Trong nước

Bí thư, chủ tịch tỉnh không được có cảnh vệ

Luật Cảnh vệ vừa công bố chiều nay quy định, không bổ sung đối tượng được có cảnh vệ như một số ý kiến đề xuất bí thư, chủ tịch tỉnh được có cảnh vệ trước đó.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, chương 2 của luật quy định về đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ gồm 6 điều từ Điều 10 – Điều 15.

Theo đó, đối tượng cảnh vệ, biện pháp, chế độ cảnh vệ áp dụng đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, nhà nước, UB TƯ MTTQ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Qúy Vương

Ngoài ra, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam cũng được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ. Đồng thời, biện pháp cảnh vệ cũng được áp dụng đối với khu vực trọng yếu, các sự kiện đặc biệt quan trọng…

“Các quy định về đối tượng cảnh vệ, biện pháp về chế độ quy định tại chương này cơ bản kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Theo đó không bổ sung đối tượng cảnh vệ”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Ông cũng thông tin thêm, điểm mới trong chương này là đã quy định cụ thể các biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng nhóm đối tượng cảnh vệ để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai.

Trước đó, khi thảo luận tại QH về luật này, một số ý kiến lo ngại về tính an toàn của bí thư, chủ tịch tỉnh khi mới đây xảy ra một số sự việc đáng tiếc nên đã đề nghị mở rộng đối tượng được có cảnh vệ, trong đó có bí thư và chủ tịch tỉnh.

Được nổ súng trong 4 trường hợp

Về quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ, luật Cảnh vệ quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng trong 4 trường hợp.

Cụ thể, nổ súng trong trường hợp cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối với cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng trong các trường họp nổ súng khác theo quy định của luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Cũng trong chiều nay, luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng được công bố.

Theo đó, luật bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí gồm có cảnh sát biển, cơ yếu, cơ quan điều tra của VKS Nhân dân tối cao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm điều kiện cho các lực lượng này thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Luật giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý

Cả 2 luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP