Giáo dục

Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung thông tư 30

Đánh giá của Bộ GD&ĐT, việc áp dụng thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, ngày 28/8/2014 về quy định đánh giá học sinh tiểu học đã giúp giáo viên thay đổi từ đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất. Tuy nhiên, qua ý kiến của 63 tỉnh thành, trong quá trình triển khai còn bất cập. Vì vậy, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện thông tư 30.

Học sinh đã biết đánh giá bản thân

Như Dân trí đã thông tin trước đó, sau một thời gian triển khai, nhiều giáo viên và phụ huynh đã phản ứng mạnh mẽ về thông tư 30 bởi một số hạn chế như: quá tải cho giáo viên; làm học sinh lười học...

Năm học 2015 – 2016, Giáo dục tiểu học tiếp tục thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-Quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp, tập huấn cho hơn 4.000 hiệu trưởng tiểu học. Kiểm tra, hỗ trợ những giáo viên còn lúng túng hay hiểu chưa đúng về Thông tư 30; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm; xây dựng tài liệu hỏi đáp về đánh giá học sinh; Đổi mới cách thức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên cùng nhau rút kinh nghiệm...

Nhiều tỉnh đã chủ động tuyên truyền tới cha mẹ học sinh và cộng đồng như: Lào Cai, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Điện Biên, Tuyên Quang…

Một số địa phương chủ động tập huấn cho giáo viên như: TP. Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Cao Bằng, Lạng Sơn, TP. Cần Thơ, TT. Huế...

bogddtsesuadoibosungthongtu30
Giáo viên nhận xét học sinh theo TT 30

Qua tổng hợp báo cáo mới nhất của 63 Sở GD&ĐTcuối năm học 2015-2016 cho thấy, thông tư 30 đã đi vào cuộc sống, hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn, những quan niệm mới của Thông tư 30.

Giáo viên đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh. Cách đánh giá mới đã góp phần điều chỉnh cách dạy và học trong trường tiểu học.

Đặc biệt, học sinh đã biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn.

Cán bộ quản lý, bước đầu đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện cho giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực trong học tập.

Góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích.

Sẽ bổ sung sửa đổi một số điều

Mặc dù vậy, qua lắng nghe ý kiến của các địa phương, Bộ GD&ĐT thừa nhận, việc thực hiện Thông tư 30, đánh giá thường xuyên giáo viên còn có khó khăn, sĩ số lớp học vượt quá quy định.

Đáng tiếc vẫn còn CBQL, giáo viên và cha mẹ học sinh chưa hiểu rõ bản chất, vai trò mục đích đánh giá thường xuyên và định kỳ.

Vẫn còn định kiến, việc đánh giá học sinh chỉ thông qua điểm số thì mới chính xác. Nhiều người chưa thấy sự khác biệt giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ hoặc nhận xét không chấm điểm, học sinh sẽ lười học hơn.

Về phía đội ngũ giáo viên, còn khó khăn là mất nhiều thời gian để viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Khả năng viết nhận xét còn hạn chế.

Công tác quản lí ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh.

Trước tình hình đó, theo Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động đổi mới căn bản, toàn diện đối với giáo dục tiểu học. Trong đó, sẽ sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30; Tiếp tục triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học:

Chỉ đạo tránh thực hiện máy móc việc ghi chép nhận xét; giúp các cấp quản lý quy định hồ sơ hợp lý, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử để giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên tập trung vào hoạt động chuyên môn.

Trong quá trình thực hiện, được vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp học, vùng miền; thực hiện theo khả năng cho phép trong việc đánh giá thường xuyên để giúp đỡ học sinh nâng cao chất lượng giáo dục.

Tác giả bài viết: Mỹ Hà

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP