Du lịch

Các quốc gia Châu Á đón Tết cổ truyền như thế nào?

Mỗi quốc gia có một phong tục đón năm mới khác nhau, người Thái té nước vào nhau để cầu may, người Trung Quốc ăn những thực phẩm mang ý nghĩa trường thọ, người Việt Nam lau dọn nhà cửa, mua muối, đi chùa,... cầu năm mới bình an, thịnh vượng với niềm hi vọng mới!

1. Trung Quốc
Tết âm lịch là một ngày lễ lớn đối trên đất nước Trung Quốc, mọi người chào đón năm mới với những món ăn mang ý nghĩa trường thọ.
Năm mới ở Trung Quốc là thời gian để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, bày tỏ sự kính lễ đối với tổ tiên. Có rất nhiều phong tục được người Trung Quốc thực hiện với hi vọng mang lại may mắn. Trước khi năm mới bắt đầu, họ sẽ trả hết các khoản nợ để bắt đầu một năm không nợ nần. Một tuần trước Tết, những người đàn ông trong gia đình làm lễ cúng thần bếp. Đồ cúng thường là các thức ăn ngọt và dính, đặc biệt là mạch nha để làm hài lòng thần bếp nhưng cũng là cách để “dính” miệng thần bếp lại. Bằng cách này, ông sẽ không thể nói được bất cứ điều gì xấu mang lại tai họa cho gia đình. Mọi người mua quần áo mới để mặc. Nhà cửa được dọn dẹp, trẻ em được mừng tuổi bằng các bao lì xì màu đó có chứa tiền. Mọi người chúc nhau một năm mới nhiều tài lộc và cùng nhau ăn các món ăn có ý nghĩa trường thọ như mì hay cá (trong tiếng Trung Quốc, cá phát âm là “yu”, giống như âm của “phong phú”) và bánh niên cao làm từ gạo nếp và đường để mong một cuộc sống giàu có và ngọt ngào.
2. Việt Nam
Người Việt Nam đón tết Nguyên Đán với rất nhiều phong tục thú vị và quan trọng hơn, với một thái độ tích cực nhìn về năm mới. Người Việt cho rằng, những điều họ tin tưởng, làm, hoặc nói trong 3 ngày đầu năm sẽ đại diện cho những việc sẽ diễn ra trong suốt phần còn lại của năm. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bạn luôn gặp những khuôn mặt tươi cười, những quà tặng hào phóng và những phong bao lì xì cho người già và trẻ nhỏ.
Ngày Tết ở Việt Nam là ngày đoàn tụ gia đình để thờ cúng ông bà tổ tiên và chúc mừng người thân, bạn bè một năm mới bình an, hạnh phúc.
Trước Tết, nhà cửa thường được dọn dẹp sạch sẽ, mọi khoản nợ cũ phải thanh toán hết và trẻ con được mua quần áo mới để năm mới được khởi đầu một cách tích cực. Người Việt Nam thường mua các loại mứt tết, trà ngon, bánh kẹo, hoa quả và rượu để chúc Tết người thân và những người có ơn với mình. Bàn thờ tổ tiên được lau chùi, trang hoàng với mâm ngũ quả, hoa, hương, các loại đồ ăn truyền thống như bánh chưng, canh măng, giò, xôi gấc. Họ cũng thường chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng, phát tài và phát lộc.
3. Thái Lan
Ngày Tết ở Thái Lan có tên gọi là Songkran. Trong bốn ngày lễ hội, người dân vẩy nước thơm vào người nhau, tượng trưng cho sự trong sạch và đổi mới.
Bạn có thể thấy các hình ảnh hất nước tung tóe một cách vui vẻ vào người nhau trên đường phố Thái Lan vào những ngày đầu năm mới, nhưng ở trong gia đình, phong tục này nhẹ nhàng và chân thành hơn. Những người trẻ tuổi rót chậm rãi nước ướp cánh hoa nhài từ vai xuống lưng hoặc lên tay nngười lớn tuổi trong khi nói những lời chúc tốt lành cho năm mới. Đổi lại, các vị trưởng lão sẽ xin được thứ lỗi cho những lời mắng mỏ khắc nghiệt họ đã sử dụng trong năm qua và đưa ra một lời chúc về sức khỏe và trí tuệ đối với các thành viên ít tuổi trong gia đình. Kết thúc nghi lễ là việc buộc dây quanh cổ tay người kia trong khi đọc một lời cầu nguyện phước lành. Lễ hội Songkran còn bao gồm cả việc lau dọn nhà cửa, rửa tượng Phật bằng nước thơm, đến thăm đền chùa và mang biếu các nhà sư trái cây tươi, áo mới và những món ăn ngon.
4. Hàn Quốc
Hàn Quốc ăn mừng cả hai năm mới, nhưng năm mới theo lịch âm, hay còn gọi là Sol ở Hàn Quốc khá trầm lắng và yên tĩnh hơn các nước khác ở châu Á. Không có pháo nổ, không trang trí đầu rồng công phu hay các hoạt động vui chơi lớn, người Hàn quốc đón năm mới trong không gian gia đình, thờ cúng tổ tiên và ăn các đồ ăn ngon.
Người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống trong các buổi họp mặt gia đình hay dạo chơi vào ngày Tết.
Mâm cơm truyền thống ngày tết Sol ở Hàn quốc thường gồm bánh bao, súp dduk good hoặc mandu guk, xôi, mì, trái cây tươi với sự có mặt của đông đủ các thành viên. Món dduk good và mandu gook là hai loại bánh Người dân mặc các trang phục truyền thống, tặng tiền cho trẻ nhỏ và lũ trẻ phải cúi đầu thấp để bày tỏ lòng cám ơn.
5. Cam-pu-chia
Lễ hội mừng năm mới ở Cam-pu-chia có tên gọi là Thmey Chaul Chnam, thường kéo dài trong ba ngày. Trong những ngày này, mọi người phân chia thời gian để vui chơi, ăn uống, và lên chùa cầu nguyện.
Ngày đầu tiên trong dịp Tết, mọi người tập trung trước bàn thờ gia đình được trang hoàng với nến, hương, hoa, trái cây, bát nước thơm. Mọi thành viên cầu nguyện cho sức khỏe, hạnh phúc và một năm mới may mắn. Sau đó, họ tắm gội sạch sẽ và đội cỗ lên chùa biếu cho các nhà sư. Sau thời gian làm lễ tại chùa, họ cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống và xây một ngọn núi bằng cát trong đền thờ. Ngọn núi càng cao thì mọi người càng có nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Ngày thứ hai, các gia đình tiếp tục làm lễ dâng cơm cho các vị sư, sãi ở chùa vào buổi sáng và trưa. Sau đó mọi tiếp tục đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng với một ngọn ở trung tâm tượng trưng cho vũ trụ. Ngày cuối cùng, các nhà sư sẽ ban phước cho các ngọn núi còn người dân rửa tượng Phật bằng nước thơm. Công việc này sẽ mang lại may mắn, và cuộc sống trường họ cho những người tham gia. Sau khi các bức ảnh Đức Phật được lau rửa sạch sẽ thì mọi người cũng tham gia vào việc tắm gội cho chính mình. Người già, trưởng lão, giáo viên… đều tắm với nước thơm để bắt đầu một năm mới với khuôn mặt và cơ thể sạch sẽ.
6. Singapore
Với hơn 50% dân số là người Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi người dân Singapore đón năm mới Âm lịch như một ngày lễ lớn.
Theo lịch, thời gian nghỉ Tết âm lịch chính thức chỉ kéo dài trong ba ngày, nhưng người dân Singapore thường mất cả tuần nghỉ để ăn mừng, thăm hỏi người thân và bạn bè. Các cửa hàng nhộn nhịp trước Tết, phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân. Nhà cửa lau chùi sạch sẽ, quần áo mua mới để diện tết, mọi thứ đều sẵn sàng cho một năm mới tốt lành. Bữa ăn tất niên thường tăng gấp đôi về số lượng thực phẩm vì đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình sinh sống, làm việc và học tập từ khắp nơi trên thế giới về đoàn tụ. Giống như Trung Quốc, người Singapore ăn những món ăn có ý nghĩa may mắn, phong bao lì xì được tặng cho trẻ nhỏ. Bọn trẻ thường đặt những phong lì xì dưới gối cho đến tận ngày 15 mới mở ra. Điều này đảm bảo một năm mới may mắn, nên cũng đáng để lũ trẻ học cách chờ đợi.
7. Nhật Bản
Trong thời cổ đại, người Nhật Bản cũng tổ chức đón tết Âm lịch giống Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng kể từ khi Nhật sử dụng lịch phương tây vào năm 1873, người Nhật đón tết Dương lịch theo Châu Âu. Tuy nhiên, các phong tục đón năm mới của người Nhật vẫn không kém các nước láng giềng về màu sắc và truyền thống.
Dù người Nhật đã chuyển sang đón năm mới theo lịch dương, nhưng không vì thế mà ngày tết của họ kém màu sắc và truyền thống hơn các nước láng giềng phía Đông.
Vài ngày trước tết, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, thực phẩm, đậu khô được rải trong các phòng để xua đuổi tà ma. Trong đêm giao thường, các ngôi đền, chùa rung 108 tiếng chuông, tương ứng với số hạt trên chuỗi tràng hạt, đại diện cho những khó khăn và nỗi buồn của năm mới đang đi qua. Vào những ngày đầu năm, người dân thường đến viếng thăm đền Shinto hay các ngôi chùa Phật giáo, hoặc ra biển để chứng kiến mặt trời mọc nhằm cầu mong sức khỏe tốt lành trong suốt năm mới.

Tác giả bài viết: Hữu Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP