Du lịch

Chưa vào quán “chè hé”, chưa biết hết Đà Lạt

Nếu ở Huế nổi tiếng với “chè hẻm” vì những quán chè nằm sâu trong hẻm. Thì riêng quán “chè hé” ở Đà Lạt lại tọa lạc trên mặt tiền con đường rộng - đường 3 tháng 2, thành phố Đà Lạt.

Sau hành trình ở Buôn Mê Thuột, đoàn du lịch chúng tôi rời phố núi đến thành phố Đà Lạt mộng mơ. Cái may mắn của tôi hôm ấy là được ngồi cạnh anh “tài xế” trẻ chuyên đưa rước khách tham quan nên cởi mở bày tỏ am hiểu phong tục tập quán cũng như đặc sản của các vùng miền. Thấy chúng tôi thích khám phá về ẩm thực, anh vui vẻ cho biết: “Đến Đà Lạt mà không biết đến quán “chè hé” là chưa biết hết Đà Lạt!”. Nghe câu nói của anh như thế, khiến trong lòng “cánh già” chúng tôi càng thêm háo hức, muốn khám phá ngay khi đến Đà Lạt.

Quán “chè hé” ở ngay đầu phố chỉ mở cửa he hé, không bảng hiệu. Bên trong quán có đông khách đến ăn chè.

Quả đúng như vậy, đến Đà Lạt, đi ngang qua đường 3 tháng 2, nếu không chú ý thì không biết được vì quán không có bảng hiệu cũng như trước nhà 2 cánh cửa sắt luôn chỉ mở he hé mà thôi. Có lẽ chính vì thế mà người ta đặt tên là quán “chè hé” Đà Lạt chăng?. Nghe câu chuyện của anh “tài xế” và khi được “mục sở thị”, tôi chỉ biết gật gù và suy nghĩ, đó cũng là một cách giải thích về tên món chè nầy.

Buổi tối hôm đó, đoàn chúng tôi tham quan một vòng quanh các đường phố Đà Lạt, sau đó tìm đến địa chỉ quán "chè hé" Đà Lạt mà anh tài xế đã giới thiệu. Đi vòng qua, vòng lại mấy lượt trên con đường 3 tháng 2, chú ý quan sát thấy khách vào ra tấp nập nơi cửa quán chỉ mở he hé, phía trước cửa có nhiều xe gắn máy dựng sát nhau, choán gần hết lối vào. Thế là, chúng tôi mạnh dạn, đúng là quán chè hé đây rồi!.


Chủ quán tất bật múc chè bán cho khách.

Vào bên trong, chỉ là một quán nhỏ, trang trí đơn giản, nhưng khách ngồi ken kín trên những bộ bàn ghế loại bình dân, kê sát 2 bên tường. Điều đặc biệt là ở quán này, người bán là những thanh niên điển tai, hoạt bát, vui tính. Sau khi an tọa và hỏi chủ quán có những món chè gì?. Chủ quán vui vẻn cho biết: “Quán chỉ bán có 3 loại chè, đó là: Chè thưng, chè bắp và chè trôi nước. Giá bình dân: Chè nóng 6.000 đồng/chén; Chè đá 11.000 đồng/chén.

Sau khi thưởng thức xong chén chè thưng, chúng tôi có chung nhận định là món chè có hương vị riêng, khác với chè thưng truyền thống ở miền Tây mặc dù cùng được chế biến từ nguyên liệu như: Bột khoai, phổ tai, đậu xanh cà, đậu phộng, táo, nước cốt dừa… Độ ngọt, béo của chè vừa khẩu vị, không ngọt quá, mà cũng không béo quá.

Chủ quán dù tất bật công việc, nhưng chắc nhận ra chúng tôi là khách phương xa, nên niềm nở chuyện trò với khách. Tôi hỏi, có 3 món chè, tại sao lại gọi tên là quán "chè hé" Đà Lạt?. Chủ quán cho biết: Đà Lạt là xứ lạnh, mở cửa toang hoác, chè sẽ lạnh đi, mất ngon!. Ngoài ra, cửa mở he hé cũng gợi nên cảm giác ấm cúng, thân thiện khi ngồi ăn chè, nhất là lứa “tuổi 8x, 9x ” đi cùng bạn gái. Đây cũng là lý do mà mọi người thường hay hỏi tôi khi đến nơi đây!.


Những nguyên liệu chính đã sơ chế được chuẩn bị sẵn trong tô.


Những chén chè thưng thơm ngon, hấp dẫn được dọn lên bàn cho khách.

Tác giả bài viết: Ba Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP