tiền cũng phải hơn 200 triệu đó” - Trơn nhớ lại.

Tuy nhiên, chị Lâm về làm vợ nhà Trơn nhưng thường xuyên ốm đau, bệnh tật nên mãi mà hai vợ chồng không thể có con. Nhiều người nói với Trơn rằng, theo quan niệm của người Cơ Tu, chị Lâm đã bị ma bắt, muốn khỏi bệnh phải đuổi con ma đi.

Thương vợ, Trơn đi khắp nơi mời thấy cúng về để trị con ma trong người. Vậy nhưng hết người này đến người khác, nhưng bệnh của chị Lâm vẫn ngày càng trầm trọng. “Thầy bói phán vợ mình sẽ chết, không qua khỏi. Mình buồn lắm nhưng lúc đó không biết làm sao”, Trơn kể lại. Suốt 3 năm liền, chị Lâm chỉ nằm một chỗ, không làm được việc nhà cũng không thể sinh con cho Trơn.

Vì nóng lòng muốn có cháu bế, bố mẹ Trơn bắt anh phải đi cưới người vợ khác. Trơn không muốn bỏ vợ nhưng cũng không thể cãi lời bố mẹ nên xin chị Lâm được cưới em gái Hối Thị Linh (SN 1979) về làm vợ.

Cũng trong năm đó, có một đoàn y bác sĩ của huyện Hiên (tên gọi cũ của huyện Tây Giang) lên thăm khám sức khỏe cho người dân. Các bác sĩ chẩn đoán chị Lâm bị rối loạn thần kinh và yêu cầu Trơn đưa về Đà Nẵng chữa trị.

“Mất hơn nửa tháng, vợ mình hết bị 'con m'a hành. Về nhà rồi nó khỏe và làm việc trở lại, rồi đẻ cho mình ba đứa con”, Trơn tự hào nói. Chẳng thua người chị mình, Linh cũng sinh cho chồng hai đứa con. Tất cả họ cùng sống chung dưới một mái nhà.

Bí quyết tề gia

Những tưởng sinh sống chung dưới một mái nhà sẽ mang lại nhiều rắc rối nhưng gia đình anh Trơn được cả xã Atiêng đánh giá là hạnh phúc. Theo Trơn, việc đầu tiên sau khi cưới vợ hai là anh phải chia thời khóa biểu để ngủ với hai vợ. Theo đó, những ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần, Trơn vào buồng vợ lớn, ngày ba, năm, bảy ngủ với vợ hai. Riêng ngày chủ nhật Trơn ngủ một mình.

Anh cho biết, mỗi vợ một phòng, phân chia ngày cụ thể nên chẳng ai xâm phạm chốn riêng tư của nhau. Đi đâu xa, mua quà gì cho vợ Trơn cũng mua một lúc hai thứ giống nhau, chứ hôm nào mua mà thiếu món là một trong hai người lại buồn. Còn chuyện đi chợ, nấu cơm Trơn cũng lên lịch hết cho hai vợ. Nếu hôm nay vợ cả làm việc nhà thì ngày mai đến phiên vợ hai.

Tuy nhiên, theo anh Trơn, 3 người cùng sống chung dưới một mái nhà nên không thể tránh khỏi cảnh cãi vã, lớn tiếng qua lại, đặc biệt hai bà vợ. Họ dù chị em nhưng có khi vẫn ghen tị nhau. Trơn kể, có lần đi chơi thấy chiếc nhẫn đẹp nên mua cho vợ lớn Hối Thị Lâm. Được chồng tặng quà, Lâm đem nhẫn đi khoe, lập tức vợ hai Hối Thị Linh giận, bỏ ăn mấy ngày, không chịu nói gì cả.

“Hai vợ mà giận thì mình phải tìm hiểu sự việc rồi đứng ra làm “trọng tài” liền, cái gì cũng hòa giải hết. Đã từng ấy năm chưa lúc nào vợ một, vợ hai của mình đánh nhau cả, hai người có bực tức cũng chỉ lời qua tiếng lại rồi xong. Hôm sau họ lên nương, lên rẫy với nụ cười vui vẻ” - Trơn tự hào.

Còn đối với việc nuôi con, Trơn yêu cầu 2 vợ cùng chung tay, không phân biệt con chị, con em. Chính vì thế, Trơn không quên khoe: “Cả 5 người con được mình dạy ăn nói lễ phép, đàng hoàng, siêng năng làm việc chứ không lười nhác”.

Nói về gia đình đặc biệt này, anh Blup Vang, cán bộ tư pháp xã Atiêng cho biết, việc Trơn có 2 vợ là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Tuy nhiên, sự việc đã diễn ra cách đây 20 năm, gia đình Trơn cũng êm ấm, sống hòa thuận, yêu thương nhau nên xã không phạt.

Theo tìm hiểu sổ hộ khẩu của gia đình anh Trơn vẫn có tên của cả chị Lâm và chị Linh với “chức danh” là vợ một, vợ hai. Thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Tây Giang, trên địa bàn hiện có khoảng 40 trường hợp lấy 2 đến 3 vợ. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Trơn lấy cả hai chị em ruột. Thời gian sau này, qua vận động, tuyên truyền, các cặp vợ chồng trẻ ở Tây Giang đều thực hiện tốt chính sách 1 vợ, 1 chồng./.

Tác giả bài viết: Hoàng Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP