Tin địa phương

Cận cảnh công đoạn làm dừa dát vàng hút khách tại Quảng Bình

Những quả dừa dát vàng với kiểu dáng mới lạ, độc đáo đang là một trong những sản phẩm trưng Tết hút khách tại Quảng Bình.

Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Trường Khánh, 39 tuổi, ở phường Đức Ninh Đông, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, lại tất bật sản xuất những quả dừa dát vàng 24K, phục vụ người dân chưng Tết. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ.

Theo anh Khánh, sau khi tìm hiểu và nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng dịp Tết cần những sản phẩm độc, lạ, đẹp mắt nên anh đã học hỏi từ bạn bè cũng như mạng xã hội về cách làm sản phẩm này để bán.

Những quả dừa với kiểu dáng độc đáo, sang trọng thu hút khách hàng dịp Tết.

So với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng… thì nhu cầu trưng dừa dát vàng của người dân ở Quảng Bình chưa thực sự phổ biến, các cơ sở sản xuất sản phẩm này trên địa bàn cũng còn khá ít.

Tuy nhiên, các đơn đặt hàng tăng dần qua từng năm và không bao giờ ‘ế hàng’ là một tín hiệu vui cho những cơ sở sản xuất dừa dát vàng ở Quảng Bình.

Dừa nguyên liệu được nhập từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đòi hỏi phải tròn bóng, nặng nước...

“Năm ngoái, gia đình tôi làm bán được khoảng 200 cặp dừa dát vàng. Đến năm nay, số lượng sản xuất và bán ra thị trường đạt khoảng 400 cặp. Các đơn đặt hàng và người mua chủ yếu là nội tỉnh và người dân trên địa bàn thành phố Đồng Hới, còn lại một số ít là khách ở các tỉnh thành lân cận. Mặt hàng này sản xuất ra không lo ế vì làm đến đâu bán hết đến đấy", anh Nguyễn Trường Khánh cho biết.

Anh Khánh bộc bạch, để có một cặp dừa hoàn chỉnh thì những người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian. Công việc này không khó nhưng đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết để vừa thổi hồn vào trái dừa cho sinh động, vừa để người mua chưng Tết được lâu.

Sau khi vệ sinh, quả dừa được phủ các lá vàng công nghiệp 24K.

Người thợ dùng chổi phủ cho mượt bề mặt.

Để có những quả dừa dát vàng chất lượng, thu hút khách hàng thì khâu lựa chọn dừa rất quan trọng. Dừa nguyên liệu được nhập từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đòi hỏi phải tròn bóng, nặng nước, đủ già không đứt cuống, không rỉ nước, cứng cáp để đảm bảo chưng được lâu trong dịp Tết.

Dừa sau khi đem về được vệ sinh sạch sẽ, quét keo dính rồi chờ khô khoảng 3-4 tiếng. Sau đó, người thợ sẽ cẩn thận phủ từng lá vàng công nghiệp 24K rồi dùng chổi phủ cho mượt bề mặt và được quét qua một lớp sơn phủ bóng để tránh trầy xước khi vận chuyển, cũng như để dừa có độ mịn.

Công đoạn đúc các chữ tài, lộc, hình rồng, phượng bằng keo nến thủ công.

Sau đó, người thợ sẽ quét keo, tạo màu bằng kim tuyến cho các hoạ tiết trang trí ở quả dừa dát vàng.

Công đoạn tiếp theo là phần trang trí hình rồng phượng hay chữ tài, lộc, thọ, vạn sự như ý... Cuối cùng là công đoạn trang trí phần cuống dừa. Từ những quả dừa bình thường, qua bàn tay khéo léo của những người thợ, chúng như được thay áo mới với nhiều kiểu cách dát vàng khác nhau.

Từ những quả dừa bình thường, qua bàn tay khéo léo của những người thợ, chúng như được thay áo mới. Quả nào cũng sáng choang, lấp lánh, bề mặt được tạo hình công, phượng, chữ tài lộc, trên đầu điểm xuyến những lông công, trái châu hay những chiếc lá, con rồng… rất bắt mắt.

Thêm các công đoạn trang trí, quả dừa dát vàng trở nên đẹp mắt, độc đáo.


Tuỳ vào nhu cầu của khách hàng đặt mua, mỗi cặp dừa sau khi được bằng vàng công nghiệp 24K và trang trí hoạ tiết sẽ có giá từ khoảng 350.000 – 500.000 đồng.

Người thợ làm dừa dát vàng mong muốn người mua sẽ gặp được những điều tốt đẹp, thịnh vượng trong năm mới.

Ngoài tạo nguồn thu nhập cho gia đình trong dịp Tết đến, những sản phẩm dừa dát vàng còn thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật của người thợ làm nghề trang trí trái cây. Với ý nghĩa là biểu trưng của sự may mắn, tài lộc thì người thợ làm dừa dát vàng cũng mong muốn người mua sẽ gặp được những điều tốt đẹp, thịnh vượng trong năm mới.

Tác giả: Ngô Thị Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP