Sinh ra trong dòng danh giá
Đó là nói về phong thủy của làng, thành nơi đất phát nhân tài. Còn riêng dòng họ Hồ Sĩ Dương, thuộc tông tộc có nền tảng lắm chứ chẳng thường đâu. Xét về tiền nhân họ Hồ hẳn rõ như ban ngày, có thể lấy Đăng khoa lục sưu giảng làm chứng là thuyết phục hơn cả. Theo sách ấy, trước đời Hồ Sĩ Dương, tông tộc nhà ông đã hiển vinh từ thời nhà Trần rồi. Đó là Hồ Tông Thốc, người làm Học sĩ Phụng chỉ thời Trần Phế Đế (1377 - 1388).
Còn đường khoa hoạn của hậu duệ Hồ Sĩ Dương, thì cũng sáng lạn lắm, bởi “cháu là ông Sỹ Tân, 31 tuổi, đỗ tiến sĩ, khoa Tân Sửu, đời vua Lê Dụ Tôn (niên hiệu Bảo Thái) Sĩ Đống 34 tuổi đỗ Hoàng giáp chế khoa đời vua Lê Cảnh Hưng. Sang đến triều Nguyễn, Sĩ Tuần 32 tuổi, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn”.
Xem ra, cái nền nếp gia phong của tông tộc họ Hồ nơi đất Nghệ An, được quý hiển nơi bảng vàng trường ốc, kể cũng là hiếm ở đời chứ dễ mấy ai. Nên nhận xét của Nghệ An ký quả chẳng có ngoa, rằng: “Họ hàng ông nhiều người hiển đạt các đời xuất thân văn học, đỗ hương cống và làm quan các châu huyện”.
Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi
Công nghiệp khi làm quan
Bước vào chốn quan trường thông qua đường khoa hoạn, tài năng, trí lực của Hồ Sĩ Dương tỏ ra đắc dụng khi phò vua, giúp nước. Sử cũ cho hay, vào năm Nhâm Dần (1662), đời vua Lê Thần Tông, với tài học vấn, sự mẫn tiệp của tiến sĩ họ Hồ, nên “Sai bọn Bồi tụng Hồ Sĩ Dương lên cửa quan đón tiếp sứ thần phương Bắc” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).
Tiếp đó lại sai ông cùng các quan khác lên cửa quan hầu mệnh, tiếp sứ, nhận tiền lụa và các vật ban thưởng của nhà Thanh, đưa sắc dụ về kinh.
Đến năm Quý Mão (1663), đời vua Lê Huyền Tông, Nghệ An ký cho hay, ông lại được tín nhiệm lên biên giới phía Bắc để giao thiệp với ngoại bang, được thăng làm Đại học sĩ Đông các, tước tử. Khi điện Chiêu Sự ở đàn Nam Giao được sửa chữa, vua lại sai ông soạn văn bia khắc vào đá lưu dấu tích.
Năm Ất Tỵ (1665), lúc bấy giờ Hồ Sĩ Dương là Hữu thị lang bộ Binh Nhuận Duệ tử, được thăng tước bá vì có công nhiều lần lên cửa quan hầu mệnh, lo việc tiếp sứ thần Trung Hoa.
Đóng góp của ông trong lĩnh vực ngoại giao cứ thế kéo dài thêm khi năm Đình Mùi (1667) vị Hữu thị lang bộ Binh họ Hồ lại được cử lên biên giới giao thiệp.
Năm này cũng là năm vua Lê – chúa Trịnh cử binh đánh tàn dư họ Mạc ở Cao Bằng, ông làm chức Đốc thị, tham gia tiến quân tấn công, làm cho Mạc Kính Vũ phải chạy sang đất Trung Hoa. Những công lao của ông thêm dày, nên năm Kỷ Dậu (1669), được làm Hữu thị lang bộ Lại, ban cho tước hầu.
Nghiệp làm quan của Hồ Sĩ Hương, tổng quan, thật là có duyên với chuyện giao thiệp với nước ngoài, cũng như trong việc dẹp loạn nơi biên cảnh. Thế nên, lại không có gì lạ khi năm Canh Tuất (1670), ông làm Đốc thị, cùng Thiếu úy Hào quận công Lê Thời Hiến làm Thống suất đem quân đi kinh lược vùng Tuyên Quang, bắt được tên Ma Phúc Lan.
Năm Quý Sửu (1673), triều đình tín nhiệm, cứ ông làm Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Thanh giao thiệp. Chuyến ấy đi sứ về, vua vinh phong cho ông làm Thượng thư bộ Công, tước quận công. Đời vua Lê Hy Tông, năm Bính Thìn (1676), ông làm Giám tu quốc sử, rồi tham tụng.
Tiếng tăm của ông, không chỉ người trong nước được tỏ, mà sứ nước Thanh sang ta, cũng biết danh. Sau khi Chu Xán nhà Thanh vâng lệnh vua Khang Hy đi sứ Đại Việt năm Quý Hợi (1683), khi về có dâng lệnh vua Thanh tập Sứ Giao ngâm mà Kiến văn tiểu lục có ghi: “trong các bài thơ ấy có câu rằng:
“Y quan văn vật trọng Nam cương”, lại tự cho rằng: “Nhân vật nước này, về phần lý học, có Trình Tuyền, Vũ Duệ, Nguyễn Đăng Cảo và Hồ Sĩ Dương”. Sự xưng tụng của sứ nhà Thanh, ắt có cái lý chứ chẳng nói vơ cho có, dù lúc ấy quan họ Hồ đã quy tiên từ năm Tân Dậu (1681), nhưng danh thì vẫn còn phảng phất đến cả tai của người ngoại quốc.
Tì vết trước khi vinh hiển
Từ con đường khoa hoạn bước vào chốn áo dài, đai rộng và hiển danh ở đời là thế. Nhưng cũng chính từ khoa hoạn, suýt nữa Hồ Sĩ Dương tự đóng cánh cửa tương lai của đời mình vì sai lầm khi phạm án trường thi. Sự thể của việc ấy ra sao?.
Vốn là kẻ thông minh, sáng dạ, nên khoa thi Hương năm Ất Dậu (1645), Hồ Sĩ Dương lọt vào danh sách những thí sinh thi đỗ. Mà chẳng đỗ thường đâu, ông chiếm luôn cái Giải nguyên, đứng đầu kỳ thi Hương khi tuổi mới 23. Những tưởng thành công ban đầu ấy là động lực to lớn để họ Hồ dần dấn bước cao hơn trên đường lập thân của mình. Ấy nhưng…
Tuổi trẻ bồng bột có lẽ, nên Lịch triều tạp kỷ cho biết “đến khoa năm Mậu Tý (1648), vì việc đội tên đi thi đỡ người khác, bị phát giác, Sĩ Dương phải sung quân”. Bởi bấy giờ, Điều 3, Chương Vi chế (Làm trái pháp luật) của Quốc triều hình luật đã quy định rõ đối với tội thi hộ: “Những cử nhân vào thi hội mà mượn người vào làm hộ bài thi, cùng người làm hộ đều phải biếm ba tư; thi hương thì phải biếm hai tư”.
Vậy là chưa kịp ghi vào danh tiến sĩ, vì tự phụ tài năng mà đi thi cho người, chàng thư sinh Hồ Sĩ Dương phạm tội. Đường công danh dang dở, nợ đèn sách chưa đền cho chót được, lại còn phải làm tên lính quèn trong quân ngũ. Cái Giải nguyên giành được dạo nọ, bị cách tuột cả, thành con số không.
Những tưởng sau lần bị tội ấy, chàng trai họ Hồ hết duyên với đường thi cử. Nhưng may sao ba năm sau, ông được đi thi lại khoa thi Hương năm Tân Mão (1651), và lại đỗ. Đến năm Nhâm Thìn (1652), triều đình tổ chức thi Hội, Hồ Sĩ Dương đỗ luôn tiến sĩ. Thế là đường công danh rộng mở. Tì vết xưa gác lại phía sau. Bao nhiêu tài trí, tâm sức, tiến sĩ đất Nghệ cung hiến hết cho vua, cho chúa. Danh lưu lại muôn đời.
Hiềm nỗi về sau, con ông là Hồ Lại, không tiếp nối được danh vọng từ cha, mà cũng có tì vết khi làm quan. Việc ấy xảy ra năm Mậu Dần (1698), liên đới tới Hoàng Công Trí.
Cũng Lịch triều tạp kỷ ghi “Công Trí khi làm việc ở bộ Lại, có kẻ cáo tỏ về việc Trí tư vị người con của thầy học là Hồ Lại. Hồ Lại là con Hồ Sĩ Dương, do chân tự thừa, khi mãn nhiệm, được thăng Hình bộ viên ngoại lang. Người tố cáo bèn bới vạch ra việc ám muội của Hồ Lại, thực ra Trí không biết đến. Hy (Lê Hy – Người dẫn chú) đem việc ấy tâu lên. Trí bèn bị biếm truất”....
Tác giả bài viết: Trần Đình Ba