Vẫn còn hàng loạt câu hỏi chưa được trả lời hoặc nợ trả lời trong tổng số hơn 200 lượt ĐB đặt câu hỏi chất vấn.
Vụ Trịnh Xuân Thanh làm “nóng” nghị trường
Đặt câu hỏi vào cuối buổi chất vấn Thủ tướng, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương), ủy viên Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQ VN nêu: “Ngày 31/8 vừa qua là thời hạn cuối cùng để Bộ Nội vụ báo cáo với Thủ tướng về việc con đường đi qua quy trình từ Bộ Công thương về tỉnh Hậu Giang của ông Trịnh Xuân Thanh.
Vậy xin hỏi Thủ tướng: Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng chưa, nếu không phải bí mật thì đề nghị Thủ tướng cho biết ông Thanh đi bằng con đường nào và cấp nào quyết định?”.
Trước đó, ĐB kỳ cựu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng đã 2 lần đứng lên chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xung quanh vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong buổi chất vấn chiều 16/11, ĐB tỉnh Quảng Nam cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là chuyện tày trời, một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được chuyện tày đình như đã biết.
“Xin hỏi Bộ trưởng nguyên nhân cốt lõi, trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ đối với việc này, từ chuyện tặng thưởng Huân chương AHLĐ đến được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cũng như công tác quản lý cán bộ như thế nào để ông này khi bị khởi tố ra đi một cách êm ả?”, ông Minh hỏi.
Ông đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết hiện nay có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường "tiểu ngạch" như Trịnh Xuân Thanh.
ĐB xứ Quảng cũng đề nghị Bộ trưởng Công an trả lời trước dư luận về trách nhiệm của Bộ trong việc theo dõi, giám sát, quản lý đối tượng để Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi rồi phải phát lệnh truy nã kiểu "con voi chui lọt lỗ kim" gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Câu hỏi không được trả lời, sáng hôm sau ĐB tỉnh Quảng Nam tiếp tục giơ bảng xin tranh luận vào giờ chót: “Chất vấn của tôi hôm qua được đông đảo cử tri rất quan tâm và các ĐBQH chia sẻ. Đây là vấn đề rất bức xúc trong xã hội nhưng trong trả lời sáng nay, tôi không thấy bộ trưởng nói vấn đề gì về chỗ này”.
Trước sự “truy vấn” gắt gao, Chủ tịch QH Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Nội vụ sẽ trả lời bổ sung bằng văn bản và đề nghị Bộ Công an có báo cáo về các trường hợp đang theo dõi mà đã bỏ trốn vừa rồi.
Chờ lời hứa xin từ chức khi gây hệ lụy
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận được câu hỏi từ ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) liên quan đến dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận).
“Chủ tịch Tôn Hoa Sen hứa trước Thủ tướng là nếu có sai phạm thì giao toàn bộ tài sản cho Thủ tướng. Tôi cũng đánh giá cao lời hứa này. Hôm nay muốn hỏi Bộ trưởng một câu, tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, với đất nước, với Tổ quốc này, nhưng nếu được phép tôi hỏi Bộ trưởng là nếu sau này có hệ lụy Bộ trưởng hôm nay có dám thực hiện cam kết lạc quan trước QH để xin hứa rằng sẽ từ chức trước QH không?”.
Cho đến hết phiên chất vấn đầu giờ chiều cùng ngày, Bộ trưởng Công thương vẫn chưa "động” tới câu hỏi này. Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng có trả lời bằng văn bản thoả đáng.
Trong khi đó Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạcòn nợ trả lời câu hỏi khó của ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau).
ĐB tỉnh Cà Mau hỏi thêm một câu liên quan đến bằng thạc sĩ. Tuy nhiên khi trả lời 20 phút chiều 16/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ trả lời câu hỏi liên quan đến bằng cấp, còn phần câu hỏi trên không được đề cập.
Cả họ làm quan và sân sau thứ trưởng
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân còn nợ 2 ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) và Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).
ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu, vấn đề liêm chính của cán bộ kỷ luật công vụ gần đây là vấn đề rất bức xúc.
“Dư luận có nêu một trong những vụ việc rất tày đình khi thiết kế đường QL 51 Biên Hòa - Vũng Tàu. Ở trong đó có nêu tình trạng một đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã dùng ảnh hưởng của mình để chuyển toàn bộ dự án cho công ty sân sau mà người nhà đứng trụ sở tại nhà riêng của đồng chí”, ĐB đặt câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng Nội vụ trả lời rõ 2 vấn đề.
Một là trong thời gian tới làm thế nào để nâng cao tính liêm chính và kỷ luật công vụ của cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo.
Hai là trong những vụ việc như thế này thì vai trò của Bộ Nội vụ như thế nào, có phối hợp với bộ, ngành khác để đôn đốc, để xử lý hay không? Trong vụ cụ thể này, Bộ trưởng Xây dựng đã vào cuộc xử lý cán bộ sai phạm đến đâu?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời rằng: “Vấn đề này trân trọng đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét và trả lời với ĐBQH”.
Còn ĐB Đỗ Đức Hồng Hà đặt câu nóng liên quan đến câu chuyện cả họ làm quan và việc bổ nhiệm 44/46 lãnh đạo tại Hải Dương.
“Hiện nay công tác tuyển dụng quy hoạch luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ chưa tốt dẫn đến hiện tượng "một người làm quan, cả họ được nhờ" và một cơ quan có đến 44/46 lãnh đạo... Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và làm rõ nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục triệt để tình trạng trên”.
Tuy nhiên do trả lời theo nhóm vấn đề, nên câu hỏi này không được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhắc đến cụ thể.
Nhiều ĐB cho rằng, việc các bộ trưởng nợ trả lời những câu hỏi khó cũng chính là những món nợ đối với cử tri.
Tác giả bài viết: Thúy Hạnh - Hồng Nhì
Nguồn tin: