Giáo dục

Cảm phục tấm bằng Thạc sỹ của người khiếm thị mù cả 2 mắt

Chiều ngày 4/6/2016, anh Chu Văn Hoà - Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - người khiếm thị mù cả hai mắt, đã bảo vệ thành công luận văn về “chính sách việc làm đối với người khuyết tật” với số điểm rất cao nhất là 9.5 điểm để nhận bằng thạc sỹ khoa học ngành chính sách công tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN.

Đây là lần đầu tiên Học viện Khoa học Xã hội đã long trọng trao bằng thạc sỹ chính sách công cho 01 người khuyết tật ở Việt Nam.

Người khuyết tật mù hai mắt có thể thành công không? Câu chuyện là sự cảm động về người khuyết tật đầu tiên tham gia học tại Học viện khoa học xã hội và đã kết thúc chương trình đào tạo thạc sĩ ngành chính sách công mà ngay cả đối với những người bình thường là rất khó khăn.


Tân Thạc sỹ Chu Văn Hoà và Thầy PGS.TS. Đỗ Phú Hải lãnh đạo khoa chính sách công người trực tiếp hướng dẫn em tận tình trong thời gian học tập

Tại buổi lễ nhận bằng, thạc sỹ Chu Văn Hoà đã tri ân với những người thầy đáng kính của Khoa chính sách công và người Bố kính yêu luôn động viên và đồng hành cùng em.

“Cho dù sức khỏe của Bố giờ không được tốt, phải đi viện ngày một nhiều hơn, cho dù Bố phải rất vất vả đưa đón em đêm hôm mưa gió hay ngày nắng như đổ lửa, ngày đông rét cắt da cắt thịt. Nhưng bố vẫn động viên con học, kể cả khi phải nhịn ăn, nhịn mặc để lấy tiền cho con theo học” – thạc sĩ Hòa tâm sự.

Vượt lên nỗi đau

Sau biến chứng của bệnh quai bị năm lên 5 tuổi, mắt Chu Văn Hòa bị mờ dần và đến năm lớp 9 thì bị mù hẳn, em đã vượt qua rất nhiều khó khăn, vất vả, gian truân, cùng với sự chăm sóc, dìu dắt, động viên của gia đình để học hết lớp 9.

Mắt không nhìn rõ, thậm chí đến khi không nhìn được nữa, Hòa phải có những cách học của riêng mình, dùng thước kẻ kê để có thể viết chữ thẳng hàng, trên lớp lắng nghe thầy cô giảng, về nhà nhờ chị em kèm ôn lại bài cũ và đọc trước bài ngày hôm sau. Tuy nhiên, cuối năm lớp 9, Hòa không vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THCS vì chữ xấu quá.

Sau thất bại đó, năm 2001, Hòa tham gia hội người mù và học chữ Braille để quay lại trường thi lại tốt nghiệp THCS bằng chữ này nhưng không được chấp nhận. Cho đến năm 2004, sau khi tham gia học lớp nghiệp vụ sư phạm dành cho người mù thì Hòa có quen và thấy cũng như qua các phương tiện thông tin thì em có thấy một số người mù vẫn có thể đi học tiếp và đạt được nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực.

Khó khăn tiếp theo là mẹ em mất năm 2003, em mong muốn xin học tại các trường và TTGDTX ở địa phương nhưng mọi cố gắng đều không tiếp nhận. Tới năm 2005, em mới được thi tốt nghiệp THCS cùng với các học sinh của năm học 2004 – 2005. Khi đó được đi học tiếp em rất vui, nhưng em trải qua bao nhiêu gian khó của người mù lòa để tốt nghiệp THPT năm 2008.

Miệt mài học tập

Thành công bước đầu, em lại có ước mơ được học tiếp lên đại học, mà khi đó quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ chưa có quy định đến đối tượng là người khiếm thị. Em tiếp tục học đại học tại trường ĐH Mở Hà Nội ngành luật kinh tế vừa nỗ lực cố gắng làm thêm xoa bóp – tẩm quất để có thêm tiền và điều kiện học tập. Sau 5 năm cố gắng thì Hòa cũng đã tốt nghiệp đại học.

Kiến thức học đại học đó cũng đã rất bổ ích cho em, nhưng em vẫn thấy còn chưa đủ và em muốn được học tập ở một môi trường học tập tốt hơn. Một môi trường mà có kỷ luật tốt hơn, có lượng kiến thức nhiều hơn, rộng hơn, sâu hơn và em cảm thấy có nhiều thú vị cũng như động lực tốt hơn. Một môi trường nhân văn thì họ sẽ thông cảm và giúp đỡ người mù như em hơn. Hòa đã tìm được Khoa chính sách công, Học viện Khoa học Xã hội là đúng nguyện vọng, nơi có các thầy cô ở khoa được đào tạo bài bản từ các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Phải nói thật rằng khi đi nộp hồ sơ em vẫn rất lo lắng và đắn đó suy nghĩ rất nhiều vì thứ nhất là mình khiếm thị, mù như em liệu có được tham gia dự tuyển cạnh tranh.

Hòa dự tuyển sinh như các học viên khác, và đã trúng tuyển. Mỗi ngày hai chặng xe buýt và một lần đi xe ôm để tới cổng Học viện KHXH, với bao vất vả. Khi vào học Hòa luôn cố gắng khi học trên lớp, em sử dụng máy tính để ghi chép bài ở trên lớp và để tìm kiếm tài liệu trên internet, từ mọi người trong lớp và từ thầy cô cũng như nhiều nguồn khác nhau.

Hòa đã cố gắng sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng dành cho máy tính để có thể tiếp cận được các tài liệu như do em sử dụng phần mềm hỗ trợ đọc màn hình Jaws khi dùng máy tính. Nhưng phần mềm này lại chỉ đọc tốt đối với các file định dạng .doc hoặc .docx nên đối với các file .pdf thì không đọc được và em cần phải dùng phần mềm khác chuyển sang định dạng .doc rồi sử dụng.

Ngoài lắng nghe thầy cô giảng bải thì Hòa còn sử dụng máy ghi âm để có thể ghi lại những nội dung đã học để về nghe và ôn lại bài. Ngoài ra đối với những tài liệu là bản in thì em nhờ người đọc và ghi âm cho để nghe hoặc gõ vào máy tính. Trên lớp thì em cố gắng nghe giảng, nếu có vấn đề gì chưa rõ thì hỏi thầy cô và bạn bè. Về nhà thì em cố gắng xem được càng nhiều tài liệu để có thể hiểu bài hơn.

Minh chứng cho sự thành công với ý chí và nghị lực phi thường

Trong suốt thời gian học thạc sỹ đón nhận sự quan tâm giúp đỡ của các thầy cô đầy tâm huyết trong Khoa chính sách công và các bạn học viên từ những lời hỏi thăm, động viên, giúp đỡ trong làm các thủ tục như điểm danh, làm giấy tờ, tổ bảo vệ giúp em vào cầu thang để lên lớp học hay dẫn ra cổng.

Những việc làm, cử chỉ, lời nói của viên chức học viện, nhất là từ các bạn trong lớp đã khích lệ - động viên và chia sẻ giúp đỡ em rất nhiều trong học tập. Hòa được nhiều Thầy cô hết sức giúp đỡ truyền thụ kiến thức, được học kiến thức của ngành khoa học chính sách công em thấy rất vui và lại không ngại những ngày dậy từ 4 giờ sáng cho dù mưa bão hay gió rét để có thể kịp giờ tới trường học, không ngại ra đường nắng nóng 40 độ.

Hòa cho rằng có năng lực phân tích chính sách tốt, em sẽ tích cực tham gia hoạch định và xây dựng chính sách cho người khuyết tật ở nước ta ngày một chất lượng hơn. Đây cũng là mong muốn của các Thầy cô trong khoa chính sách công.

Những nỗ lực của người khuyết tật như em rất đáng ghi nhận. Em là một minh chứng rõ nét cho thấy rằng người khuyết tật hoàn toàn có thể thành công với ý chí và nghị lực phi thường. Hướng đến một xã hội văn minh, nhân văn, chúng ta cần có cái nhìn khác về người khuyết tật.

Bản thân họ cũng có thể đóng góp cho xã hội làm ra của cải vật chất, và những giá trị tinh thần vô giá. Với cách tiếp cận này, hơn 7 triệu người khuyết tật ở nước ta sẽ không phải là gánh nặng, mà là một lực lượng tham gia xây dựng đất nước. Hoàn thiện và tăng cường thực hiện chính sách người khuyết tật đòi hỏi các cấp các ngành có những hành động thiết thực trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Duy Nghĩa

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP