Quảng Bình hiện có diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, với gần 81% so với tổng diện tích tự nhiên.
Tuy nhiên, việc quản lý và bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Tình trạng phá rừng và lấn, chiếm đất lâm nghiệp tuy đã hạn chế nhưng vẫn xảy ra ở một số địa bàn trong tỉnh, nhất là những vùng người dân thiếu đất sản xuất lâm nghiệp, như: huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, phía tây các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch. Sản xuất, kinh doanh rừng trồng có chu kỳ ngắn, thiếu tính bền vững, diện tích rừng trồng thâm canh còn ít, gây xói mòn, rửa trôi đất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái...
Dự án FCPF-REDD+ tổ chức tập huấn điều tra trong quá trình xây dựng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. |
Trong khi đó, nguồn kinh phí để bảo vệ và phát triển rừng còn hạn hẹp, chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước. Vì vậy, việc thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là vấn đề cấp thiết để có nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp.
Hơn nữa đây là yêu cầu của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) khi Quảng Bình tham gia vào Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ, thí điểm chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả thực hiện.
Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ là Chương trình REDD+ cấp vùng thực hiện đầu tiên ở nước ta, với tham vọng giảm phát thải khí và tăng cường hấp thụ khoảng 33,06 triệu tấn CO2 quy đổi.
Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới đã cam kết chi trả cho nỗ lực giảm phát thải khí sau khi thẩm định kết quả thực hiện là 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 51,5 triệu USD trong thời gian 6 năm thực hiện chương trình (từ năm 2018 đến năm 2024). Như vậy, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng sẽ trở thành nơi quản lý nguồn thu từ REDD+ trong tương lai.
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tham mưu tiếp nhận quản lý và sử dụng các nguồn tài chính phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Chức năng chính của quỹ là tiếp nhận vốn ngân sách của cấp tỉnh, vốn tài trợ, viện trợ, huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn; tiếp nhận và quản lý nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động theo hợp đồng ủy thác, các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định tại điều 10 Nghị định số 05/2008/NĐ-CP (Nghị định về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó quy định đối tượng đóng góp bắt buộc cho quỹ ở cấp tỉnh bao gồm: chủ rừng khi còn khai thác, kinh doanh gỗ; cơ sở kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, dịch vụ sinh thái - môi trường rừng; từ các dự án đầu tư phải khai thác rừng để giải phóng mặt bằng và có yêu cầu phải trồng lại rừng nhưng không có điều kiện); thực hiện hỗ trợ vốn cho các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án theo quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP.
Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Quảng Bình có nhiệm vụ vận động, tiếp nhận và quản lý các khoản đóng góp bắt buộc, nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của tổ chức, nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; tổ chức thẩm định, xét chọn chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định hỗ trợ đầu tư; tiếp nhận tiền và thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ tài chính cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án; chỉ đạo, hướng dẫn các đối tượng được hưởng nguồn tài chính do quỹ hỗ trợ; thực hiện các quy định của pháp luật về thống kê, kế toán và kiểm toán; thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao hoặc quy định.
Nguồn quỹ được xác định là do ngân sách tỉnh hỗ trợ vốn ban đầu khi thành lập; từ các khoản đóng góp bắt buộc của các đối tượng quy định tại điều 10 Nghị định 05/2008/NĐ-CP; hỗ trợ, điều phối từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; vốn từ vốn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức quốc tế; tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước; vốn nhận ủy thác từ các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, từ các quỹ và các nguồn tài chính khác; vốn tài trợ từ Chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ nỗ lực giảm mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng carbon, bảo tồn trữ lượng carbon và quản lý rừng bền vững (REDD+) và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
Cần chung tay bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên rừng quý giá. |
“Việc thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giúp từng bước xã hội hoá nghề rừng, thu hút các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, hạn chế gánh nặng của ngân sách Nhà nước chi cho việc bảo vệ và phát triển rừng hàng năm; tăng diện tích và chất lượng rừng bảo đảm nguồn cung cấp nước cho sản xuất điện, nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất các hoạt động kinh doanh du lịch, hấp thụ carbon của rừng.
Bên cạnh đó, đây là một trong những tiền đề căn bản giúp Quảng Bình chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện sáng kiến REDD+, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Quảng Bình là một trong 6 tỉnh tham gia vào Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ”- ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ.
REDD+ là một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua 5 hoạt động chính: - Hạn chế mất rừng - Hạn chế suy thoái rừng - Bảo tồn trữ lượng carbon rừng - Quản lý bền vững tài nguyên rừng - Tăng cường trữ lượng carbon rừng. |
Tác giả: Hương Trà-Khánh Hòa
Nguồn tin: baoquangbinh.vn